Ký ức Việt Nam (Kỳ 4): Đội tượng binh thời Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2016) là một góc nhìn độc đáo, khác lạ về Huế, về triều Nguyễn và đất nước Đại Nam thời Gia Long, Minh Mạng trong cuộc tiếp xúc với người Pháp và văn minh phương Tây. Câu chuyện Pháp luật xin giới thiệu đoạn viết về đội tượng binh.
(ảnh tư liệu).
(ảnh tư liệu).

Một voi bốn người trông coi

Michel Đức Chaigneau cho biết: Voi thuộc lực lượng quân bị của người An Nam, đặt dưới sự chỉ huy đặc biệt của một vị quan. Dưới triều vua Minh Mạng, lực lượng này lên đến tám trăm con, trong số này một trăm ba mươi con phục vụ ở Hoàng thành. Số còn lại phân thành năm đội hay đoàn của lực lượng quân đội. Hoàng thân quốc thích có quyền nuôi một hay hai con để sử dụng, ngoài ra không ai khác được quyền nuôi voi.

Trong quân đội, cứ một voi thì có bốn người theo trông coi. Một số những người này phải lên núi hái lá cho voi ăn, khi trở về thì vận chuyển về một khối lượng khổng lồ: không đủ thì phải ra vùng ven Kinh thành để lấy thêm lá chuối mà voi rất thích. Voi hẳn nhiên là một trong những loài vật thông minh nhất: trung thành và gắn bó với người quản tượng như chó theo với chủ.

Thật ngạc nhiên khi thấy một con vật bề ngoài thô tháp đáng gờm như vậy nhưng lại có những tình cảm cao đẹp. Voi không những e sợ mà còn thực sự gắn bó với người quản tượng, nó vâng lời người này như một đứa trẻ, buồn bã khi người này đi vắng, vui mừng khi thấy chủ trở về.

Michel Đức Chaigneau đã kể lại một câu chuyện chân thực về tình cảm của voi với quản tượng mà ông chứng kiến: “Tôi không bao giờ quên lần đi thăm một trại nuôi voi ở Huế, đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Khi vào một khu chuồng thì thấy một chú voi bị cột dây, gần voi là một đứa bé chập chững biết đi. Tôi muốn đến với đứa bé nhưng giật mình sửng sốt khi liền nghe một tiếng kêu như cằn nhằn, đồng thời lại nhận luôn vào mặt một cái phun nước từ voi con vật.

Rõ ràng là một lời cảnh cáo tôi nên tránh xa đứa bé mà voi đang có phận sự trông coi. Lo sợ voi càng hăng hăng thêm, tôi buộc phải rời ngay khu chuồng trại. Ra đến bên ngoài thì tôi gặp người quản tượng, tôi kể lại ngay cho ông chuyện thái độ phản ứng của voi. Người quản tượng nói: “Cậu có lý khi ra khỏi ngay khu vực đó. Vì lẽ, con tôi ở đó thì không ai có thể đến gần thằng bé, ngoài trự vợ tôi và tôi mà thôi. Nếu bây giờ cậu trở lại với tôi ở đó thì chẳng có chuyện gì xảy ra cả”.

Tôi theo chân người quản tượng và khi bước vào khu chuồng trại, lại thấy diễn ra một cảnh thật cảm động. Thấy chủ, voi tỏ vẻ rất vui mừng, với vòi sờ soạng người quản tượng, khi thì nhìn ông khi thì nhìn về đứa bé, như thể muốn nói: đấy, con trai ông đấy, tôi đã trông coi nó. Người quản tượng lầm bầm vài tiếng, voi hiểu ngay: co một chân lên để làm bàn đạp cho quản tượng leo lên ngồi dang hai chân trên lưng.

Ông nói: “đưa thằng bé lên”. Voi choàng lấy đứa bé bằng voi như thể một bà mẹ ôm lấy con mình, nhẹ nhàng nâng lên, cẩn thận không làm ngửa đầu đứa bé, rồi đặt nó vào vòng tay người cha. Người quản tượng ôm hôn con, vuốt ve voi và cả ba, người và thú, trông rất sung sướng, làm tôi cũng thích thú vui lây”.

Đặc biêt, vị khách ngoại quốc còn kể về trải nghiệm được ăn thịt voi: Dù thịt voi rất dai, người An Nam cũng không chê một số bộ phận, khi có dịp thì sẵn sàng thưởng thức. Nhưng dịp để được ăn thịt voi thật là hiếm, chỉ có lính tráng là có cơ hội. Tôi nhớ đã có lần nếm thủ món làm từ bàn chân voi, mà tôi thấy cũng không tệ. Thực tế do hôm đó đói bụng ngon miệng nên khẩu vị của tôi trở nên dễ tính hơn.

(ảnh tư liệu).

(ảnh tư liệu).

Binh chủng "đồ sộ", nỗi khiếp đảm của kẻ thù

Theo sử sách triều Nguyễn, tượng binh đã xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn. Từ khi vua Gia Long lên ngôi thì lực lượng này cũng đã được tổ chức quy củ. Đến đời vua Minh Mạng, năm 1829, nhà vua cho định lại cơ cấu tổ chức cũng như đặt lại tên cho các đơn vị của binh chủng này.

Đại Nam thực lục ghi lại lời tâu của Bộ Binh lên vua Minh Mạng năm 1829 rằng:"Nhà nước có tượng binh dùng về việc quân, thật là đắc lực, mà từ trước đến nay ở Kinh và các thành trấn đạo, có nơi số binh nhiều, số voi ít, có nơi số binh ít, số voi nhiều.

Lại có nơi binh và voi đều chưa từng có. Nếu không tuỳ nghi định lại, cứ nhân tuần như thế, thì sự chăn nuôi ngày thường đã lo khó đủ, mà khi có việc sai khiến lại sợ có chỗ làm không nổi. Xin lượng theo địa phương lớn nhỏ và công việc nhiều ít để định số binh số tượng khác nhau cho có định ngạch".

Về vũ khí cấp cho voi chiến, tài liệu nhà Nguyễn ghi rõ, mỗi thớt voi chiến, theo lệ lĩnh 1 lá cờ đỏ thêu, 1 cây cờ có mũi giáo bằng sắt, cuộn dây thu kết thúc đằng trước bằng sắt; 30 cây lao phi mũi bằng sắt, 20 cây lao phóng bằng sắt, 1 câu liêm sắt, 2 quả chuông đồng.

Theo bản tấu trình của Bộ Binh năm 1829, thì Bộ cũng đề xuất danh hiệu vệ, cơ thuộc tượng binh đều xin dùng một chữ tên Kinh, thành, trấn, đạo mà gọi.Như lực lượng tượng binh ở Kinh thì gọi là 3 vệ Kinh tượng nhất, nhị, tam.

(Ảnh tư liệu).

(Ảnh tư liệu).

Ở Quảng Trị thì gọi cơ Trị tượng; Quảng Bình gọi cơ Quảng tượng; Quảng Nam gọi cơ Nam tượng; Quảng Ngãi gọi cơ Ngãi tượng; Bình Định gọi cơ Bình tượng; Phú Yên gọi cơ Phú tượng; Bình Hòa gọi cơ Hòa tượng; Bình Thuận gọi cơ Thuận tượng.

Tiếp đó, ở Nghệ An gọi cơ An tượng; Thanh Hoa gọi cơ Hoa tượng; Ninh Bình gọi cơ Ninh tượng; Gia Định gọi cơ Định tượng; Bắc Thành gọi 3 cơ Bắc tiền, Bắc tả và Bắc hữu.

Năm 1847, vua Minh Mạng ban hành quy định: Từ trước tới nay, cờ voi, bành voi ở các tỉnh, hoặc do Kinh cấp phát, hoặc do ở tỉnh làm lấy, màu cờ xanh, vàng, đỏ, biếc không thống nhất.

Từ nay về sau, về màu sắc, tơ lụa sơn thếp đỏ, xanh, đen, biếc tùy ý, và các kiểu tô vẽ ở bành như: Kỳ lân, long mã, rồng mây, sóng gợn cũng tùy ý, không cứ nhất thiết theo ấn định. Duy bành voi không được vẽ rồng sắc vàng, để có phân biệt màu sắc với bành voi ở Kinh.

Cờ voi ở các tỉnh, trước đó hoặc thuê đính 1 chữ, hoặc 2, 3, 4 chữ, không được thống nhất; từ nay phải theo cách thức, mỗi mặt lá cờ đều đính 2 chữ, như tỉnh Quảng Nam là đội Nam tượng, thì cờ đính hai chữ: "Nam tượng"; tỉnh Gia Định là đội Gia tượng, thì cờ đính chữ "Gia tượng"; tỉnh Bình Định là đội Bình tượng thì cờ đính chữ "Bình tượng".

Đọc thêm