Loài mãnh thú ghê gớm
Có câu “tả thanh long, hữu bạch hổ” (bên trái rồng xanh, bên phải hổ trắng). Nếu như rồng là con vật hoàn toàn hư cấu thì ngược lại, hổ là loài vật có thật, là nỗi “ám ảnh” dai dẳng đến mức tôn kính đối với người dân An Nam.
Địa hình ¾ đồi núi với những cánh rừng nhiệt đới Trường Sơn đã là nơi sinh sống lý tưởng của loài động vật ăn thịt to lớn: hổ Đông Dương. Mặc dù đến nay, hổ đã gần như “vắng bóng” nhưng nhiều vùng đất vẫn còn những tên gọi nhắc nhớ nỗi sợ của một thời: “Cọp núi Lá, cá sông Hinh” hay “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”.
Toàn quyền Đông Dương trong hồi ký xứ Đông Dương (Alphabook, 2016) đã gọi vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa là “vùng hổ”: “Chúng thống trị tuyệt đối và không thể thách thức tại các vùng quanh Nha Trang và cả ở những vùng đất xa về phía bắc và phía nam… Một khi lãnh thổ đã thuộc về chúng, chẳng có gì khiến chúng phải e ngại. Ai muốn giữ mạng thì hãy chạy hoặc trốn. Máu chảy, thịt rơi dưới móng vuốt của lũ thú đói, tàn bạo, hung dữ hơn hẳn bất cứ loài nào khác”.
Chính Paul Doumer đã “nhìn thấy” cảnh tượng kinh hoàng do loài hổ gây ra cũng như lòng căm phẫn của người dân bản địa với loài hổ. Chuyện là, một nhóm người đi làm về, chàng trai 18 tuổi đi sau cùng đã bị hổ vồ trong chớp mắt. Một con hổ lao ra từ khu rừng gần đó, và chỉ bằng hai bước nhảy đã vồ được kẻ xấu số, ngoạm gáy cậu và tót vào rừng.
“Một tiếng kêu khủng khiếp, chỉ một tiếng duy nhất, kịp cất lên từ nạn nhân. Tất cả mọi người hoảng sợ, chạy về nhà mình, chỉ trừ một người, đó là cha của chàng trai. Ông như chết đứng tại chỗ, vừa khóc lóc, vừa rên rỉ, vò đầu bứt tóc, bất lực khi con trai phải chết dưới nanh vuốt loài cầm thú ngay trước mắt mình”, Paul Doumer viết.
Sinh đúng năm Dần mới thành…cọp
Chính từ nỗi e sợ loài mãnh thú ghê gớm có thực trong tự nhiên khiến người Việt dành cho loài vật này một sự tôn kính đặc biệt: “Trong số tục thờ cúng động vật, tục thờ hổ chiếm vị trí nổi bật nhất” (Paul Giran, Phù thuật và Tín ngưỡng An Nam, Nhã Nam 2020).
Hổ được coi là con vật dương tính, “là nỗi kinh hãi của ma quỷ và tà linh”, “là loài vật nguy hiểm và tai hại do những đặc tính tự nhiên hoặc ma thuật đáng sợ của nó, đồng thời cũng được coi là một giống sinh vật thiện lành do được đồng hóa với mặt trời”, “biểu tượng cho cả điều thiện lẫn điều ác”.
Vì sao lại như vậy, điều này được tham biện Đông Dương Paul Giran lý giải là do “tính hai mặt của sức mạnh được nhân cách hóa trong con hổ”: Một mẩu xương, một cái vuốt, một sợi râu của con vật này đảm bảo phòng ngừa hổ tấn công và nói chung là ngừa được tất cả các kiểu tai họa, bởi lẽ hổ là biểu tượng của cái ác. Và vì “ác trị ác” nên “tạo ra điều tốt”.
Học giả người Pháp Léopold Cadiere cũng xác nhận về điều này, ông viết: Trong con hổ “cái gì cũng kỳ bí, thần thiêng, có những đặc tính diệu kỳ”. Râu của nó – hóa thành con thuốc độc. Nước bọt của hổ rơi xuống đất tạo ra những con sâu lớn, lông lá đầy mình, gọi là sâu rọm mà chỉ cần đạp phải là đủ để mang một vết thương vô phương cứu chữa. Đặc biệt hai cái xương nhỏ trên vai của hổ là “một thứ bùa vô cùng quý giá”.
Vị trí của hổ trong tín ngưỡng dân gian người Việt, sức mạnh siêu nhiên mà người ta gán cho nó đã khiến linh mục Cadiere ví sánh hổ với những hiệp sĩ thời Trung cổ xa xưa với đủ loại thần thoại và đủ mọi thứ chiến công:
“Trong số các loài tạo vật thì hổ đứng hàng đầu trong tâm tư tín ngưỡng người Việt. Voi với dáng dấp khổng lồ được gọi bằng “ông lớn”, “ông thính” nhưng hổ thì được gọi là thầy, ông thầy, mệ, Ngài. Đúng là cách xưng hô cao cả”. Thậm chí, vị cha đạo người Pháp còn nghe dùng cả từ… trời để chỉ hổ.
