Làm chủ tài chính để 'nuôi dưỡng' bình đẳng gia đình

(PLVN) - Trong các gia đình Việt Nam, quan niệm thường thấy là phụ nữ ở nhà nội trợ, đàn ông kiếm tiền lo cho gia đình. Quan niệm này ở nhiều trường hợp khiến người phụ nữ phụ thuộc vào kinh tế, dẫn đến bị bạo lực gia đình, mất an toàn trong gia đình, ảnh hưởng đến tâm, sinh lý phát triển của con cái.
Các bạn nhỏ hào hứng trả lời câu hỏi về quản lý tiền cá nhân.
Các bạn nhỏ hào hứng trả lời câu hỏi về quản lý tiền cá nhân.

“Làm chủ tài chính” với học sinh tiểu học

Tại sân chơi Trường Marie – Curie, trò chơi quản lý chi tiêu trong khuôn khổ diễn đàn “Làm chủ tài chính - Tương lai bình đẳng” diễn ra rất căng thẳng. Sáu cậu bé – những người đàn ông tương lai của gia đình đấu trí với nhau qua 4 bước chơi liên quan đến đồng tiền là: Kiếm tiền, tiêu tiền, tiết kiệm và quyên góp. 

Cậu bé Trần Ngọc có gương mặt tròn tươi rói, học sinh lớp 5 là người chiến thắng. Trò chuyện với phóng viên và cô hướng dẫn, Ngọc cho biết mình giành chiến thắng vì biết tiết kiệm những thứ không cần thiết phải mua, để dành được nhiều tiền.

Khi được hỏi tiết kiệm như thế có nghĩa là sẽ chấp nhận dùng đồ cũ và không được mua đồ mới, ví dụ như đôi giày hợp thời trang mà bạn bè đang mốt có đúng không, Ngọc khẳng định cậu bé ý thức được mình đang tiêu tiền của bố mẹ vất vả kiếm ra nên những đồ vật nào còn dùng tốt thì vẫn dùng. Bật mí về kế hoạch sử dụng tiền mừng tuổi sẽ có trong dịp Tết sắp đến, Ngọc cho biết sẽ tiết kiệm dần dần để lớn lên có tiền kinh doanh.

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng liệu có sớm quá khi dạy trẻ con cách tiêu tiền từ lứa tuổi tiểu học, trong khi các nhu cầu về tiền để mua sắm quần áo, khao bạn bè, chi phí đi chơi… phải đến lứa tuổi teen mới thật sự là “nóng” với các em.

Trả lời về vấn đề này, cô Thanh An, nhân viên Phòng Tham vấn học đường Trường Marie – Curie cho biết, từ chủ trương của nhà trường, năm 2020 đã thí điểm dạy cách quản lý tài chính cho học sinh lớp 4. Sở dĩ chọn học sinh lớp 4 vì thực tế cho thấy hiện nay các con được tiếp xúc với tiền rất sớm, nhưng vì còn nhỏ tuổi nên chưa biết cách tiêu tiền hợp lý. 

Theo cô Thanh An, trang bị kiến thức và kỹ năng về tài chính cho học sinh là để phát triển nhận thức và kỹ năng thực hành trong quản lý tài chính cá nhân thông qua 4 thói quen sử dụng tiền bao gồm: Kiếm tiền, tiêu tiền, tiết kiệm và quyên góp; biết trân trọng giá trị đồng tiền, công sức lao động của cha mẹ để kiếm tiền. 

“Dạy con biết thế nào là kiếm tiền. Tất nhiên ở độ tuổi này các con không thể kiếm được tiền nên khái niệm “kiếm tiền” ở đây là dạy các con hiểu và trân trọng sức lao động của cha mẹ, đi làm vất vả, tạo ra vật chất để nuôi các con. Ý thức được điều này các con sẽ biết cách tiêu tiền cho hợp lý hơn.

Ví dụ như số tiền bố mẹ cho hàng ngày, nếu con có kết hoạch chi tiêu riêng như mua đồ chơi yêu thích, mua quà sinh nhật cho bạn, con sẽ biết cách sắp xếp để không xin thêm bố mẹ. Ngoài việc dạy học sinh tiêu tiền còn hướng dẫn các con hoạt động quyên góp, sẻ chia để những đồng tiền trở thành cơ hội cho những bạn bè, những người kém may mắn hơn” – cô Thanh An cho biết.

