Khi chồng rửa bát, quét nhà…

(PLVN) - Chị bảo với anh: “Trong cái nhà này, việc gì cũng đến tay em. Em nghĩ rằng từ nay mình nên chia việc lại. Thời buổi của bình đẳng giới rồi, mình cứ bình đẳng với nhau thôi. Em rửa chén thì anh lau nhà, em tắm con thì anh sửa soạn sách vở cho con. Em tưới cây thì anh quét sân…”. Anh nghe mà nghệt mặt ra.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Và thời gian sau đó, chị làm đúng như lời chị nói. Họ chia đôi việc nhà đều chằn chặn. Có hôm, chị rửa chén, tắm con xong, ngồi sofa xem tivi, thấy anh vẫn đang loay hoay lau nhà, làm đổ xô nước ra đầy sàn, chị cũng mặc. Cho biết thế nào là nỗi khổ của phụ nữ.

Cách làm ấy, chị học được trên một diễn đàn “phụ nữ vùng lên”. Áp dụng xong, chị thấy mình sung sướng, được giải phóng thật. Lên chia sẻ “thành quả” với các chị em, chị nhận được bao lời khen tặng, động viên, muốn học hỏi. Cứ thế, chị say ngất ngây trong men chiến thắng của công cuộc “bình đẳng giới” tại mái ấm riêng của mình.

Cuối tháng, anh đưa chị tiền lương anh nhận được. Con số giảm 1/3 so với tháng trước. Chị thắc mắc, anh bảo việc anh ít đi. Các tháng sau càng giảm nữa. Chị nghi ngờ anh có tình nhân, truy đến cùng đòi anh nói thật. Anh mới thủng thẳng nói, lương của anh tại cơ quan là đồng lương nhà nước, không nhiều tiền. Phần còn lại là thu nhập anh có được từ việc dịch thuật thêm vào buổi tối. Lấy nhau về, họ cũng đã thỏa thuận, chị sẽ làm các công việc nhà, phần anh sẽ lo bươn chải kiếm sống, kiếm nhiều tiền lo cho chị, cho con, thi thoảng còn gửi về cho gia đình hai bên.

Ngày trước, anh cũng nói chị cố gắng đảm đương việc nhà trong một vài năm, anh làm tốt việc, thu nhập cao lên, sẽ thuê thêm một giúp việc “giải phóng” bớt việc nhà, cho chị thảnh thơi. Thế mà chị, lên mạng cùng hội chị em, nghe hoàn cảnh nhà người ta, đòi áp dụng triệt để, quên mất hoàn cảnh riêng của gia đình mình khác, thỏa thuận giữa hai vợ chồng họ khác.

Chị cũng quên mất rằng, trong khi anh bươn chải bên ngoài làm, ở nhà, việc nhà cũng không nhiều, chị vẫn có những phút thảnh thơi đi cafe với bạn bè tán gẫu. Quên rằng, anh không làm nhiều việc nhà, nhưng anh ngày luôn đảm bảo đưa đón con hai bận, rồi thay bóng đèn, sửa ống nước, lát lại gạch sân, thay kính vỡ, cái nào anh cũng làm tốt. 

Cách đây ít lâu, nữ ca sĩ Bích Phương, trên trang cá nhân của mình đã phát ngôn rất hùng hồn về bình đẳng giới. Cô cho rằng, tại sao đàn ông được quyền cởi trần ra chốn công cộng mà phụ nữ thì không? Như thế, phụ nữ liệu có quá thiệt thòi. Và cô mơ rằng một ngày nào đó, phụ nữ cũng có được quyền “cởi trần” như nam giới.

Phát ngôn đòi bình đẳng giới ấy khiến nhiều người cười ngất, bởi thực chất, đó không phải là “bình đẳng giới”. Cởi trần, đó chẳng phải cái quyền cơ bản mà mọi phụ nữ mong muốn. Thực tế, chẳng ai cấm phụ nữ cởi trần cả. Phụ nữ không cởi trần ra đường, bởi họ cảm thấy sự trần trụi ấy là xấu xí, không làm tôn lên nét đẹp của mình, thế thôi. 

Chị em chúng ta đã thực sự hiểu rõ về bình đẳng giới? Liệu, chúng ta có hiểu bình đẳng giới một cách cạn cợt như một trào lưu rầm rộ trên mạng xã hội? Ở đó, có những nhóm nghe cái tên rất kêu, như “Phụ nữ vùng lên”, “Biết thế đ. lấy chồng”, “Yêu vợ và sợ vợ”… Trên mạng xã hội, giấu mặt, người ta có thể phát ngôn rất hùng hồn.

Người ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm, cảm nhận về quá trình “đấu tranh cho sự tôn trọng phụ nữ”, nhưng thực chất là tự tô vẽ, để thiên hạ phải nể phục, muốn học theo bất chấp. Ở những chốn ấy, nữ quyền đôi khi bị hiểu thiên lệch là sự ghét bỏ, phê phán và từ chối đàn ông.

Phủ nhận giá trị, vai trò của người đàn ông trong cuộc sống. Bằng cách “chà đạp” người đàn ông thông qua những câu chuyện, nhiều người phụ nữ cảm thấy hả hê, sung sướng vì giải tỏa được ấm ức cho bản thân mình.

Những hội nhóm như thế, mặt tích cực thì là nơi phụ nữ tìm đồng cảm, than thở, trút nỗi niềm, hay đơn giản là đọc chuyện nhà người mà giải trí. Ở khía cạnh tiêu cực, thì nó khiến cho nhiều người bị nhầm lẫn và ảo tưởng.

Áp dụng công thức của người khác cho mình, mà quên rằng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Quan trọng phải là sự thay đổi về tư duy, quan niệm, chứ không phải bắt chước thay đổi cách hành xử cho giống hình mẫu, cho rằng người khác đã áp dụng và được hạnh phúc thì ta cũng sẽ hạnh phúc. 

Nam giới họ cũng mang trên vai biết bao gánh nặng và áp lực, biết bao nỗi khổ, tâm tư “phái mạnh” không thể chia sẻ cùng ai. Bình đẳng giới không thể hiểu như một phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ một cách tuyệt đối. Bởi trên cuộc đời này, không hề có sự bình đẳng tuyệt đối. Bình đẳng giới nên là sự thay đổi những quan niệm cũ, lỗi thời, đem đến sự trân trọng xứng đáng dành cho mỗi một nửa kia của cuộc đời.

Điều quan trọng còn hơn cả sự bình đẳng, đó là sự thấu hiểu. Hiểu rằng, mỗi người có một vai trò, trách nhiệm riêng. Hiểu rằng, thay vì phân chia, người ta cần hơn nữa sự sẻ chia.