Lâm Đồng: Một vụ án nhiều khuất tất

(PLO) - Những khuất tất của bản án ly hôn giữa bà Hồ Thị Thúy và ông Nguyễn Thanh Nhật đã được Tòa án nhân dân Tối cao chỉ rõ, nhưng không hiểu sao các cấp tòa tại Lâm Đồng vẫn gây bất lợi cho nguyên đơn. 
Trụ sở TAND tỉnh Lâm Đồng.
Bản án thiếu thuyết phục
 Bà Hồ Thị Thúy ngụ tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng trình bày, năm 1988 bà và ông Nguyễn Thanh Nhật kết hôn, tích cóp mua được 6000m2 đất tại suối Đa Tam, thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An (sau đó đã chuyển nhượng 2.000m2), hiện đang trồng cà phê. Năm 1989, vợ chồng bà được Hợp tác xã (HTX) Cao Thái cấp khoảng 600m2 tại khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. 
Vợ chồng bà đã hoán đổi diện tích đất này cho mẹ chồng là Nguyễn Thị Quyền (đã chết năm 2005) lấy 570m2 đất tại tổ 16B, khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa làm nhà ở và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. Trong quá trình chung sống, hai vợ chồng sinh được một người con trai, nhưng thường xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ly hôn vào năm 2006. Bản án số 49/2006/HNGĐ-ST của TAND huyện Đức Trọng, do Thẩm phán Phùng Thị Tuyết Anh làm chủ tọa đã tuyên công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thúy và ông Nhật; giao bà Thúy nuôi con cho tới khi trưởng thành. 
Về tài sản, Tòa xác định 570m2 đất tại tổ 16B, khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa vẫn thuộc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Quyền (Tòa phủ nhận việc hoán đổi đất) và tạm giao cho các thừa kế của bà Quyền là các ông, bà Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn Hoàng Quân, Nguyễn Thanh Nhật, Nguyễn Thanh Nhơn, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Thu Yến, Nguyễn Thị Thu Hằng sử dụng; cũng như được quyền sở hữu toàn bộ vật liệu ngôi nhà tạm 4m x 9m mái tôn, vách ván, nền xi măng, một giếng nước, một đồng hồ điện và có nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trên cho ông Nhật hơn 4,8 triệu đồng. 
Bà Thúy được tạm sử dụng 4.000m2 đất tại khu vực suối Đa Tam, thôn Trung Hiệp và có trách nhiệm thanh toán cho ông Nhật 26,2 triệu đồng giá trị chênh lệch chia đôi tài sản chung. Không chấp nhận bản án sơ thẩm, bà Thúy và ông Nhật đều kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 02/2007/HNGĐ-PT ngày 23/01/2007 của TAND tỉnh Lâm Đồng do Thẩm phán Phan Thị Lệ Thủy làm chủ tọa đã tuyên: 570m2 tại tổ 16B, khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa là của bà Nguyễn Thị Quyền, nay giao cho các thừa kế của bà Quyền sử dụng; giao bà Thúy sử dụng 4.000m2 đất tại suối Đa Tam và có trách nhiệm thanh toán cho ông Nhật 85,5 triệu đồng. 
Cả hai bản án bị hủy
Cho rằng hai cấp toà xét xử không khách quan, gây bất lợi và thiệt hại cho mình, bà Thúy đã có yêu cầu giám đốc thẩm. 
Theo đó, ngày 22/01/2010, Chánh án TANDTC đã ra Quyết định kháng nghị số 53/2010 đối với Bản án phúc thẩm số 02/2007/HNGĐ-PT ngày 23/01/2007 của TAND tỉnh Lâm Đồng. Ngày 19/5/2010, TANDTC ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 210/2010/DSGĐT hủy phần chia tài sản tại Bản án dân sự phúc thẩm số 02 của TAND tỉnh Lâm Đồng và Bản án dân sự sơ thẩm số 49 của TAND huyện Đức Trọng, với nhận định: Tòa sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh làm rõ việc cấp đất của HTX Cao Thái cho các thành viên của gia đình bà Quyền cũng như việc hoán đổi đất giữa họ mà chỉ căn cứ vào lời khai của ông Đỗ Kim (nguyên Đội trưởng Đội 4), ông Nguyễn Hữu Mạnh (nguyên Đội trưởng Đội 5) và Công văn 162 ngày 20/2/2006 của UBND huyện Đức Trọng để xác định không có việc hoán đổi đất giữa gia đình bà Thúy với mẹ chồng là bà Quyền, từ đó xác định 570m2 đất tại khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa là của bà Quyền cho gia đình bà Thúy mượn là chưa đủ căn cứ, không đảm bảo được quyền lợi của các đương sự. Hơn nữa, trường hợp không có việc hoán đổi đất nêu trên, nhưng vợ chồng bà Quyền đã cho vợ chồng bà Thúy xây nhà kiên cố, có khuôn viên riêng biệt, ở ổn định từ năm 1990 và vợ chồng bà Quyền đã chuyển về Long An sinh sống thì cũng phải xác định trên thực tế vợ chồng bà Quyền đã cho gia đình bà Thúy diện tích đất nêu trên… 
Bên cạnh đó, tất cả các tài liệu của vụ án chỉ là giấy tờ phô tô mà không được công chứng, chứng thực… Liên quan đến vụ việc, bà Thúy cho biết, vừa qua bà bất ngờ nhận được Quyết định đình chỉ vụ án với lý do TAND huyện Đức Trọng cho rằng, nguyên đơn (tức bà ThúyPV) được triệu tập hợp lệ hai lần mà vẫn vắng mặt? Tuy nhiên, theo bà Thúy, bà chỉ nhận được duy nhất một giấy triệu tập của TAND huyện Đức Trọng ngày 20/6/2014 đến làm việc, do Thẩm phán Phạm Yến Như triệu tập. Nhưng khi đến nơi, bà phải ngồi chờ từ sáng đến trưa vẫn không có ai làm việc với bà; đồng thời bà cũng không nhận được bất cứ giấy triệu tập hợp lệ nào của TAND huyện Đức Trọng. 
“Việc TAND huyện Đức Trọng đình chỉ vụ án với lý do tôi vắng mặt là vô lý, thiếu căn cứ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi, đi ngược với kháng nghị của TANDTC, có dấu hiệu bao che…”- bà Thúy bức xúc. Thiết nghĩ, vụ án cần được các cơ quan tố tụng Lâm Đồng xem xét một cách khách quan, toàn diện, tránh khiếu kiện kéo dài, khiến dư luận hoài nghi vào cơ quan công lý.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm