Kỳ vọng Hà Nội

(PLVN) - Hà Nội đã từng tổ chức rất nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư (XTĐT) nhưng hội nghị XTĐT cuối tuần qua được coi là lớn nhất trong lịch sử, với chủ đề “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” với mục tiêu vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Và xa hơn nữa, Hà Nội phải là tiêu biểu của một “đầu tàu”. Bởi, nói đến Hà Nội là nói đến trung tâm chính trị, kinh tế...; nói đến nơi tập trung lực lượng trí thức lớn nhất nước.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.

Tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đang đề nghị với Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội quyết tâm phấn đấu sẽ phủ đầy các quy hoạch phân khu, đặc biệt là các quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy.

Sau khi nhập Hà Tây vào Hà Nội, Hà Nội trở thành một trong 11 thủ đô lớn nhất thế giới, nhưng tính “đa dạng” có lẽ nhất thế giới; bởi có đủ đô thị, nông thôn, miền núi; có dân tộc thiểu số; người giàu, người nghèo. Sau khi Luật Thủ đô được thông qua (năm 2012), công dân Hà Nội kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên, đây có lẽ là Luật duy nhất sau 8 năm có hiệu lực không có Nghị định hướng dẫn.

Sau 12 năm sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, điều dễ thấy nhất là giảm được 01 đầu mối cấp tỉnh, tăng thêm quỹ đất để mở rộng “không gian” Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn ở mục tiêu phát triển các “đô thị vệ tinh” kéo giãn nội đô thì thật khó thống nhất để nói rằng thành công. Đành rằng, nếu nhìn từ trên cao xuống, Hà Nội đã phát triển; nhưng nhìn ở mặt đất sẽ thấy các “đô thị mới” thường xuyên ùn tắc, ngập lụt... Điều đó có nghĩa là, có vấn đề về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Bí thư Hà Nội cũng cho biết Hà Nội đang triển khai các cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô phát triển (vừa được Kỳ họp thứ 9 Quốc hội 14 thông qua). Về dài hạn, TP sẽ kiến nghị sửa Luật Thủ đô để tạo hành lang pháp lý, đòn bẩy cho Hà Nội phát triển hơn nữa.

Hà Nội là nơi tập trung chất xám của cả nước, nhưng khát vọng về một “Kỳ tích sông Hồng” trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn chỉ là kỳ vọng qua các nhiệm kỳ. Một lần nữa xin chúc Hà Nội sớm đạt được những khát vọng chính đáng ấy.