Mọi danh từ ấy chứng tỏ sự tôn kính của người dân đối với hổ. Thậm chỉ người ta không dám gọi thẳng tên hổ. Ví dụ, đối với câu hỏi: “Trên làng có yên không?” cần được hiểu là: “Có hổ không?” và câu đáp: “Không, bắt hai người”. Chủ ngữ không được nhắc tới, nhưng đó chính là “Ngài”, tức hổ.
Bức ảnh tư liệu chụp khoảng năm1914- 1917 chụp chú bé đứng bên phù điêu hổ trước cổng đền Vĩnh Thụy. |
Một điều khá thú vị là trong tín ngưỡng dân gian nếu như không phải tất cả những đứa con của rồng đều trở thành rồng (giai thoại “Long sinh cửu tử”) thì với hổ cũng được ghi nhận một cách gần tương tự.
Ông già Việt học Cadiere ghi lại điều này: Có người cho rằng, hổ cái sanh hạ hàng năm, nhưng chỉ vào năm Dần, năm con hổ, thì hổ con mới thành hổ thực sự; hoặc là cho rằng chỉ năm Dần hổ mới sinh, nghĩa là cứ 12 năm một lần. Lại có người quả quyết hổ cái mỗi lần sinh được 3 con. Hổ mẹ đem con đến bờ thác dốc đứng nhảy qua trước và cho 3 con nhảy qua sau. Con nào qua được bờ là hổ. Con nào rơi giữa chừng là chồn cáo và con đi lùi không dám nhảy trở thành beo.
Phải chăng, đây cũng là lý do khiến cho việc lập bàn thờ hổ cần phải được tiến hành vào năm Dần như Paul Giran ghi nhận:
“Khi người ta muốn dựng tại gia một bàn thờ Quan Tướng – dân gian gọi hổ như vậy để khỏi thốt ra tên nó – trước tiên phải cho vẽ hình con vật này lên trên giấy hoặc vẽ thẳng lên tường. Màu lông của hổ sẽ tương ứng với năm sinh của tân tín đồ. Ngoài ra, các bức tranh đó chỉ được thực hiện trong các năm Dần thuộc chu kỳ thập nhị chi. Trong trường hợp không làm đúng các năm này thì cũng nhất định phải đợi đến thời điểm được chỉ định để tiến hành nghi lễ khai quang điểm nhỡn; chỉ sau khi đã thực hiện nghi lễ này, việc thờ cúng mới có thể được bắt đầu”.
Vì sao gọi hổ là “ông ba mươi”?
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ: Cuối đời Lê, có chuyện Ma Trành (Trành cũng có âm là Xương như đã nói) do Phạm Đình Hổ chép lại (Trành quỷ hiển linh) cũng nói Trành là tinh của người chết vì Hổ, thành Hổ về bắt người ăn thịt cũng đúng như chú giải của Thiều Chửu trong từ điển. Hơn nữa, Phạm Đình Hổ còn nhắc lại ở đây, việc Ma Trành vật chết Nhâm Ngao.
Lĩnh Nam chích quái chép rằng “dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống đến nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là Xương Cuồng”. Thì rõ ràng đây là tục thờ Hổ vào Ba mươi tết. Và vì thế hổ, cọp, khái, hùm… được gọi là Ông Ba mươi.
Tuy nhiên, mọi tục lệ, mọi truyền thuyết đều là những tích hợp. Tục thờ hổ, tục thờ cây, thờ thần rừng có thể có từ thời xa xưa, cái thời mà các sử gia trung đại vẫn xếp chung là thời Hùng Vương. Những lễ mở cửa rừng của người Thái, người Mường và cả người Kinh… thường kèm việc săn thú, lấy thành quả tế lễ và thụ hưởng chung, thường diễn ra vào mùa Xuân.
Sau khi tiếp biến văn hóa Trung Hoa, với tục “khu na” (xua trừ ma quỷ) vào đêm trừ tịch ba mươi Tết (Đốt trúc khu na đắng lỗ tai = Nguyễn Trãi) thì đêm ba mươi, dân đồng rừng, ven núi có thêm tục đốt pháo, khua phèng la, chũm chọe, vung đồng đuổi cọp về. Cái cũ và cái mới hòa đồng trong thời lịch hội nhập để tạo nên phong tục dân gian.
Vậy, Ông Ba mươi với tên gọi trại do tín ngưỡng để gọi hổ, cọp, khái, hùm… có chứng tích ghi chép sớm nhất là từ Lĩnh Nam chích quái, một tác phẩm khởi thảo từ thời Trần, biên soạn lại từ thời Lê và tu bổ san định cho đến thời Nguyễn. Đến nay, đây là ý kiến khả tin nhất.