Từ Liêm chính thức lên quận, người dân mong đợi những gì?

(PLO) - Hôm nay 28/3, Từ Liêm chính thức lên quận. Người dân Từ Liêm đang mong mỏi những hành động thiết thực từ bộ máy lãnh đạo mới.
Trụ sở quận Nam Từ Liêm
Trụ sở quận Nam Từ Liêm

Địa giới hành chính của hai quận Bắc và Nam Từ Liêm.
 Địa giới hành chính của hai quận Bắc và Nam Từ Liêm.
Ông Văn Duy Lợi (Trưởng thôn Viên 2, Cổ Nhuế, Từ Liêm) chia sẻ: "Từ trước đến giờ tôi phải quản lý 1.128 hộ dân, với khoảng 6.000 nhân khẩu, cộng thêm 6.000 nhân khẩu KT2, KT3, KT4. Việc quản lý rất nặng nề, tôi hy vọng sau khi lên quận, chúng tôi sẽ tách ra thành 4 - 5 tổ dân phố, một tổ khoảng 150 - 200 hộ dân, để dễ dàng quản lý, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân".
Nhiều người dân được hỏi thì mong muốn những việc rất thiết thực như khi lên quận, đường đất đá sẽ được 100% đường bê tông phục vụ cho việc đi lại tiện lợi. Xóm 12, thôn Hạ, xã Tây Tựu vẫn còn nhiều đường đất, vào mùa mưa việc đi lại khó khăn. "Vừa mới trải qua một thời gian mưa dài nên một số con đường đi lại của xóm vẫn còn nhiều vũng nước. Vì thế trước mắt chúng tôi mong muốn được có những con đường bê tông để đi lại cho sạch sẽ sau khi lên quận mới, để xứng tầm với quận mới" - anh Nguyễn Khắc Kiên, Đại biểu HĐND xã Tây Tựu nói.
Đường 32 rộng lớn được xem là ranh giới chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận.
 Đường 32 rộng lớn được xem là ranh giới chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận.
"Người dân ở Tây Tựu chúng tôi, phần lớn dựa vào đất nông nghiệp trồng hoa màu để sinh sống. Cho nên chúng tôi hy vọng rằng sau khi lên quận sẽ không bị mất đất nông nghiệp. Nếu mất đất nông nghiệp chúng tôi sẽ thất nghiệp" -  anh Kiên chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn các cở sở hạ tầng về trường học, trạm xá, chợ được nâng cấp để sạch sẽ và đảm bảo hơn. Anh Duy Quân (Phú Đô, Từ Liêm) chia sẻ: "Thay vì có nhiều chợ cóc mọc ở khắp làng, chúng tôi mong muốn có một chợ lớn sạch sẽ, để người dân mua bán nông sản, thực phẩm ở đó".
Nhiều người dân trên địa bàn huyện Từ Liêm cũ cũng phản ánh từ trước đến nay họ không có nhà văn hóa xóm/tổ để hoạt động mà phải mượn nhà để tổ chức. "Tổ chúng tôi có 250 hộ dân, nhưng không có nhà văn hóa để sinh hoạt, từ trước tới nay chúng tôi phải đi mượn nhà dân để họp tổ dân phố. Sau khi lên quận chúng tôi muốn có một ngôi nhà để làm nhà văn hóa, là nơi diễn ra các cuộc họp, các buổi văn nghệ của người dân trong tổ" - ông Nguyễn Thơm, bộ đội về hưu, thuộc tổ 8, thị trấn Cầu Diễn.
Ngoài ra nhiều người dân ở tổ 8, thị trấn Cầu Diễn cũng bày tỏ việc tổ dân phố của ông bị chia về 3 phường khác nhau. Họ mong muốn khi lên quận, nếu di chuyển họ về một phường nào đó thì hãy di chuyển cả tổ, hoặc chia làm 2 thay vì chia họ đi 3 nơi khác nhau.
"Mấy ngày qua, nhiều người dân buồn lắm, vì mấy chục năm nay chúng tôi sống với nhau, siết chặt và xây dựng tình cảm với nhau. Giờ tách chúng tôi về 3 địa điểm khác nhau, khiến chúng tôi khó hòa nhập vào địa điểm phường mới vì phong tục, truyền thống khác nhau, lại phải tìm hiểu lại. Chúng tôi mong muốn sau khi lên quận, sẽ được phân chia lại để được cùng ở với nhau một tổ" - ông Nguyễn Thơm, tổ trưởng tổ 8, thị trấn Cầu Diễn bày tỏ.

Đọc thêm