Kỷ vật của Bác Hồ (Kỳ 8): Ao ước được dẫn nhau đi đón Bác

(PLO) -Trong triển lãm “Tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Những câu chuyện chưa kể” nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh nhật Bác 19/5/2017, nhiều người xem tần ngần trước hiện vật là chiếc khăn tay, quạt và lá thư của một đôi vợ chồng cán bộ cách mạng miền Nam gửi tặng Bác Hồ với câu hỏi đôi vợ chồng này là ai?.
Quạt, khăn tay và lá thư gửi Bác Hồ của vợ chồng ông Tư- bà Châu
Quạt, khăn tay và lá thư gửi Bác Hồ của vợ chồng ông Tư- bà Châu

Món quà đôi vợ chồng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu gửi tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật lần thứ 78 của Người là chiếc quạt giấy in hình đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc; chiếc khăn vuông lụa trắng phau, thêu hình hai đứa trẻ chơi đùa ở góc khăn, kèm theo đó là lá thư viết ngày 17/5/1968:

“Kính gửi Bác của hai cháu. Chúng cháu rất nhớ Bác và mong có ngày được đón Bác vào Nam. Anh Lê Hồng Tư của cháu vẫn ao ước ngày nước nhà độc lập, hai chúng cháu sẽ được dẫn nhau đi đón Bác. Những lúc gặp khó khăn nhất, chúng cháu đều nhớ đến Bác. Hôm nay chúng cháu gửi tặng Bác hai món quà kỷ niệm trong tù, có nhiều hình ảnh sâu đậm về Bác. Chúng cháu nhớ Bác nhiều lắm. Cả miền Nam đều mong nhớ Bác và mong gặp Bác. Kính nhớ Bác. Hai cháu Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu”. 

“Tôi đã xem anh Tư là chồng từ giờ phút này”

Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu cũng là hai nhân vật chính của mối tình thủy chung, son sắt, từng gây xúc động trong dư luận. Anh Lê Hồng Tư, người tử tù bị đày ra Côn Đảo từ năm 1961 và chị Nguyễn Thị Châu, người nữ sinh, nữ Cộng sản nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định. 

Chị Châu sinh năm 1938 ở Biên Hòa, Đồng Nai, phải vay mượn tiền lên Sài Gòn ăn học. Anh chàng lớp trưởng mà sau này trở thành người bạn đời của chị là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hồng Tư, người đã giác ngộ cách mạng cho chị. Ông Lê Hồng Tư kể lại: “Khi Châu đến trường Văn Lang đăng ký học, tôi đã chú ý ngay. May thay Châu đăng ký vào học lớp tôi đang làm lớp trưởng. Thanh niên mới lớn mà, ai lại không thích người con gái đẹp, nết na thùy mị như Châu”. 

Những buổi trò chuyện về lý tưởng, về hạnh phúc xen giữa những buổi học, sinh hoạt ngoại khóa và sau này là những lần biệt vô âm tín hàng tuần, hàng tháng, Châu lờ mờ hiểu rằng người con trai mà các cô đang tin cậy như người anh, người bạn không giống như bao học sinh khác. Hè năm 1957, Nguyễn Thị Châu chính thức được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động.Từ tình bạn rồi dần dần Lê Hồng Tư cảm hóa Châu trở thành người đồng chí trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn mà Châu hoạt động rất tích cực…

Vợ chồng ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu hạnh phúc trong ngày cưới
Vợ chồng ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu hạnh phúc trong ngày cưới

Một chiều thứ bảy năm 1958, Tư lựa lời đề cập đến chuyện tình cảm. Không ngờ Châu trả lời: “Em chưa nghĩ đến chuyện đó đâu. Em còn phải lo chuyện học, chuyện nuôi các em”. Năm 1959, sau khi đi thoát ly, Lê Hồng Tư mới có dịp gặp lại người mình yêu và phải đến hè năm 1960, trước khi đi công tác xa, anh mới có dịp hẹn gặp chị để trao đổi, giới thiệu người thay thế mới. Ông Tư kể:

“Tôi có linh tính lần gặp mặt đó là lần chia xa, nên có nói với Châu rằng: Nếu còn sống trên đời này tôi vẫn còn giữ ý định thành hôn với Châu, dù phải đi hết một vòng trái đất để đến với Châu tôi cũng sẵn lòng”. Bà Châu nhớ lại: “Thực sự tôi rất thương anh Tư, nhưng lúc đó nợ nước chưa đền, nợ nhà chưa dứt làm sao tôi có thể nghĩ đến tình riêng”.

Ngày 8/7/1961, cả Sài Gòn lẫn Washington rúng động với thông tin: biệt động cách mạng đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Frederick Nolting. Đó chính là chiến công của “tiểu đội quyết tử quân” thuộc lực lượng biệt động Ban cán sự học sinh sinh viên Khu Sài Gòn - Gia Định mà Lê Hồng Tư, khi ấy mới 26 tuổi, phụ trách chỉ huy.

Đây cũng là những trận đánh Mỹ đầu tiên giữa Sài Gòn, mở ra phong trào sinh viên học sinh đánh Mỹ khắp các đô thị miền Nam. Cả tiểu đội quyết tử Lê Hồng Tư đều bị bắt. Ngày 24/5/1962, tòa quân sự đặc biệt tuyên 4 án tử hình bao gồm: Lê Hồng Tư, 27 tuổi, sinh viên; Lê Quang Vịnh, 26 tuổi, giáo sư; Lê Văn Thành, 20 tuổi, học sinh; Huỳnh Văn Chính, 27 tuổi, quân nhân. 

Ngày 9/2/1961, chị Châu bị địch bắt sau khi vừa chuyển xong tài liệu cho cơ sở. Hết chuyển chị qua Quân lao Gia Định, hầm khói Thủ Đức, hầm tối P.42, cấm cố trong xà lim nhà tù Phú Lợi rồi lại quay trở về Tổng Nha, sau đủ các ngón đòn tra tấn nhưng chị vẫn một mực trung kiên. Ngày 2/9/1961, Nguyễn Thị Châu được chi bộ nhà lao Gia Định kết nạp Đảng và sau trở thành Chi ủy viên Chi bộ Đảng ngay tại trại Lê Văn Duyệt. 

Tin Lê Hồng Tư cùng đồng đội bị kết án tử hình lan rất nhanh trong hệ thống lao tù. Nghe tin dữ, chị Châu quyết định thông qua tổ chức, nhắn tin mình là vị hôn thê của anh. Chị muốn trước khi ra pháp trường, anh cũng mãn nguyện vì lời cầu hôn đã được chấp nhận: “Tôi đã xem anh Tư là chồng từ giờ phút này”. 4 năm sau, năm 1970, tin vui này mới chuyển được đến đúng địa chỉ. Sau bao năm chịu mọi cực hình đòn roi, tra tấn, Lê Hồng Tư đã khóc vì hạnh phúc, cảm động...

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, ngày 7/5/1975, những người tử tù Côn Đảo đầu tiên được đưa trở về đất liền. Tử tù Lê Hồng Tư gặp lại người con gái mà mình mong ước được sống trọn đời sau 15 năm chờ đợi. Ngày 17/8/1975, đám cưới của Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu diễn ra… 

Ước mong phục vụ cách mạng đến hơi thở cuối cùng

Từ 30/4/1975, bà Nguyễn Thị Châu làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Q.10; sau đó, bà chuyển sang Hội LHPN TP.HCM phụ trách mảng chăm lo đời sống phụ nữ, trẻ em. Dù ở cương vị nào, bà cũng kiên trì đi xuống cơ sở, vừa thăm nom, vừa sâu sát đời sống người dân để biết tâm tư, tình cảm, khả năng của từng người rồi bồi dưỡng, giúp đỡ. Còn ông Lê Hồng Tư về làm ở Sở VH-TT, Quận ủy Tân Bình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM.

Hẳn rằng khi đọc đến đây, bạn đọc sẽ thắc mắc đến năm 1975 ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu mới cưới nhau, vậy lá thư gửi Bác Hồ năm 1968 của vợ chồng Lê Hồng Tư – Nguyễn Thị Châu cùng hai món quà chiếc quạt và chiếc khăn tay là như thế nào?

Đặt câu hỏi này với bà Nguyễn Thị Châu, bà cho biết năm 1968 khi nữ nhà văn, nhà báo người Ba Lan Monika Warnenska – người từng tuyên bố “Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi” - gặp bà ở chiến khu, bà Monika Warnenska đã hỏi chuyện bà về những ngày ở trong tù và có nói với bà trong lần ra Bắc tới bà Monica sẽ gặp Bác Hồ. Nghe vậy, bà Châu đã quyết định gửi tới Bác Hồ hai món quà đó là chiếc quạt và chiếc khăn tay. 

Vợ chồng ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu tại một buổi giao lưu trực tuyến với bộ đội và thanh niên
Vợ chồng ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu tại một buổi giao lưu trực tuyến với bộ đội và thanh niên

Cả hai món quà này đều có nguồn gốc rất cảm động. Chiếc quạt là do một đồng chí ở hầm B42 Côn Đảo làm tặng bà Châu khi biết bà đã rất anh dũng trước những đòn roi của địch và được kết nạp Đảng trong tù. Khi tặng chiếc quạt này, các đồng chí còn nhắn bà Châu rằng nếu như được gặp Bác Hồ hãy thưa với Bác rằng sẽ đi theo lý tưởng cách mạng đến giọt máu cuối cùng.

Còn chiếc khăn tay là  món quà của các nữ tù ở nhà lao Gia Định tặng bà Nguyễn Thị Châu nhân dịp bà được kết nạp Đảng trong tù. Nói đến lá thư, bà Châu rưng rưng xúc động: “Lá thư là do tự tay tôi viết cho Bác Hồ, lúc đó xúc động quá nên không biết viết gì nhiều. Ngay từ khi nghe anh Lê Hồng Tư nhận án tử hình của giặc tôi đã coi mình là vợ của anh ấy, nên trong thư gửi Bác tôi cũng viết như đại diện cho cả hai vợ chồng”. 

Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Châu kể ông Lê Hồng Tư vừa qua cơn nhồi máu, nhưng vừa khỏe là ông lại lấy xe máy đi làm công tác xã hội vì luôn mong muốn được làm việc, cống hiến đến hơi thở cuối cùng.

Hiện hai vợ chồng ông bà Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu đang ở căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Duy Dương (P.3, Q.10, TP.HCM). Như một nếp quen, ông bà vẫn cần mẫn học và hành qua sách báo, qua những buổi nói chuyện chuyên đề như thời son trẻ. Bởi với họ, lời dặn của Bác Hồ vẫn còn nguyên đó, học để phục vụ cách mạng là hành trình dài cả một đời người…

Đọc thêm