Lạ lùng cặp đôi được “nữ hoàng linh trưởng” làm mối vợ chồng

(PLO) - Nhưng điều ít ai biết, chính loài động vật mà Trang ra sức bảo vệ đã trở thành “ông tơ bà nguyệt” se duyên cho cô và người bạn đời…
Vợ chồng Trang trong một lần dẫn đoàn khảo sát.
Vợ chồng Trang trong một lần dẫn đoàn khảo sát.

Lê Thị Trang (SN 1986, quê Quảng Nam) được nhiều người biết đến bởi những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và được tổ chức Future for Nature (Quỹ tương lai cho môi trường tự nhiên) bầu chọn là một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới. 

“Kho báu” giữa Sơn Trà

Đậm người, giọng Quảng đặc sệt, nụ cười tươi rói là ấn tượng đầu tiên về Trang. Giữa nắng hè, trong Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, Trang say sưa nói về loài voọc chà vá chân nâu mà cô cùng đồng nghiệp nỗ lực bảo tồn thời gian qua. 

Trang cho biết, với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân nâu (còn gọi voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng linh trưởng”, hay hoàng hậu của loài khỉ. 

Tích kể rằng, Sơn Trà đẹp nhất có bãi Tiên Sa. Cũng vì mê đắm vẻ đẹp có núi, có biển đó mà mỗi khi trời đất giao thoa, những nàng tiên trên trời lại trốn Ngọc Hoàng xuống đắm mình giữa núi rừng hùng vĩ và bờ cát trắng xóa. Chính nơi thần tiên du ngoại, loài “nữ hoàng linh trưởng” tìm tới cư ngụ. 

Du khách thường kháo nhau, nếu chưa 1 lần rong ruổi trên con đường rừng đẹp như tranh vẽ của Sơn Trà, chưa một lần diện kiến “nữ hoàng linh trưởng” thì chưa thể nói đã đến Đà Nẵng. Nếu ai may mắn được chiêm ngưỡng cuộc sống của một gia đình voọc, sẽ thấy đây là một “xã hội” rất quy củ, chặt chẽ nhưng cũng đầy “vương giả”. 

Vẻ bên ngoài của voọc chà vá chân nâu rất lộng lẫy: bộ lông được “phối màu” kỹ lưỡng; đỉnh đầu màu lông xám giống như chiếc mũ nồi, khuôn mặt sáng màu trắng hay trắng xám, từ cổ xuống ngực có lông màu hung đỏ nhạt dần và đôi chân màu nâu đỏ đặc trưng. 

"Nữ hoàng linh trưởng" của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà
"Nữ hoàng linh trưởng" của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà

Nhiều năm gắn bó với voọc chà vá chân nâu, Trang thích thú miêu tả chúng như 1 con người: Voọc “sành điệu” và cũng yêu cảnh sắc thiên nhiên nên chúng chỉ chọn Sơn Trà làm nơi an cư. Mùa Hạ, nơi đây rộn rã tiếng ve, hoa sim khoe sắc tím, sang thu, cả khu rừng chò chai, dẻ cau khoác lên mình màu đỏ rực, cuối đông vào xuân, rừng thay lá xanh mơn mởn. Voọc tập trung nhiều nhất tại sườn phía Đông Bắc núi Sơn Trà giáp biển Đông, sống giữa thiên nhiên mây trời.

Chuyện tình đẹp 

Tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), nhưng năm 2010, Trang lại xin vào Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV). 

“Mình mê động vật từ nhỏ, nhưng ngành học của mình chẳng liên quan gì đến động vật. Vì thế, mình xin vào làm ở ENV với mong muốn được tiếp xúc với “các bạn ấy” (chỉ các loài động vật-PV) nhiều hơn. Mỗi lần lên rừng, mình được biết đến nhiều loài quý hiếm như  voọc chà vá chân nâu, tê tê, khỉ vàng… những chuyến đi đó cho mình nhiều trải nghiệm thú vị”, Trang tâm sự. 

Trang cho biết, không chỉ du khách, dân “phượt” mê đắm cảnh sắc Sơn Trà, mà nhiều cặp tình nhân cũng chọn Sơn Trà làm nơi tình tự, ghi lại những khoảnh khắc ngọt ngào cho ngày cưới của mình. 

Tương truyền, nếu cặp trai gái nào yêu nhau, cùng nhau ngắm bình minh trên bãi Bắc và Nam của Sơn Trà đồng thời gặp được “nữ hoàng linh trưởng” sẽ nhận được nhiều may mắn, tình duyên trọn vẹn. Với vẻ đẹp và sự thủy chung nên voọc chà vá chân nâu ví như những “ông tơ bà nguyệt”, minh chứng cho hạnh phúc… 

Một trong những cuộc tình đẹp được “nữ hoàng linh trưởng” se duyên chính là Trang. Người bạn đời của cô gái bảo tồn động vật hoang dã này cũng là một chàng trai yêu thiên nhiên tên Nguyễn Hữu Thọ (SN 1982, ngụ Đà Nẵng). Thọ là tình nguyện viên yêu của trung tâm. 

