Làm sao để yêu được con chồng?

(PLO) - “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Quan niệm thời xưa ấy vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, hình thành nên rào cản giữa mẹ kế và con chồng. Nhưng giờ đây, không chỉ mẹ kế là “đóng vai ác” mà cả những đứa con riêng của chồng đôi khi cũng không hề “hiền như cô Tấm”.
Không phải chị là người nhỏ mọn, độc ác nhưng thật sự chị muốn thương yêu con chồng như con mình cũng khó vì sự bất
hợp tác của đứa trẻ
Không phải chị là người nhỏ mọn, độc ác nhưng thật sự chị muốn thương yêu con chồng như con mình cũng khó vì sự bất hợp tác của đứa trẻ

Mẹ kế bị mắng vì… con chồng

Chị H. và người chồng lớn hơn gần con giáp quen biết nhau qua mạng và gặp nhau sau gần 3 tháng tìm hiểu, rồi tổ chức đám cưới trong sự ngỡ ngàng của họ hàng. Hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới cũng lan tỏa khắp nơi như những cặp đôi khác.

Tuy nhiên, khi về sống chung, chị H. phát hiện ra người chồng của chị có tính hơi trăng hoa, nhưng chị cũng chưa thấy đó là vấn đề lớn vì anh vẫn luôn dịu dàng chăm sóc, yêu thương chị. Con trai đầu lòng ra đời trong niềm vui của mọi người, đứa bé giống cha như đúc, anh lại càng yêu quý hai mẹ con. Cuộc sống êm đềm trôi qua minh chứng cho sự lựa chọn của chị.

Nhưng sau đó, chị nhận thấy chồng mình bỗng nhiên thay đổi hẳn, ít nói, ít cười đùa với mẹ con chị như trước. Khi thấy anh ủ rũ, lo âu, chị hỏi thì anh cũng ậm ừ bảo không có gì hoặc vì công việc áp lực quá. Đến một ngày… anh lấy hết can đảm thú thật với chị là anh có một con gái riêng bên ngoài đã được 10 tuổi, tức là trước lúc hai người quen nhau. Chị thấy đất trời như sụp đổ.

Anh kể với chị rằng đó chỉ là tình cảm bồng bột và gia đình anh không đồng ý cho cưới. Hai người chia tay, cô ấy có thai và quyết nuôi đứa bé, hàng tháng anh vẫn chu cấp cho con gái riêng. Chị khóc lóc vật vã, nặng nhẹ anh đủ điều, anh vẫn im lặng chịu đựng và báo với chị rằng anh sẽ đem con về nuôi vì mẹ nó yêu cầu trả con cho anh để theo chồng mới ra nước ngoài sinh sống. 

Cuối cùng, sau cả tháng trời suy nghĩ, chị đành chấp nhận làm mẹ kế vì vẫn còn rất yêu chồng. Cuộc sống chung không hề dễ chịu, vì cô bé đã khá lớn nên có những biểu hiện tâm lý hết sức rắc rối, cô bé tỏ ra xa lánh mẹ con chị dù chị có cố gắng gần gũi, hòa đồng. Chị quan tâm, chăm sóc thì nó thờ ơ lạnh nhạt, tỏ vẻ không cần.

Suốt ngày ngoài giờ ăn uống, đi học về là nó cứ ở suốt trong phòng, chỉ đợi ba nó về mới ra thủ thỉ nhỏ to, khiến chị thấy rất khó chịu. Nhiều lần không biết nó nhỏ to điều gì mà chồng chị tỏ thái độ cau có, tra hỏi chị những chuyện vặt vãnh trong nhà và nhiều chuyện phiền phức khác.

Không phải chị là người nhỏ mọn, độc ác nhưng thật sự chị muốn thương yêu con chồng như con mình cũng khó vì sự bất hợp tác của đứa trẻ. Còn chồng chị thì lúc nào cũng nơm nớp không biết ở nhà vợ có ức hiếp con riêng không, làm cho mối quan hệ vợ chồng không còn ngọt ngào, đầm ấm như trước. Tâm trạng chị H. hiện giờ vô cùng bế tắc và chán nản.

Ghét thì dễ, “chinh phục” mới khó

Bàn về vấn đề mẹ kế, con chồng khi mẹ kế thì muốn “bánh đúc có xương” mà con chồng lại không “hiền như cô Tấm”, chuyên gia tâm lý cho rằng chính vì thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm của cha mẹ nên không có gì ngạc nhiên khi một đứa trẻ có những hành vi chưa đúng về ứng xử cũng như không chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, nhất là những bé đã lớn sẽ rất khó khăn để chinh phục tình cảm của chúng.

Ở giai đoạn đầu  khi mới về chung sống, đa phần bọn trẻ sẽ tỏ ra thờ ơ, xa lánh, thậm chí căm ghét bạn ra mặt vì cho rằng bạn đã cướp mất cha nó. Để trẻ cảm thấy không lạc lỏng, không “bị mất cha” bạn hãy chủ động tạo mọi điều kiện để cha con họ gần gũi, chăm sóc nhau.

Chính điều đó sẽ làm cho bé bớt thành kiến và nể phục bạn hơn. Dù xuất phát từ thành kiến hay trực giác, vấn đề là bạn phải loại bỏ ngay tình cảm tiêu cực đối với con riêng của chồng, nên có sự vị tha, bao dung để mọi người có thể chung sống trong bầu không khí thân thiện, hòa hợp.

Thực ra người chồng, người cha trong hoàn cảnh này cũng có những điều khó xử riêng bởi dù gì thì con riêng cũng là ruột thịt, anh ấy cảm thấy có lỗi với cả hai phía, vì vậy khi đã chịu tha thứ thì nên chia sẻ và động viên để anh ấy làm  tốt vai trò khó khăn của mình. Đối với các vấn đề nhạy cảm hoặc bất cứ khi nào bạn thấy khó khăn để ứng xử với con riêng, hãy nhờ đến chồng xử lý, các con sẽ nghe lời cha nhiều hơn.

Theo chuyên gia tâm lý, hãy nhẫn nhịn, thật nhẹ nhàng, khéo léo để gần gũi tìm hiểu tâm tính của trẻ để có cách “thuần phục” thích hợp. Đừng tìm mọi cách “đối phó” với trẻ, vì chỉ làm cho tình hình càng trở nên căng thẳng hơn.

Nên nhớ không kể lể, kêu ca thái độ của trẻ với chồng hoặc mượn chồng để mắng mỏ trẻ, cũng không nên đem mẹ trẻ ra chì chiết hoặc so sánh vì sẽ nhận được phản ứng tiêu cực. Cảm thông với nỗi lòng của trẻ để yêu thương như con ruột mình, thể hiện thái độ quan tâm, chân thành, đặc biệt là phải luôn đối xử công bằng giữa con riêng và con ruột - một người mẹ như thế, không có lý do gì để bị từ chối.

Đọc thêm