Lạ lùng lớp học thầy nhiều hơn trò giữa Hà Nội

(PLO) - Đó là các lớp học can thiệp, điều trị chứng tự kỷ ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Có tận mắt tới lớp học đặc biệt này thị sát tình hình mới thấy đây là cả một quá trình vô cùng gian nan, đòi hỏi cả cô giáo và phụ huynh đều phải liên tục kiên trì, hết sức kiềm chế.
Một buổi học đặc biệt tại lớp học điều trị cho trẻ tự kỷ.
Một buổi học đặc biệt tại lớp học điều trị cho trẻ tự kỷ.

Lớp học cô nhiều hơn trò

Những phòng học dành cho việc can thiệp, dạy cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương mấy năm gần đây lúc nào cũng chật cứng trẻ tới điều trị. Một tiết học ở đây quả thật đặc biệt, lớp học chỉ vỏn vẹn với mỗi trẻ có 45 phút mà cô giáo, người hướng dẫn nhiều hơn cả học sinh. Để kèm một trẻ tự kỷ học tại đây luôn luôn có một phụ huynh của trẻ, một nhân viên y tế trực tiếp dạy trong ba buổi, một tổ trưởng tâm lý hỗ trợ nhóm.

Theo một nhân viên y tế phụ trách lớp, mỗi bé tự kỷ có một biểu hiện khác nhau. Bé thì mắc chứng tăng động, ngọ nguậy, nghịch phá liên tục không chịu ngồi yên; có bé lại “ngồi thiền” cả ngày, ánh mắt thì ráo hoảnh, thờ ơ, mất tập trung; có bé lại không điều khiển được các cử chỉ và hành vi của mình, la hét, đánh đập người khác… Vậy nên với mỗi học sinh đặc biệt này cần một phương pháp dạy phù hợp.

Trong lớp học, thỉnh thoảng đâu đó lại có tiếng một bé la lên vì không kiềm chế được cảm xúc, không muốn học, không tập trung ngồi vào ghế, muốn chạy ra chỗ khác. Đó là những biểu hiện của chứng tăng động. 

910.000 người Việt mắc chứng tự kỷ

Tại Việt Nam, hiện tại chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng người mắc chứng tự kỷ. Trung tâm phòng và kiểm dịch Hoa Kỳ (CDC) ước tính tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ là 1 trong 68 trẻ.

Những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ là 1% dân số. Với tỷ lệ này thì tại Việt Nam có khoảng 910.000 người mắc chứng này.

Theo các chuyên gia y tế, rối loạn tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời. Tự kỷ là kết quả rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội.

Đặc trưng của người có chứng tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

Thạc sỹ, bác sỹ Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, thống kê tại Khoa cho thấy số lượng trẻ đến khám và điều trị nhiều, nhưng bệnh viện chỉ nhận can thiệp được số lượng có hạn. Hiện, trẻ đang can thiệp tại Khoa mỗi đợt có 20 - 25 trẻ, có đợt cao điểm lên đến 30 trẻ. Mỗi trẻ tự kỷ được can thiệp thường diễn ra trong 3 đợt, sau đó được trả về cộng đồng. Tuy nhiên, có những trẻ phải can thiệp tới 5 đợt.

Về việc can thiệp với trẻ có chứng tự kỷ, bác sỹ Minh cho hay, đợt đầu trẻ thường được can thiệp trong vòng ba tuần, những đợt sau 2 tuần. Mỗi đợt can thiệp có sự kết hợp, song hành của cả cha mẹ chứ không thể để trẻ cứ can thiệp với nhân viên là khỏi.

Cũng theo bác sỹ Minh, tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm có khoảng 400 lượt trẻ được can thiệp. Tại Khoa Tâm bệnh của Bệnh viện chỉ nhận can thiệp trẻ tương đối nặng, hay những cha mẹ của trẻ có kỹ năng không chuẩn, trẻ ở những tỉnh không có trung tâm, ở vùng xa mới cần nhập viện để can thiệp.

Hiện nay, đa phần những trẻ bị nhẹ thì sau khi nhân viên y tế của bệnh viện tư vấn kỹ càng cho các phụ huynh sẽ được Bệnh viện trả về can thiệp tại những tỉnh đã được đào tạo. 

Bác sỹ Minh phân tích, điều khó khăn đặc biệt của trẻ tự kỷ là trẻ không có ngôn ngữ, nhiều cháu bé có hành vi bất thường như tự làm đau, tự va đầu vào tường, đánh bạn, tăng động… Chính vì vậy, việc can thiệp vào trẻ tự kỷ một tuần khoảng 40 tiếng và liên tục trong 2 năm thì cháu bé đó mới có sự cải thiện về điều khiển ý thức và hành vi.

Tuy nhiên, câu chuyện về những bậc phụ huynh, những trẻ được can thiệp sớm hay muộn là việc vô cùng quan trọng. Cũng có không ít những trường hợp đến viện can thiệp khi đã quá muộn, khi đó hiệu quả điều trị, thay đổi hành vi cho các bé khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ cần sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ phía gia đình và xã hội để kéo trẻ bước từ thế giới riêng hoàn toàn khép kín của mình ra hòa nhập cộng đồng.

Đọc thêm