Làm trai cho đáng nên trai?

(PLVN) - Những “người đàn ông chưa cai sữa” và những người đàn ông “tự coi mình là ông trời con”… đó là mẫu đàn ông mà phụ nữ sợ hãi nếu lấy là chồng. Không ít cặp vợ chồng đã sớm chia tay, gia đình “tan đàn xẻ nghé” bởi tính xấu của những người chồng này.
“Những đứa trẻ to xác” hành hạ mẹ già phục vụ mình.
“Những đứa trẻ to xác” hành hạ mẹ già phục vụ mình.

Sợ hãi với “những đứa trẻ to xác”

Vừa qua, Nhật Bản tiếp tục chấn động trước vụ việc một người đàn ông 46 tuổi sống cùng xác chết của người mẹ 83 tuổi hơn một năm trời. Theo đó, cụ bà Satoe Tanaka đã qua đời vào tháng 7 năm ngoái. Trước khi qua đời, cụ sống với người con trai duy nhất của mình là ông Hisataka.

Ông này là một hikikomori, thất nghiệp, phải sống nhờ tiền trợ cấp và sự bao bọc của người mẹ già. Do đó, sau khi cụ Satoe qua đời, ông đã không biết phải xử lý tình huống ấy như thế nào. Chính vì vậy, ông đã để xác mẹ mình ở trong nhà.

Bộ Y tế Nhật Bản định nghĩa hikikomori là một lối sống mà trong đó một người "không đi làm hay đi học, hiếm khi tương tác với người ngoài, trừ các thành viên trong gia đình và ở nhà liên tục trong 6 tháng hoặc lâu hơn". Có nghĩa hiện tượng hikikomori- một người ẩn dật trong xã hội, ở trong nhà nhiều năm trời.

Còn trong Từ điển tiếng Anh Oxford, hikikomori được định nghĩa là "sự né tránh bất thường trong tiếp xúc xã hội, điển hình là nam thanh niên". Một cuộc khảo sát được Văn phòng Nội các Nhật thực hiện cho thấy một sự thật gây sốc: Ước tính có khoảng 613.000 người trong độ tuổi từ 40 - 64 tuổi cũng có lối sống hikikomori, trong đó 75% là nam giới. Con số này còn lớn hơn nhiều so với số lượng hikikomori trong độ tuổi từ 15 đến 39 tuổi.

Những hikikomori ấy được bố mẹ nuông chiều, cung phụng chăm sóc đã không hề biết làm gì để tự phục vụ bản thân mặc dù có sức khỏe và đầy đủ chân tay, trí tuệ. Họ ỷ lại hết cho bố mẹ già của mình. Hàng ngày họ nhốt mình ở trong phòng. Đến bữa ăn ra ăn hoặc bố mẹ mang vào tận phòng. Sau đó, họ để cho bố mẹ già phải đi dọn dẹp, giặt giũ, dọn phòng cho họ.

Những hikikomori sống nhờ vào tiền tiết kiệm hay tiền trợ cấp của bố mẹ mình. Những ông bố bà mẹ ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn phải còng lưng nuôi người con từ 25- 60 tuổi từ miếng ăn giấc ngủ gây ra những hệ lụy đau lòng, trở thành gánh nặng cho xã hội. Vì quá bao bọc con, nhiều bố mẹ già lo lắng “Khi mình chết đi, ai là người chăm sóc con mình”. 

Ở Việt Nam, có không ít “hikikomori”- “những người không bao giờ trưởng thành”. Khi chưa lập gia đình, người đó sống phụ thuộc vào bố mẹ. Mặc dù, tốt nghiệp đại học, họ cũng không muốn đi làm nằm khểnh ở nhà đếm thời gian trôi. Bởi họ nghĩ, bố mẹ sinh ra phải có nghĩa vụ nuôi mình. Đi làm nhọc công mệt xác, lại bị sếp mắng mỏ, đồng nghiệp săm soi.

Ở nhà không làm vẫn có cái ăn lại có người hầu hạ. Họ lập gia đình, thói “ăn chực, nằm chờ” ấy càng được phát huy khi có người vợ ở cùng. Họ nghĩ, vợ phải có nghĩa vụ chăm sóc chồng con. Họ nghĩ mình được hưởng thụ, không muốn động chân, động tay vào bất cứ việc gì. Nếu có đi làm thì họ làm qua quýt, cầm đồng lương eo hẹp chưa đủ nuôi thân. Nhưng họ nghĩ thế là đủ nghĩa vụ, về tới nhà mệt mỏi, được quyền hưởng thụ.

