Làm sao để không “vấp” khi tu sửa cấp thiết, sửa chữa nhỏ khi trùng tu di tích?

(PLVN) -  Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định ba hình thức là bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.
Việc tu sửa Đền Chèm ồn ào dư luận vừa qua nằm trong dự án tu sửa cấp thiết.

* Trùng tu di tích: Hiểu như thế nào về giữ gìn tối đa các yếu tố gốc?

Cụ thể, bảo quản di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL đã chỉ rõ các khái niệm: Tôn tạo di tích là hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Bảo quản định kỳ di tích, đối tượng kiểm kê di tích là việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật theo chu kỳ thời gian nhằm ngăn ngừa và loại trừ các tác nhân gây xuống cấp di tích, đối tượng kiểm kê di tích.

Hạ giải di tích là hoạt động tháo rời toàn bộ hoặc một số cấu kiện, thành phần kiến trúc của một di tích nhằm mục đích bảo quản, tu bổ mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích đó. Gia cố, gia cường di tích là biện pháp làm tăng sự bền vững và ổn định của di tích hoặc các bộ phận của di tích. Phục chế các thành phần bị hỏng, bị mất của di tích là hoạt động tạo ra sản phẩm mới theo nguyên mẫu về chất liệu, hình thức và kỹ thuật để thay thế thành phần bị hỏng, bị mất của di tích.

Thông tư cũng đề cập đến việc tu sửa cấp thiết di tích, đối tượng kiểm kê di tích là hoạt động sửa chữa mà không phải tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc hoặc chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời để ngăn chặn di tích, đối tượng kiểm kê di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại.

Thực tế cho thấy, nhiều di tích tu sửa khiến dư luận bức xúc, thậm chí bàng hoàng vì di sản bị tổn thương rất nhanh mà cơ quan chức năng trở tay không kịp, thường rơi vào trường hợp lạm dụng thực hiện tu sửa cấp thiết di tích. Thay vì phải thực hiện đầy đủ quy trình nghiêm cẩn với sự tham gia góp ý của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, việc tu sửa cấp thiết đã dần bộc lộ những kẽ hở khi việc duyệt và thỏa thuận, kể cả với di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt cũng chỉ dừng lại ở cấp quận, huyện và sở văn hóa tại địa phương.

Liên quan đến việc tu sửa cấp thiết Đình Chèm (Hà Nội) vừa qua, trả lời báo chí, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, theo quy định, việc tu sửa cấp thiết di tích thuộc thẩm quyền của địa phương.

Điều 19 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nêu rõ, hồ sơ tu sửa cấp thiết di tích phải có thuyết minh lý do tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ, nêu rõ tình trạng kỹ thuật và các nguy cơ gây xuống cấp, sập đổ, hủy hoại di tích; đề xuất phương án tu sửa cấp thiết. Việc thực hiện tu sửa cấp thiết có sự tham gia của tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện hành nghề thi công tu bổ di tích, có sự giám sát của sở quản lý văn hóa, đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích và đại diện Ban Giám sát đầu tư cộng đồng…

Bên cạnh đó một vấn đề cũng đòi hỏi phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể hơn là việc sửa chữa nhỏ để tránh những vấn đề trùng tu “quá lố” mà khi phát hiện thì sự đã rồi. Cụ thể, điểm b, khoản 1 Điều 34 quy định: Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.

Đọc thêm