Trang nhớ lại, năm 2011, Trang và Thọ được giao nhiệm vụ nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ động vật. 

Để có số liệu điều tra chính xác về các loài động vật, hai người cùng các thành viên ENV khác thường có những chuyến đi dài ngày đến những cánh rừng xa xôi, nguy hiểm ở nhiều tỉnh thành. Thậm chí, không ít lần phải đối mặt sự dò xét, trả thù của các đối tượng săn bắt, mua bán động vật trái phép.

Chính những chuyến băng rừng, cứu hộ loài voọc dọc các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên từ Quảng Trị cho đến Gia Lai, niềm đau đáu với công tác bảo tồn và ngăn chặn săn bắn động vật hoang dã đã khiến hai bạn có sự đồng cảm, gắn bó với nhau. 

Mặc dù vậy, phải mãi đến khi cùng chung niềm đam mê với loài linh trưởng ở Sơn Trà vào năm 2013, sự gắn kết mới trở thành một câu chuyện tình yêu đẹp. Thời gian này, Trang được nhận vào Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Thọ cũng trở về Đà Nẵng làm tình nguyện viên của trung tâm trong các hoạt động truyền thông và giáo dục.

Tay cầm chắc cặp ống nhòm, ngước đôi mắt hướng về đàn voọc đang đuổi bắt, Thọ cũng say sưa như vợ khi nói về loại voọc ngũ sắc. Thọ bảo: “Cũng nhờ duyên kỳ ngộ với voọc và được những “ông tơ, bà nguyệt” này se duyên, chúng tôi mới nên duyên vợ chồng. Có một người bạn đời đồng hành, hiểu, thậm chí yêu công việc của mình quả thật là điều may mắn”. 

Một ngày mùa xuân, Thọ quyết định ngỏ lời câu hôn. “Có điều, chúng tôi làm hơi… khác người. Khi đó, Trang đang mải miết với một gia đình voọc có đến 7 thành viên tại bãi Bắc, còn tôi làm “trợ lý cứu hộ” giúp bắc dây nối liền cây qua cây làm cầu cho bà mẹ voọc vừa mới sinh con”. 

Trong lúc làm việc, Thọ nói với Trang: “Nếu Trang coi voọc như niềm đam mê duy nhất thì hãy chọn thêm anh để cùng Trang đi đến tận cùng đam mê”. “Có lẽ lời tỏ tình của tôi được đại gia đình nhà Voọc chúc phúc khiến Trang xúc động nhận lời nhưng cũng “thách cưới” bằng một một lời hứa “không đụng hàng”: Anh phải chọn Sơn Trà làm “ngôi nhà” thứ hai của chúng mình. Anh không chỉ làm “vệ sĩ” suốt đời của em, mà còn phải trở thành “hiệp sĩ” cho rừng Sơn Trà”, Thọ kể. 

Hai người cùng ngoắc tay nhau với tâm nguyện, sẽ cống hiến nhiều hơn cho sứ mệnh bảo tồn đa dạng sinh học, luôn xem voọc chà vá chân nâu như người thân. Đến nay, đã bước sang năm thứ 2 Trang và Thọ về chung một nhà. 

Song hành cùng tình yêu đôi lứa, Trang và Thọ đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ các loài động vật như: chương trình “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà”; chương trình “Khám phá thế giới hoang dã mùa hè năm 2013, 2014, 2015”; chương trình “Nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” cho các em học sinh và du khách…

Tháng 11/2014, dưới sự hỗ trợ của Thọ, Trang đem chiến lược bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu và phát triển đa dạng hệ sinh học Sơn Trà tới cuộc thi Future for Nature, với mong muốn các nhà bảo tồn trên thế giới hiểu hơn về loài động vật này và kêu gọi tài trợ. Tại đây, Trang đã được tổ chức Future for Nature bầu chọn một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới

Thọ và Trang chia tay du khách để quay lại công việc cuối ngày. Trong chiều tà, bóng cả 2 hòa cùng tiếng gọi bạn tình trở về tổ ấm của những đàn voọc, khiến ai nấy đều thích thú và ngưỡng mộ…

Theo số liệu báo cáo và khảo sát của Tổ chức bảo tồn voọc chà vá quốc tế, Việt Nam chiếm tới 83% số lượng voọc chà vá trên thế giới, tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Loài voọc chà vá chân nâu được phát hiện, nghiên cứu từ năm 1969. 

Ngoài ra, nghiên cứu của các chuyên gia trong nước công bố mới đây cho thấy, trong khi trên thế giới loài linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng thì tại bán đảo Sơn Trà, chúng đang phát triển ổn định. Từ 200 con năm 2007, đến nay, đàn voọc ở Sơn Trà đã tăng lên khoảng 350 con với 18 gia đình. 

Hiện Voọc chà vá chân nâu có tên trong nhóm IB, mức nguy cấp (E) trong Sách đỏ Việt Nam, mức nguy cấp (EN) trong danh mục Đỏ IUCN 2006 (IUCN, 2006), và Công ước CITES (CITES Secretariate, 1998)…

Đọc thêm