Lầm lũi sống cảnh 'hai không' giữa lưng chừng trời

(PLO) - Nằm cách trung tâm xã Hồng Nam, huyện Hòa An (Cao Bằng) chừng 7km, con đường vào bản Lũng Cải nhỏ bé, ngoằn ngoèo và dài tít tắp, ngược lên đỉnh núi, trông xa tựa như một sợi chỉ nhỏ vắt lưng trời. Đây là bản nhỏ của người Dao quanh năm mây phủ, đi bộ từ trung tâm xã vào tới bản mất khoảng vài giờ.
Nhà sàn của đồng bào Dao ở bản Lũng Cải.
Nhà sàn của đồng bào Dao ở bản Lũng Cải.

Bao đời nay, đời sống của đồng bào dân tộc Dao ở bản Lũng Cải vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bà con nơi đây vẫn chưa có đường đi, nguồn nước cũng khan hiếm nên tình trạng “khát nước” vẫn thường xuyên xảy ra. Tập tục canh tác của bà con chỉ dựa vào nương rẫy là chính, nên 100% hộ dân ở bản đều thuộc diện nghèo. Để khám phá cuộc sống của người dân ở bản đặc thù này, chúng tôi đã có cuộc hành trình vượt lên đỉnh núi để tìm hiểu. 

Nhọc nhằn đường lên Lũng Cải

Xóm Lũng Cải, xã Hồng Nam có 61 nhân khẩu, 13 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Do sống ẩn mình trên đỉnh núi nên từ bao đời nay, đời sống của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, xét về mọi phương diện. Đời sống vật chất vẫn nặng về tự cấp, tự túc do hạ tầng chưa được đầu tư phát triển, thậm chí đi lại vẫn bằng đường mòn.

Do người dân sống trên những nương đá khô cằn nên cuộc sống của họ suốt đời cũng chỉ quẩn quanh với cái đói nghèo. Để xuống chợ, bà con dân tộc vẫn dùng phương pháp thủ công: người thì đi bộ, ngựa thì thồ hàng. Chợ phiên tháng họp đôi lần, từ bản xuống chợ cả chục cây số nên bà con phải dậy từ tờ mờ sáng mới kịp xuống chợ bán buôn. Chưa kể, đường đi chợ phiên phải vượt qua hai cổng trời cùng những vách đá cheo leo. Gặp hôm trời nắng thì vã mồ hôi, nhưng trời mưa sảy chân là có nguy cơ ngã xuống vực đá.

Nghe nói về Lũng Cải đã nhiều nhưng phải đến những ngày đầu hạ năm nay, phóng viên mới có dịp vượt đỉnh núi để “mục sở thị” cuộc sống của bà con. Nằm cách trung tâm xã chừng 7km, con đường vào bản Lung Cải nhỏ bé, ngoằn ngoèo và dài tít tắp, ngược lên đỉnh núi, trông xa tựa như một sợi chỉ nhỏ vắt lưng trời. Theo người dân ở bản “hàng xóm” Nà Lình ở dưới chân núi thì đường lên bản Lũng Cải phải đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ.

Ở dưới bản Nà Lình nhìn ngược lên đỉnh núi cũng chỉ thấy mây phủ mờ mờ. Theo con đường mòn hút sâu vào những vách đá, lởm chởm những hò đá tai mèo, có đoạn hẹp cũng chỉ đủ lọt cho một con ngựa đi qua. Lên lưng núi, chúng tôi may mắn gặp anh Nông Văn Phúc cùng cô vợ trẻ đang đi hái rau rừng. Biết chúng tôi là nhà báo từ xa đến, anh Phúc tỏ ra rất vui vẻ và cởi mở. Anh Phúc bảo: “Mệt bở hai tai chưa?

Anh Nông Văn Phúc đi hái rau lợn phải thồ bằng ngựa.
Anh Nông Văn Phúc đi hái rau lợn phải thồ bằng ngựa.

Đường vào bản Lũng Cải còn phải vượt qua một cổng trời nữa, khó đi hơn cổng trời nhà báo vừa vượt qua. Cố gắng lên nhé!” Tranh thủ dừng chân nghỉ, chúng tôi hỏi anh Phúc về tình hình đời sống của bà con, anh Phúc giãi bày: “Bà con mình khổ lắm. Không đủ gạo ăn đâu, phải độn thêm ngô. Điện lưới thì mới có được vài tháng nay. Năm nay khô hạn nên cũng không trồng cấy được gì, giờ vẫn phải để đất khô khát. Đất thiếu nước, người cũng “khát nước” nên cuộc sống của chúng tôi trên này vất vả trăm bề”.

Theo anh Phúc, do đường khó đi nên ngựa là con vật phải chịu đựng sự nặng nhọc, sự bất kham khi phải thồ cả tạ hàng trên lưng. Ở trong bản hầu như nhà nào cũng có ngựa, mỗi khi đi làm nương rẫy hay đi chợ, bà con đều dắt ngựa đi theo. Nếu không có ngựa thì bà con lại phải gùi hoặc vác. Mấy năm trở về trước, bà con ở bản toàn phải dùng bằng đèn dầu, phương tiện để nghe thông tin phổ biến kiến thức pháp luật cũng chỉ có chiếc đài radio đặt ở đầu giường. Chính vì thế khiến cho bà con ở bản Lũng Cải phải sống trong cảnh lầm lũi, “ẩn mình” suốt nhiều năm nay.

