Ký ức Việt Nam (Kỳ 6): Thủy tiên – đi tìm một thú chơi ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi dịp tết đến xuân về, người dân – nhất là các gia đình phú quý ở các đô thành như Hà Nội, Nam Định, Huế… lại có tục gọt tỉa thủy tiên ăn Tết. Gọt thủy tiên là một thú chơi có gốc Tàu, “nhưng cũng như nhiều thứ khác học của người khác, gọt thủy tiên lối ta chưa chắc mảy may kém gọt thủy tiên lối Tàu, thậm chí có thể hơn”.
Thủy tiên được bày bán tại chợ hoa xuân (ảnh tư liệu).
Thủy tiên được bày bán tại chợ hoa xuân (ảnh tư liệu).

Giống hoa từ trời xuống

Tìm về lịch sử hoa thủy tiên, Báo Đông Pháp số 1329 (7 tháng ba 1931) trong mục Ngày Xuân nói chuyện hoa kể: Đời xưa, có một ông hai vợ sinh được hai con giai là Giáp với Ất. Sau khi chồng và vợ cả chết, lúc chia của, người vợ hai thiên vị con ruột mình là Ất nên chọn những thửa ruộng tốt cho con, còn bao nhiêu đất xấu thì đùn cho con vợ cả.

Hiếu thảo, Giáp không tranh giành nhưng đất xấu không trồng cấy được, cái đói hiện hữu. Một hôm, Giáp đang vơ vẩn ngoài ruộng, lo buồn hiện trên sắc mặt thì bỗng gặp một cụ râu tóc bạc phơ hỏi thăm duyên cớ. Nghe kể sự tình, cụ ông cho Giáp một gói hạt giống rồi biến mất. Giáp đeo gieo, ít lâu sau quả nảy mầm, đâm hoa rất đẹp, đem bán được nhiều tiền. Vì là giống hoa của tiên cho nên đặt là thủy tiên.

Nhưng phổ biến hơn là giai thoại hoa thủy tiên gắn với chòm Xử nữ (một trong hai mươi tám chòm sao cổ đại) nên còn được gọi tên là hoa Nữ sử hay hoa Diêu nữ.

Báo Đông Pháp dẫn Nội quan nhật chép: đời xưa có một bà họ Diêu, nhà ở cầu Trương Lý đất Trương An, khi có mang nằm mộng thấy sao Nữ sử sa xuống đất rồi hóa ra hoa thủy tiên, bà ta nhặt lấy hoa mà nuốt đi, khi tỉnh dậy thì sinh một người con gái rất đẹp, hay chữ lạ lùng được bà đặt tên là Diêu thủy tiên, tự là Nữ sử.

Huyền thoại này cũng được nhà văn Vũ Bằng nói đến trong “Ăn Tết thủy tiên”. Theo sách Thiên văn thì Quan tinh là nữ sử tinh, một vì sao coi vận mệnh của đàn bà, con gái có tài học và nết na ở dưới trần.

(ảnh tư liệu).

(ảnh tư liệu).

Dẫu biết những câu chuyện trên “phần thực” thì ít, “phần hư” thì nhiều nhưng quả thực vẻ đẹp tuyệt mĩ của thủy tiên: hoa trắng, đài vàng, “trong như băng, trắng như ngọc” mà hương lại thơm, không những quý vì hương sắc mà có lẽ là loại hoa duy nhất mà người thưởng ngoạn có thể chiêm ngưỡng từ hoa đến những chùm lá quấn quýt, từ phần vỏ thô cứng đã trở thành những vuồn rồng trắng muốt đến tận chùm rễ tinh khôi đổ dài trong nước biếc. Vẻ đẹp ấy khiến bao tao nhân thất thần tưởng tiên nữ giáng trần.

Như chàng Vân Sinh (trong truyện ngắn “Bông hoa Thủy tiên” của Tứ Ly, tức Hoàng Đạo – Nguyễn Tường Long) ngỡ lạc vào động tiên khi gặp 12 cô gái tuyệt sắc trong đêm giao thừa: mặt trái soan, cặp môi thắm, hai con mắt biếc như nước mùa thu, “vận áo xanh lá mạ để lộ ra hai bàn tay trắng muốt, cổ quấn một cái khăn mùi vàng để thõng xuống hai vai”.

Ông già bến Ngự Phan Bội Châu cũng không tiếc lời dành cho thủy tiên những mỹ từ (bài “Gọt thủy tiên ăn tết”):

“Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh

Tiên trên non mà hiếm đã đành

Chân thị thuỷ trung tiên càng hiếm hiếm

Muôn tía nghìn hồng thây tục phẩm

Năm hồ bốn biển nhớ tiền sinh.

Nét điểm trang con tạo khéo đa tình

Nhuỵ kìa vàng, hoa kìa bạc, lá kìa xanh

Trên mặt nước long lanh trời với bóng

Đố ai biết thần tiên biệt chủng

Mái Hương giang mà tiên động tự nhiên thành

Vô tình mới thật hữu tình

Ơn người giới thiệu cho mình gặp tiên […]

Kỳ công nở đúng khắc giao thừa

Viết kỹ về thú chơi hoa thủy tiên cho đến nay, có lẽ chưa có tác phẩm nào vượt qua được “Ăn tết thủy tiên” của nhà văn tiền bối Vũ Bằng. Một thú chơi kỳ công đến mức nhà văn phải “ngã mũ”: “Có ai đã từng xem một cuộc trưng bày thủy tiên hẳn đã thấy các cụ ta ngày trước đã đạt đến tuyệt đích sự thần-thánh-hóa loài hoa.

