Kỷ vật của Bác Hồ (Kỳ 4) - Chiếc áo len và ống nhòm vô giá

(PLO) -Nhà thơ Tố Hữu là nhà thơ viết rất nhiều về Bác, trong số đó có một đoạn thơ rất hay: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông, mọi kiếp người/Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau/Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu/Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ/Cho hôm nay và cho mai sau... ”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Trịnh Như Lương tại lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về sau chuyến thăm CH Pháp ngày 21/10/1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Trịnh Như Lương tại lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về sau chuyến thăm CH Pháp ngày 21/10/1946

Trong suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn quan tâm đến chiến sĩ, đồng bào từ những điều nhỏ nhặt nhất, đời thường nhất và những ai có may mắn nhận được quà Bác tặng, được gặp, nghe Bác nói chuyện, dặn dò đều mang theo trong lòng, coi đó là những những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời, là báu vật của đời người.

“Áo len này để cháu mặc mỗi khi thấy lạnh”

Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, nay là Đoàn ca múa Quân đội, được thành lập năm 1951 và là đoàn văn công đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếng đàn, tiếng hát của các nghệ sĩ đã vang lên trên mọi chiến hào và theo bước chân của những người lính nơi chiến trường. 

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đoàn nghệ thuật này cũng như từng nghệ sĩ trong đoàn. Những lời căn dặn của Bác luôn là động lực để các nghệ sĩ vượt lên khó khăn, để người nghệ sĩ thật sự là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.

NSƯT Linh Nhâm là một giọng ngâm thơ nổi tiếng trên sóng phát thanh, nhưng ít ai biết được chuyên môn đầu tiên bà không phải là ngâm thơ. Nghệ sĩ đến với ngâm thơ, trở thành một giọng ngâm thơ nổi tiếng trên sóng phát thanh từ một lời động viên của Bác Hồ. 

NSƯT Linh Nhâm quê ở Hải Phòng. Có năng khiếu từ nhỏ nên mới 19 tuổi, bà được tuyển vào Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị chuyên hát bè trong dàn hợp xướng. Từ 1959, nghệ sĩ Linh Nhâm vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác Hồ cho đến lúc Người qua đời. Một lần sau khi nghe bà hát dân ca, Bác liền hỏi: “Cháu có biết ngâm thơ không? Giọng cháu tốt đấy, cháu hãy tập ngâm thơ xem để có thêm nhiều tiết mục phục vụ cho bộ đội”. 

Theo gợi ý của Bác, nghệ sỹ Linh Nhâm quyết tâm tập ngâm thơ bằng được. Khi biểu diễn phục vụ bộ đội, bà thường lấy các bài thơ trên báo tường ra tập ngâm và phục vụ luôn chiến sĩ. Bà không học ở trường lớp nào mà học ngay qua đài phát thanh, nghe các giọng ngâm nổi tiếng thời đó như nghệ sỹ Trần Thị Tuyết, Châu Loan.

Áo len Bác Hồ tặng Nghệ sĩ ưu tú Linh Nhâm
Áo len Bác Hồ tặng Nghệ sĩ ưu tú Linh Nhâm

Một lần nghe Linh Nhâm ngâm thơ, Bác bảo: “Cháu đã biết ngâm thơ rồi đấy nhưng hơi thở của cháu còn ngắn lắm”. Rồi Bác đứng dậy để thị phạm luôn. Bác nói: “Cháu phải lấy hơi vào thật sâu, giữ lại ở dưới bụng khoảng mấy giây rồi từ từ đưa hơi ra thì hơi mới dài được”… 

Năm 2009, khi quyết định tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh chiếc áo len cộc tay bà được Bác Hồ tặng vào năm 1967 trước khi vào chiến trường khu IV phục vụ bộ đội, trong bà vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày nào: “Trước khi đi, một buổi sáng chủ nhật, Bác gọi tôi vào ăn bữa cơm với Người. Khi ăn xong, Người gọi đồng chí Vũ Kỳ mang ra cái áo len, một lọ thuốc chống muỗi và một lọ đựng hơn mười lát sâm tươi.

Người nói: “Áo len này để cháu mặc mỗi khi thấy lạnh, cần phải giữ gìn sức khỏe mới có thể phục vụ tốt chiến sĩ; vào rừng nhiều muỗi, vắt, cháu lấy dầu bôi vào chân tay tránh bị đốt. Còn lọ sâm để dành khi mệt thì lấy ra ngậm”. Sự quan tâm của Người đối với một nghệ sĩ nhỏ bé đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh trước khi ra chiến trường.

42 năm qua (ở thời điểm năm 2009 - PV), tôi và gia đình gìn giữ chiếc áo len như một kỷ vật vô giá trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Hôm nay, gia đình tôi xin tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh để có điều kiện bảo quản tốt hơn". 

Ngày 17/5/2009, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, có một cuộc giao lưu đặc biệt với những nghệ sĩ cũng rất đặc biệt mang tên “Tháng Năm và những hồi ức về Bác kính yêu”. Tại đây, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị ngày đó - những người đã từng được gặp gỡ, biểu diễn phục vụ Bác Hồ lúc sinh thời - đã chia sẻ những hồi ức không thể nào quên.

Trong ký ức của các nghệ sĩ- người lính, những hình ảnh, kỷ niệm về Bác luôn là xúc cảm không bao giờ vơi cạn. Những gương mặt nổi tiếng một thời, nay đầu điểm bạc, không ít người ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn luôn nhớ về Bác với những cảm xúc chân thành và sâu lắng nhất.