Người vợ chăm con đã đủ mệt bây giờ lại phải “chăm bẵm” thêm một người đàn ông lẽ ra là trụ cột gia đình. Áp lực công việc, áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế, áp lực chăm sóc con nhỏ, lại gồng gánh việc đối nội, đối ngoại thay chồng, người vợ ấy như một kiệt sức và bắt đầu phản ứng bằng cách cằn nhằn, mắng nhiếc người chồng – “đứa trẻ to xác”.

Dĩ nhiên, tính cách ỷ lại vài chục năm của chồng không dễ gì thay đổi. Cực chẳng đã, người vợ đã đưa con đi để lại tờ ly hôn. Đó là một trong những lý do, những “đứa trẻ to xác” thường không giữ được tổ ấm của mình. Và đương nhiên, “hikikomori” lại quay ra ăn bám, hành hạ bố mẹ già phải chăm sóc mình.

Thế hệ cha mẹ hiện nay vừa trải qua giai đoạn khó khăn của đất nước, nay sinh con trong thời buổi kinh tế xã hội phát triển, họ luôn muốn con mình được sống trong điều kiện tốt nhất nên hết lòng chăm bẵm cho con từ miếng ăn, giấc ngủ… Nhưng phần lớn họ chỉ chăm lo đời sống vật chất của con mình mà ít để tâm đến (hay xem nhẹ) việc trang bị cho con các kỹ năng sống – một thứ “hành trang” quan trọng không kém để con họ tự tin, vững vàng trong cuộc sống.

Bởi thế có người nhận xét rằng đã và đang có một thế hệ trẻ sinh ra có chiều cao, cân nặng, ngoại hình, điều kiện sống… rất lý tưởng, nhưng các kỹ năng sống tự lập thì không có vì họ đã quen phụ thuộc cha mẹ từ nhỏ.

Người đàn ông gia trưởng luôn áp đặt vợ con phải làm theo những điều mình viết ra.
 Người đàn ông gia trưởng luôn áp đặt vợ con phải làm theo những điều mình viết ra.

Nhiều người trẻ khó có khả năng nấu một bữa cơm ra hồn, không biết chăm sóc khi con bệnh hoặc không có khả năng xử lý tình huống khi gia đình gặp sự cố… Và họ đã biến mình thành người “tàn tật” về cuộc sống.

“Tù giam lỏng” với “ông trời con”

Ngoài nỗi sợ lấy phải người chồng là “đứa trẻ to xác”, nhiều người phụ nữ cũng kinh hãi khi vớ phải ông chồng gia trưởng. Nếu những “hikikomori” thường coi mình là đứa trẻ cần được người khác chăm sóc thì những ông chồng gia trưởng lại coi mình là “ông trời con”. Họ tự cho mình cái quyền áp đặt, cấm đoán, quát nạt, bạo hành vợ mỗi khi vợ không đúng ý mình. 

Chị Mai Liên (32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) nghẹn ngào kể về cuộc sống “tù giam lỏng” của mình. Chồng chị Liên, 35 tuổi là một nhân viên kỹ thuật ngành điện. Còn chị là phó phòng ngành bảo hiểm. Cách đây 2 năm, qua giới thiệu, chị Liên thấy anh Quang cũng ưu nhìn và có công việc ổn định nên nhận lời yêu.

Khi yêu được 1 tuần, anh Quang yêu cầu chị Liên không được đi đâu xa, nếu anh đồng ý mới được đi. Khi anh gọi điện, chị Liên phải nghe máy hay phải gọi lại sau 10 phút khi thấy cuộc gọi nhỡ. Nghĩ anh Quang yêu mình nên mới quan tâm vậy nên chị Liên làm theo những điều anh Quang yêu cầu. Chị Liên không hề biết đó là dấu hiệu của một người đàn ông gia trưởng, ích kỷ. 

Sau 3 tháng yêu nhau, chị đã lên xe hoa về nhà anh Quang và bắt đầu bước vào cuộc sống “ngục tù”. Ngay trong đêm tân hôn, anh Quang đã chìa tờ giấy có ghi 10 điều cam kết bắt chị ký vào. Đó là: “Đám cưới xong phải sinh con ngay; con dâu phải lo tất cả những công việc nhà chồng, khi chồng đồng ý mới được về nhà mẹ đẻ; chồng đưa tiền lương phải ghi rõ tiêu khoản gì; phải để chồng dạy con; không được cãi lại bố mẹ chồng và chồng bất kỳ lý do gì; đi chơi bạn nào cũng phải để chồng duyệt; không được ăn mặc theo ý thích mà phải do chồng chọn”…

Chị Liên đọc tới đâu, nước mắt nhòe tới đó. Không lẽ, vừa cưới xong đã xách vali bỏ về nhà. Chị thương bố mẹ ở nhà lo lắng, thêm bệnh tật. 

