Tại căn nhà nhỏ nằm sát quốc lộ 7, tôi gặp chị La Thị Vượng (trú tại xã Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An) khi chị đang cần mẫn bên chiếc máy may sửa quần áo. Chị dừng tay đón khách lạ, chị cho biết đang tranh thủ sửa quần áo cho bà con, vừa giúp bà con vừa kiếm thêm đồng ra đồng vào, trong vùng ít người may đồ, đưa ra xa thì tội bà con.
Chị kể, trước đây chị và người chồng trước sống tại xã Yên Na (Tương Dương) với công việc là chạy xe ra trung tâm thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) chở hàng về tại xã để bán phục vụ bà con. Lấy công làm lãi nhưng cũng ổn định và đều đặn mỗi ngày nên bữa cơm cũng có bữa cá bữa thịt. Thấy chị thật thà lại chăm chỉ, có người “mách nước” là nên xách thuê ma túy sẽ có tiền công cao lại đỡ vất vả.
Nghĩ rằng ma túy chỉ như bó rau bỏ trên xe nên cũng không nặng nhọc lắm, tiền công lại gấp mấy lần chạy xe trong bản ra chở hàng vào bán mà bữa lời bữa lỗ, chị gật đầu đồng ý. Thế nhưng, ngay chuyến hàng đầu tiên chị bị công an bắt giữ, bản án phải trả giá là 9 năm tù giam, thi hành án tại Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế).
Ngày chị đi tù đứa con trai đầu mới hơn 13 tuổi, hai cha con chỉ vào thăm chị được một lần rồi sau đó thư từ cũng thưa hẳn. Điều này đã khiến chị cảm thấy tủi thân, thế rồi một ngày nhận được tin chồng lấy vợ khác khiến chị suy sụp hoàn toàn. Được sự động viên của Ban giám thị trại giam, cùng với những tâm sự của đứa con trai khiến chị thêm vững tâm. Con trai chị ngoan ngoãn, ham học nên đậu vào trường nội trú tỉnh, học hành chăm chỉ, đó cũng là niềm động viên để chị phấn đấu.
“Lúc đó mới ngấm được sự mất mát của ma túy đưa lại cho mình, tự mình làm thì tự mình nhận lấy và cũng tự mình sửa sai. Chỉ còn cách cải tạo chăm chỉ để sớm được trở về với con cái để làm lại cuộc đời thôi”, chị Vượng nhớ lại. Sau hơn 6 năm cải tạo, chị được tha tù trước thời hạn, trở về với gia đình và địa phương. Nhưng ngày được về trong chị cũng ngổn ngang suy nghĩ: người đời có tha thứ cho chị, xã hội có đón nhận một người phụ nữ từng buôn bán ma túy trở về để làm người…?
Ngày trở về, chị đóng cửa ru rú trong nhà không giám đi đâu, vì đi đâu cũng sợ người ta nhìn mình với ánh mắt dị nghị, soi mói. Sau đó, được sự động viên của chính quyền, các tổ chức hội trong đó có các chị em trong Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tam Quang. Khi lấy lại được thăng bằng, chị được Hội bảo lãnh cho vay vốn để phát triển kinh tế.
Có được số vốn nhỏ, chị nhờ bố đẻ vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tương Dương để mua trâu bò về chăn nuôi. Cũng kể từ đó, chị trở nên yêu đời hơn, chăm chú cho cuộc sống của mình và gia đình hơn trước. Đàn bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản ra những lứa bò béo tốt nên chị nhanh chóng trả được vốn vay.
Chị tiếp tục đầu tư nuôi lợn, xuất chuồng lứa lợn đầu tiên với kinh nghiệm học hỏi được chị lại đầu tư nuôi lợn nái để tự cung cấp giống nuôi cho mình và bà con trong bản. Cũng có những lứa lợn thua lỗ do giá cả thị trường hay do dịch bệnh nhưng không vì thế mà chị nản chí mà bỏ dở.
Vừa nuôi lợn, chị vừa chạy chợ kiếm thêm thu nhập, rồi nhận đất trồng rừng, hiện hơn 4 hecta đất trồng keo đang phát triển rất tốt, đàn bò cũng sinh sản được 9 con. Những tưởng sẽ không có người đàn ông nào chấp nhận người phụ nữ từng đi tù và một lần đổ vỡ làm vợ nhưng hạnh phúc lại mỉm cười với chị khi một người đàn ông trong bản thấu hiểu và yêu thương chị thật lòng.
Cũng từng một lần đổ vỡ hôn nhân nên Lương Văn Nam quý trọng hơn ai hết cái gọi là tổ ấm và hạnh phúc của gia đình. Hiện anh Nam giúp chị trông coi, chăm sóc 9 con bò sinh sản và bảo vệ 4 hecta keo.
Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết, gia đình chị Vượng có một mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng phát triển rất tốt, rất có hiệu quả. Là điển hình của xã trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế dành cho những người một thời lầm lỡ mà Hội kết hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai trên địa bàn. Dù bận bịu với công việc mỗi ngày chạy chợ, nuôi lợn gà, chị vẫn tranh thủ may vá quần áo cho bà con mỗi tối, cái nghề chị học được từ những ngày trong trại giam vừa giúp bà con, vừa là để thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đứa con trai đầu đã lấy vợ, đứa cháu nội cũng đã ra đời, dù muộn màng nhưng hạnh phúc đã đến với chị từ những ngày gian khó và từ hai bàn tay trắng khiến chị thêm trân trọng hạnh phúc gia đình mình.