Chiếc ống nhòm Bác Hồ tặng ông Phan Duy Vẽ
Chiếc ống nhòm Bác Hồ tặng ông Phan Duy Vẽ

“Tặng chú chiếc ống nhòm này để nhìn rõ hơn”

Ông Phan Duy Vẽ sinh năm 1913 quê ở Hưng Yên nguyên là Phó Chủ nhiệm Công ty khách sạn chuyên gia thuộc Cục Chuyên gia Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ). Năm 1945, là Đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc, ông Vẽ tham gia phong trào Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hưng Yên; sau đó, ông tiếp tục đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Phan Duy Vẽ bị cận thị nặng nên khi đi làm việc, luôn phải mang theo một chiếc ông nhòm nhỏ bên người. Năm 1960, trong một buổi đến xem thực địa tại một địa điểm bí mật, thấy ông chỉ có chiếc ống nhòm nhỏ nên Bác đã tặng ông chiếc ống nhòm to. Khi tặng, Người nói: “Tặng chú chiếc ống nhòm này để nhìn rõ hơn”.

Quà tặng quý đó của Bác Hồ được ông Phan Duy Vẽ nâng niu, luôn mang theo mình và cất giữ cẩn thận. Ngày 26/8/2013, trong đợt tiếp nhận gần 40 hiện vật gốc, tài liệu và ảnh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh do các tổ chức, cá nhân tặng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận chiếc ống nhòm - kỷ vật quý giá của gia đình ông Phan Duy Vẽ do bà Phan Thị Thục Oanh, con gái ông, trao tặng.

“Bố mẹ tôi trân trọng những kỷ vật Bác đã tặng cho lắm”

Đó là lời của bà Trịnh Thị Hương Thư, con gái đầu của ông Trịnh Như Lương, nói với cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong buổi gặp, trao đổi về quyết định của gia đình khi giao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bộ quần áo do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng cha mình.

Ông Trịnh Như Lương (1916-1980) quê ở Hà Nội, lúc nhỏ theo học tại trường Anbe Sarô, tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Kháng chiến nổ ra, ông Lương được giao phụ trách liên trại tù binh, hàng binh Pháp kiều. Trong hoàn cảnh chiến tranh, dù thiếu thốn đủ bề nhưng ông luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận cố gắng của ông, Bác Hồ đã tặng ông bộ quần áo bằng vải đũi, được dệt từ sợi tơ tằm và một lá thư do tự tay Người đánh máy trên loại giấy in sẵn mẫu Chủ tịch Chính phủ Việt Nam, dưới có chữ ký tên màu mực xanh đen, kích thước 20,5 x 12,5(cm).

Người viết: “Gửi chú Lương, phụ trách Trại tù binh. Từ ngày kháng chiến, chú và anh em ở đó phụ trách một việc khó nhọc. Cũng như toàn thể và quân đội đang chịu khó nhọc. Nhân Năm Mới, tôi gửi lời hỏi thăm và khuyên gắng chú và những anh em làm việc với chú.

Bộ quần áo cùng lá thư Bác Hồ gửi ông Trịnh Như Lương
Bộ quần áo cùng lá thư Bác Hồ gửi ông Trịnh Như Lương

Các chú cố gắng làm tròn nhiệm vụ, giữ đúng Cần, kiệm, liêm chính.Chính phủ sẽ ghi nhớ công trạng, những nhân viên tận tụy và trung thành. Sẵn đây, đồng bào có gởi tặng tôi một bộ áo, tôi gởi biếu chú.Chào thân ái và quyết thắng – 1949”.

Ông Trịnh Như Lương đã giữ những kỷ vật này rất cẩn trọng. Lúc gần qua đời, ông trao lại bức thư và bộ quần áo cho bà Trịnh Thị Hương Thư cất giữ; năm 2010, bà Trịnh Thị Hương Thư thay mặt gia đình tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bộ quần áo bằng vải đũi may kiểu bà ba, phía sát cổ áo có dòng chữ thêu chỉ màu xanh rêu:

“V.M Tiên xá ngoại kính biếu” và dòng chữ “Hồ Chủ tịch” thêu chỉ màu đỏ. Áo có chiều dài 71,2 cm, rộng vai 65,7 cm, quần dài 92 cm. Cũng trong buổi trao tặng, bà Trịnh Thị Hương Thư kể lại: “Sau khi nhận được bộ quần áo Bác gửi tặng, bố tôi mừng lắm, không phải vì loại quần áo này lúc đó không có nhiều, mà vì đây là quà của Bác Hồ tặng…

Từ đó, mẹ tôi luôn giữ bộ quần áo Bác Hồ tặng bên người. Nghe tin địch càn, mẹ gói gọn rồi cho vào vại bằng sành, đem chôn xuống đất giấu; khi giặc rút, mẹ lại đào lên. Cứ như thế mẹ giữ được nguyên vẹn bộ quần áo đến ngày tiếp quản, trở về Thủ đô Hà Nội”. 

Bộ quần áo được gia đình ông Trịnh Như Lương giữ gìn cẩn thận như giữ một kỷ vật quý giá, thiêng liêng, chưa một lần mặc nên khi trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, những người cán bộ làm hồ sơ tiếp nhận hiện vật vẫn thấy bộ quần áo được giữ nguyên như mới, dù thời gian trôi qua đã hơn 60 năm…

Đọc thêm