Chị muốn anh sửa những cam kết đó nhưng anh trừng mắt: “Anh nói một là một, hai là hai. Em đừng có nói gì thêm nữa, nhức đầu. Anh làm thế cũng chỉ vì gia đình của chúng ta.” Không muốn đêm tân hôn làm to chuyện, chị cay đắng ký vào bản cam kết và hy vọng, sống chung dần dần anh sửa tính gia trưởng, ích kỷ của mình.

Sau 2 tháng kết hôn, chị Liên bắt đầu có bầu. Chị Liên bị ốm nghén không ăn uống và khó có thể làm việc được. Thay vì để vợ nghỉ ngơi, anh Quang bĩu môi: “Em làm như mỗi em biết chửa, người khác làm hùng hục tới giờ đẻ. Thôi, em cố ăn uống và làm việc nhà đi, đừng lấy lý do”. Nghe vậy, chị Liên nuốt nước mắt cố lê lết làm việc nhà sau khi tan sở. 

Thời điểm đó đúng lúc mẹ chồng chị bị ốm liệt giường. Vừa ốm nghén, chị Liên vừa phải chăm sóc mẹ chồng cơm nước, tắm rửa, lau giường cho mẹ chồng. Anh Quang vẫn điềm nhiên nhìn vợ làm mà không xắn tay vào giúp đỡ vì nghĩ: “Đàn ông lo việc lớn, việc nhỏ đó của vợ chứ không phải của mình!” Nghén khó ăn uống cộng với sự làm việc quá sức, chị Liên ngã ra sân nhà.

Mở mắt trong bệnh viện cũng là lúc chị nhận được hung tin con trong bụng mình không còn nữa. Đau lòng khi mất con, chị còn nhận sự mỉa mai, chê trách của người chồng: “Có mỗi việc chửa đẻ mà cũng không xong!”. Và chuỗi ngày sau đó là chuỗi ngày chị bị hành hạ tinh thần. Anh Quang coi chị chẳng khác gì ô sin không công trong nhà.

Họ hàng ở quê lên chơi hàng tuần, chị phải bỏ tiền lương ra để đi chợ, phục vụ cơm nước và giặt quần áo… Cứ liên tiếp, tháng nào nhà chị cũng có vài ba khách quê tá túc trong nhà. Hết tiền, chị bảo anh đưa, anh Quang gắt: “Họ hàng ăn uống là bao mà em kêu tốn. Em đừng có lấy lý do mà bòn thêm tiền của anh”. 

Tuy nhà ngoại cách 5km, nhưng có khi 1-2 tháng chị mới đảo qua nhà thăm bố mẹ. Có lần, anh Quang biết chị về ngoại mà không xin phép, anh chửi bới và dọa lần sau còn như vậy anh sẽ đánh để chừa thói tự tiện. Cuộc sống chị Liên ngày càng bế tắc. Khuyên nhủ chẳng xong, sau 2 năm sống chung, chị đã viết đơn li dị để thoát khỏi kiếp sống “giam cầm”.

Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình, những người đàn ông hãy dừng việc ùn đẩy sự sợ hãi của cuộc sống sang phía cha mẹ chúng ta hay sự vất vả, trách nhiệm về phía vợ mình. Hãy suy nghĩ về bản thân, tự quyết định và sẵng sàng chịu trách nhiệm về chính mình, đó là khởi đầu của việc trở thành một người đàn ông thực thụ.

Và điều quan trọng, cha mẹ cần dậy các cậu bé của mình trở thành một người đàn ông chu đáo, có trách nhiệm và thương yêu người thân, từ những việc nhỏ. Có như vậy, khi lớn lên, họ sẽ không nề hà bất cứ việc lớn, bé nào trong cuộc sống! Khi đã biết cách thu xếp cuộc sống theo lẽ tự nhiên của thương yêu, chia sẻ, của thấu hiểu thì những người đàn ông sẽ sớm trưởng thành và không bị quá nhiều áp lực trong vai trò trụ cột gia đình của mình.

Đọc thêm