Chẳng hiểu ngày xưa Võ Hậu suy tôn giống mẫu đơn tài tình đến bậc nào, chớ cứ trông thấy các cụ nhà ta trịnh trọng với loài thủy tiên, ta tự nhiên cảm thấy rờn rợn, như hoa là một vị thần linh thiêng thật sự.”

Thú chơi thủy tiên là một nghệ thuật cao quý.

Thú chơi thủy tiên là một nghệ thuật cao quý.

Để có nàng thủy tiên chưng Tết, từ đầu tháng chạp, các cụ đã phải đi chọn mua thủy tiên, mà thứ chính hạng là thứ ngoài sọt có dán giấy điều rắc hồng hoàng viết hai chữ “Kim Trinh” rồi mới đến “Nghi Xuân”, “Kim Hằng”. Mua cả sọt về rồi chọn lựa kỹ lưỡng “chọn đi chọn lại mãi”. Chọn xong rồi thì phải đem ngâm vào nước mấy ngày, phơi sương cho những màng vàng sẫm bên ngoài bợt đi và sạch nhựa.

“Cái giống thủy tiên mà rửa không sạch nhựa, sau này nó thâm lại, trông mất cả vẻ trong ngọc trắng ngà. Vì thế, vừa ngâm, thỉnh thoảng lại vừa phải cọ cái nhựa bám ở chung quanh củ thủy tiên đi, hoặc bằng cái chổi lông bé nhỏ chế riêng cho công việc tỉ mỉ này, hoặc bằng ngọn bút sơn để có thể rửa kỹ cả mọi khe giò, ngóc ngách”.

Đến công đoạn tinh vi nhất là gọt thủy tiên được Vũ Bằng miêu tả: “…thày tôi ngồi cắm cúi, lấy tay bóc khẽ từng cái vỏ, nhúng củ thủy tiên xuống chậu nước như một người mẹ nâng niu, tắm táp cho đứa con đầu lòng mới sinh, rồi đưa con dao con đánh bằng dây cót đồng hồ, mũi vẹt như ngọn thanh long đao của Quan Ngài, cắt, lượn, khía, tỉa, móc, xén... Cái bóng đó hàng giờ không quay lại hay ngẩng đầu lên, làm cho tôi nhớ đến pho tượng “Người tư tưởng” của nhà điêu khắc Rodin”.

Gọt xong rồi, người chơi còn phải tỷ mẩn chăm chút, nửa đêm sương muối mà “vẫn cứ quanh quẩn ở ngoài sân để uốn lại lá cho củ này, sửa lại giò cho củ kia, thay vải che rễ cho củ nọ”. “một người đàn bà nuôi con thấy đổi gió cũng không sợ bằng người gọt thủy tiên. […] Trời mà nồm, phấp phỏng chỉ lo hoa nở sớm, rét thì lại không hàm tiếu kịp ngày, lạc đệ thì uất lên phải chết”.

Trời hơi bức một tí thì phải ngâm xuống bể lớn, hoặc cho xuống gầm sập, chỗ có cái giếng để cho mát, hãm lại, không cho nở. Nhưng mà trời đương nồm mà quay ra gió may, lại phải tìm chỗ ấm nóng ở trong nhà, đặt nó vào. Có khi phải thắp nến ở chung quanh thủy tiên để lấy sức nóng, trông xa như lễ nó, hoặc là quây cót lại giong một ngọn đèn máy vào cho ấm.

Chơi thủy tiên và thi gọt tỉa thủy tiên là một mỹ tục văn hóa, một thịnh hội với ý nghĩa sâu sắc và nghệ thuật cao quý. Một trong những tiêu chí bình chọn đó chính là việc thủy tiên phải nở đúng khắc giao thừa, khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng. Chính việc căn được giờ hoa nở chính xác khiến tác giả Vũ Thế Ngọc cho rằng đây là một trong hai cái mà nghệ thuật gọt thủy tiên của người Việt “cao” hơn người Hoa (cái còn lại là cách “gọt khô” thay vì “gọt ướt”).

Sở dĩ nhận định như vậy vì theo ông Ngọc bên cạnh tiêu chuẩn về hình tướng và tạo dáng mà nhiều khi “rất chủ quan” thì việc căn đúng giờ hoa nở là một “tiêu chuẩn khách quan có tính thuyết phục”, người gọt được củ thủy tiên đẹp trúng giải không chỉ là người chỉ khéo tay mà còn đòi hỏi một kiến thức sâu sắc về thời tiết và thổ nhưỡng.

… Sáng mồng một Tết, các chậu thủy tiên trúng giải được mang lên kiệu son, lọng vàng, theo sau là cả một ban nhạc lễ, đưa trở về tận nhà người trúng giải. Tại cửa nhà hay cửa ngõ, các cụ trong áo thụng cùng con cái gia đình và cả hàng phố đã đón chờ sẵn. Đám rước thủy tiên đi càng chậm, lòng người càng hân hoan. “Sống đến thế này, thật quả là mãn nguyện quá đi, Trời ạ!”.

Đọc thêm