Theo chân anh Phúc chúng tôi đi vào bản, đi về phía các ngôi nhà sàn nằm chênh vênh, trơ trọi giữa những nương đá khô cằn, nhà nọ cách nhà kia chừng 500m. Anh Phúc bảo, đời sống của bà con nơi đây phụ thuộc vào “ông trời”. Năm nào khí hậu thuận lợi thì được mùa, nhà nhà đủ ăn, còn năm nào khô hạn, lốc tố thì mất mùa, chịu đói cả năm. Đồng bào nơi đây họ nương theo tạo hóa và chỉ dựa vào sự may rủi của từng mùa vụ. 

Cùng cực bản làng “hai không” trên đỉnh núi

Để tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây, chúng tôi tìm gặp anh Trịnh Văn Trường - Bí thư Chi bộ thôn Lũng Cải. Khi được hỏi chuyện, anh Trường chia sẻ: “Trên này khó khăn nhất là đường đi nên các cháu từ mẫu giáo đến lớp 5 không thể xuống trường chính đi học được. Các cháu lớn từ lớp 6 đến lớp 9 thì học ở dưới xã. Năm nay trời lại hạn hán, nên chẳng trồng được gì. Nếu có mưa thì người dân trông ngô, thu hoạch ngô xong lại trồng thêm một vụ đỗ tương. Còn nếu thời tiết không thuận thì đành để đất đá phơi nắng”.

Do đời sống của bà con chủ yếu là tự cung, tự cấp nên cũng ít có nhu cầu giao thương. Nếu đi chợ thì phải đi bộ sang chợ phiên Kim Đồng, mất nửa ngày đường. Sản phẩm của bà con trao đổi ở chợ cũng chỉ có con gà, con lợn… Lợn của người Dao cũng chỉ thả rông, có khi nuôi cả năm cũng chỉ đạt được vài chục cân, người dưới xuôi chuộng loại lợn này chứ trên này bán cũng ế ẩm lắm. Để cày nương người dân dùng bò, do đất có đá nên việc cày nương rất khó, có khi cả buổi chưa hết mảnh nương nhỏ vì cứ đụng vào đá là bò lại dừng lại. 

Cũng theo anh Trường, chợ Kim Đồng họp 5 ngày một phiên. Bà con ở đây quanh năm cũng chỉ  đi bộ, đường đi bộ xuống xã Kim Đồng và xã Hồng Nam khó khăn như nhau. Trong nhiều lần đi họp ở dưới xã, anh Trường cũng có kiến nghị là phải làm một con đường cho bà con đi lại, nếu có đường thì việc vận chuyển, mua bán hàng hóa sẽ dễ dàng hơn. Tổng trong xã có 6 xóm, chỉ có Lũng Cải là xóm đặc thù. Hiện xóm Lũng Cải vẫn là xóm thuộc diện ưu tiên vùng 1, nghe bảo sắp tới đây sẽ về vùng ba tiếp, nếu được về vùng 3 thì sẽ ưu tiên nhiều hơn. 

Ông Triệu Văn Chiêu, nguyên Trưởng bản Lũng Cải trò chuyện cùng phóng viên.
Ông Triệu Văn Chiêu, nguyên Trưởng bản Lũng Cải trò chuyện cùng phóng viên.

Ông Triệu Văn Chiêu, nguyên Trưởng bản Lũng Cải cho biết thêm: “Trong bản vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước, mấy năm về trước bà con phải đi gánh nước xa hàng mấy cây số. Do nắng hạn kéo dài nên trâu, bò, lợn, gà đều phải lùa xuống khu vực có nước cho uống. Ở trong bản chỉ có duy nhất ba nguồn nước chính là mó nước ở đầu Lũng Cải, Lũng Quác và Lũng Nhùng. Cách đây vài năm, do thiếu nước nên Nhà nước đã hỗ trợ cho bà con ở Lũng Cải xây dựng bể chứa nước mưa. Để xây được bể, vật liệu lấy từ đá trên núi, còn xi măng bà con phải cõng, hoặc thồ bằng ngựa từ dưới chân núi lên, vất vả lắm”.

Cũng theo ông Chiêu, việc bản làng có điện, trong nhiều cuộc họp ông đã phải kiến nghị xuống xã, huyện mới có. Bên cạnh đó, ông Chiêu còn đưa ra ý kiến về việc xây trường học cho các cháu và tu sửa lại nhà văn hóa… Về tình trạng thiếu nước, ông Chiêu cũng có đề xuất dò tìm nguồn nước để khoan giếng. Tuy nhiên, một số hộ lo sợ, họ nghĩ rằng nếu khoan giếng thì sẽ vỡ mạch ngầm lúc đó sẽ không có nước để sinh hoạt và sẽ dẫn đến thiếu nước nên cũng đành chịu. Từ ngày 17/11 năm ngoái, bản Lũng Cải đã có điện. Để có điện, mỗi hộ dân phải đóng 820 nghìn đồng. 

Ông Đinh Ngọc Tú phụ trách mảng văn hóa xã hội xã Hồng Nam cho biết: “Ngoài xóm Lũng Cải, xóm Bằng Giang, Khấy Tấu cũng rất khó khăn. Cán bộ xã, huyện mỗi khi lên thăm bản toàn phải đi ủng, đường đi vô cùng khó khăn. Ngoài việc khó khăn về đường đi, ba bản này đều thiếu nước như nhau. Xóm Bằng Giang và Khấy Tấu đường đi xuống trung tâm xã có phần dễ dàng hơn”. 

Ông Tú nói tiếp: “Về chính sách hỗ trợ, năm nào xã cũng ưu tiên cho xóm Lũng Cải. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi nên chương trình ưu tiên của Nhà nước cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Việc mở đường lên Lũng Cải, chúng tôi cũng có kiến nghị rất nhiều trong các cuộc họp hội đồng nhân dân. Thông qua đây chúng tôi cũng mong Nhà nước quan tâm hơn nữa, nhất là việc giải quyết đường đi cho bà con”.

Đọc thêm