Tôn giả Ca Lý Ca là vị La hán thứ bảy trong mười tám vị La hán. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đức Phật từng bảo ông cùng mười lăm vị La hán kia lưu lại nhân gian mãi đến khi nào Bồ tát Di Lặc ra đời, các ông mới được ra đi. Khi còn tại thế, đức Phật từng đến đảo Tích Lan thuyết pháp, giảng kinh cho vua Dạ Xoa nghe. Bộ “kinh Lăng già” nổi tiếng được giảng tại đây.
Ca Lý Ca cũng là một trong số đệ tử theo Phật đến Tích Lan. Lúc đức Phật sắp rời đảo, vua Dạ Xoa theo hầu không rời nửa bước, rồi quỳ sát đất cung kính thưa: Kính lạy đấng Từ bi giáo chủ của trời người, xin thương xót chúng sanh ở đảo chúng con mà lưu lại một vật kỉ niệm gì đó có giá trị để cho hậu thế tin Ngài đã từng đến đây thuyết pháp, giảng kinh.
|
Cảm động trước lòng thành kính của Dạ Xoa, đức Phật hứa khả lời thỉnh cầu, chỉ thấy đức Phật từ từ đưa chân phải lên rồi nhẹ nhàng để xuống. Bỗng nhiên, đại địa chấn động, núi non rung chuyển. Lát sau, đức Phật chỉ xuống chân nói: Ta để lại cái này, chẳng biết từ lúc nào trên đất đã in một dấu chân thật lớn. Tên gọi núi “Phật Túc Sơn” được ra đời từ đó.
Xong, đức Phật quay sang Ca Lý Ca bảo ông nên lưu lại nơi đây dạy bảo mọi người hằng ngày đến lễ bái, gìn giữ thánh tích này cho trang nghiêm. Và Phật Túc Sơn lúc bấy giờ là thánh địa nổi tiếng khắp nơi, dân chúng chen nhau đến lễ bái.
Nhưng trải qua một thời gian, nó dần dần chìm vào quên lãng. Con đường nhỏ lên núi cũng bị cỏ hoang phủ kín. Trong thời gian đó, vua Tích Lan bị bại trận, vì trốn chạy kẻ địch truy đuổi nên núp trong sơn động. Một hôm, quốc vương thấy một con nai hoa rất đẹp xuất hiện trước cửa động nhìn mình không chớp mắt, không cầm lòng được vua bỗng như người bị mộng du bước đi theo nai. Khi gần lên núi, nai biến mất.
Ðang còn cảm thấy kỳ lạ thì vua phát hiện trên đỉnh núi cách đó không xa có ánh hào quang lấp lánh. Quốc vương giật mình kinh sợ nghĩ trên đó có địch mai phục vội chạy núp vào bụi cỏ. Nhưng qua cả buổi mà vẫn không thấy động tĩnh gì, lúc này vua mới mạnh dạn bước ra, tiến về phía trước nhìn xung quanh, cuối cùng phát hiện dấu chân Phật. Thế là danh tiếng Phật Túc Sơn được tiếp tục lưu truyền.
Thì ra, con nai hoa kia chính là do Tôn giả Ca Lý Ca biến thành. Trải qua không biết bao nhiêu triều đại, Phật Túc Sơn lại bị trôi dần vào quên lãng. Do không có người lên núi nên nó đã bị cỏ hoang phủ kín lối đi. Khi đó, dưới chân Phật Túc Sơn có một vườn hoa của vua Tích Lan rất lớn, trong vườn trồng nhiều loài hoa quí hiếm. Những lúc rảnh rỗi, vua thường dạo chơi ngắm hoa, thưởng thức cảnh ong bướm bay đầy trời với muôn màu hoa thơm cỏ lạ.
Nhưng sáng nọ, khi đến vườn hoa, vua phát hiện mấy cành hồng mà mình yêu thích bị ai đó bẻ đi rất nhiều và lặp lại nhiều lần. Vua giận quyết bắt kẻ trộm, phái người mai phục bốn phía vườn hoa suốt đêm và bắt được tên trộm bẻ hoa. Thì ra là một thiếu nữ xinh đẹp. Thiếu nữ bị la mắng vẫn ôn tồn chắp tay đáp mình bẻ hoa để cúng Phật trên núi này.
Thiếu nữ đưa tay chỉ vào đám sương mù mờ mịt và những ngọn cây cao hơn hai ngàn ba trăm thước trên núi nói. Quốc vương bán tín bán nghi đích thân theo thiếu nữ lên núi. Khi lên tới nơi, bất chợt vua giật mình kinh sợ vì quả nhiên thấy dấu chân Phật. Quốc vương vội đảnh lễ dấu chân Phật. Nhưng khi ngẩng đầu lên thì không biết thiếu nữ kia đã biến đi về hướng nào.
Hóa ra, thiếu nữ xinh đẹp kia chính là do Ca Lý Ca biến thành. Ngài dẫn vua Tích Lan phát hiện ra Phật Túc Sơn một lần nữa. Từ đó, Phật Túc Sơn luôn được khắc sâu trong lòng người dân Tích Lan không còn bị lãng quên nữa. Cho đến nay, lúc nào cũng có người lên núi.
Nhất là mỗi năm đến ngày mười lăm tháng ba âm lịch, quần chúng đến lễ bái thánh tích càng rầm rộ không ngớt. Có được như vậy là nhờ ơn đức của Tôn giả Ca Lý Ca vâng lời phó chúc của Phật trú tại Tích Lan hoằng dương Phật pháp.