Xóa bỏ thứ bậc “người làm ra tiền – người phụ thuộc” 

Khảo sát mô hình của nhiều gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy, phần lớn người vợ là người giữ tiền để chi cho những hoạt động sinh hoạt thường ngày, nhưng quyết định lớn trong gia đình như mua sắm tài sản đắt tiền, tổ chức đám cưới, xây sửa nhà cửa… vẫn thuộc về người chồng.

Người phụ nữ trong gia đình vẫn chưa có tiếng nói quyết định trong các vấn đề kinh tế trong gia đình, chưa kể đến tỷ lệ những người phụ nữ không được quản lý kinh tế trong gia đình, phụ thuộc hoàn toàn trong những quyết định liên quan đến kinh tế trong gia đình.

Theo ThS tâm lý Phan Thị Cẩm Giang - Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, là người lo liệu việc sắm sửa, mua những vật dụng cần thiết cho gia đình, nhưng nếu cần tiền mà phải hỏi ý kiến chồng hay xin tiền chồng sẽ khiến chị em mất đi cảm giác an toàn và tự tin. 

Bên cạnh đó, có đến 23,3% lao động nữ làm công việc gia đình không hưởng lương vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do người phụ nữ chọn chăm sóc gia đình theo ý muốn của người chồng. Nếu nam giới đã không muốn vợ chung tay kiếm tiền, mà ngay cả việc giữ tiền cũng giành với vợ thì quan hệ vợ chồng sẽ mất đi sự bình đẳng, luôn có sự phân công thứ bậc người làm ra tiền – người phụ thuộc, ăn bám, vô cùng bất lợi cho hạnh phúc gia đình và sự hòa hợp lâu dài của cả hai. 

Số liệu thống kê của JA worldwide 2017 cho thấy, trên thế giới, cứ 3 người trưởng thành thì có 2 người “không có hiểu biết về tài chính”, trong đó người trẻ dưới 35 tuổi chiếm 44%. Còn theo kết quả khảo sát của Save the Children, thanh, thiếu niên không có kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành. 

Năm 2021, trong khuôn khổ Đề án 938 của Chính phủ về phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN)Việt Nam đã chọn chủ đề phòng chống bạo lực trên cơ sở giới là nội dung trọng tâm tổ chức thực hiện tuyên truyền vận động và hỗ trợ phụ nữ.

Đặc biệt tự chủ về tài chính được xác định là tiền đề quan trọng để đảm bảo được yếu tố bình đẳng. Khi được trao quyền kinh tế trong gia đình, người phụ nữ sẽ được nâng cao địa vị, hình thành sự bình đẳng trong chức năng kinh tế, góp phần tạo dựng cho sự bình đẳng trong gia đình ở các khía cạnh khác. 

Từ những thực tiễn này, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Làm chủ tài chính - Tương lai bình đẳng” trong khuôn khổ Dự án “Trao quyền cho trẻ em Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển tốt nhất thông qua giáo dục tài chính và lồng ghép giới”. Hơn 400 học sinh khối lớp 3, lớp 4  của Trường Marie - Curie được các cô giáo, cán bộ Hội Phụ nữ dẫn dắt để tiếp cận với thông điệp tự chủ tài chính để có quyền bình đẳng.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Trương Thị Thu Thủy - Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: “Mỗi học sinh các em ở đây hôm nay sẽ là chủ gia đình trong tương lai, nên nếu học sinh có kiến thức về tài chính ngay từ khi còn nhỏ, sẽ đặt nền móng cho sự bình đẳng và tự chủ. Tăng cường hiểu biết về bình đẳng giới và quản lý tài chính sẽ giúp các em học sinh có hiểu biết toàn diện hơn, giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống khi trưởng thành. Học sinh là thế hệ thúc đẩy sự bình đẳng giới trong chính cuộc sống của bản thân để từ đó rút ngắn sợi dây khoảng cách về giới”.

Đọc thêm