Nặng gánh việc nhà - nỗi bất công không mấy người nhìn thấy

(PLVN) - Có câu nói “đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” nhằm chỉ đến trách nhiệm chính của mỗi người trong gia đình, người chồng lo việc lớn bên ngoài, phụ nữ vun vén tổ ấm. Nhưng, cũng với suy nghĩ mặc định ấy, nhiều người đàn ông đã đặt toàn bộ gánh nặng của “việc trong nhà” lên vai vợ mình, khiến người phụ nữ gánh chịu nhiều nỗi khổ khó nói ra.
Người vợ lên mạng tâm sự nỗi vất vả một mình vừa chăm con vừa làm việc nhà, lại không được chồng chia sẻ.
Người vợ lên mạng tâm sự nỗi vất vả một mình vừa chăm con vừa làm việc nhà, lại không được chồng chia sẻ.

Những người đàn ông “chỉ làm chuyện lớn”

Cách đây ít lâu, một cô gái trẻ tại Hà Nội đã lên mạng tâm sự nỗi khổ của mình sau 2 năm kết hôn. Sống chung với cha mẹ chồng, sau khi sinh đứa con đầu lòng, cô gái được nhà chồng yêu cầu nghỉ việc vì không ai chăm con giúp và lương cô cũng không cao. Công việc cả nhà chồng không ai phụ giúp, cô quần quật cả ngày với đủ thứ việc không tên, cộng với con nhỏ bám mẹ nên rất vất vả. 

Chồng cô chạy grab car, thu nhập cũng khá, nhưng có quan niệm “việc ai nấy làm”. Ngoài chạy xe, anh chồng vẫn thường tụ tập bạn bè đi nhậu đến khuya mới về, một tuần vài ba lần như thế. Về đến nhà, ăn cơm, tắm rửa thay đồ, đi ngủ, còn vợ loay hoay với bao việc thì mặc kệ vợ.

Vợ phải vừa dọn dẹp, rửa bát vừa ôm con, chồng cũng mặc. Vợ đề nghị giúp, chồng còn cáu: “Việc của anh là bươn chải ra ngoài kiếm tiền nuôi mẹ con em rồi. Phần còn lại là của em chứ, việc nhà còn đòi anh chia sẻ nữa thì em làm gì”. Và như thế, người chồng nhất quyết “không chạm một móng tay” tới việc nhà.

Trong cuộc sống tồn tại không ít ông chồng như vậy. Đi làm về, vợ dọn ăn, ăn xong vợ dọn bàn, rửa chén. Rửa chén xong lại dọn nhà, lau nhà, rồi còn tranh thủ tắm rửa cho con, cho con học… Trong khoảng thời gian ấy, việc của “đức ông chồng” là… bấm điện thoại, lướt web, xem tivi. 

Dù chuyện vợ chồng, chuyện trong nhà ít ai muốn phơi bày ra ngoài, thì nhìn những quang cảnh hằng ngày vẫn thấy, có lẽ ta có thể hình dung được cuộc sống của khá nhiều cặp vợ chồng trong xã hội hiện nay: sau giờ làm, những quán nhậu từ bình dân đến lề đường chật kín người, đa số là cánh đàn ông, trong đó chiếm không ít là đàn ông trung niên đã có gia đình.

Họ ngồi đó, vui vẻ, thong thả, chén chú chén anh đến tận nửa đêm. Các quán nhậu vẫn thường xuyên đông như vậy, không kể đầu tuần hay cuối tuần. Những ngày nghỉ, các quán cà phê đông nghịt người. Những người đàn ông ngồi đó, rề rà ăn sáng, uống cà phê đến tận nửa trưa rồi về nhà có mâm cơm chờ sẵn, hoặc lại rủ nhau đi nhậu đến chiều.

Ngoài giờ làm, họ dành bằng ấy thời gian cho quán xá, cho bù khú bạn bè thì còn đâu thời gian dành cho gia đình, chia sẻ việc nhà cùng vợ, cùng vợ chăm sóc con cái? 

Vì sao chồng tránh việc nhà?

Trước đến nay, các đoạn phim quảng cáo sản phẩm gia dụng vẫn thường được xây dựng với motip như sau: chồng đi làm về, vợ tất bật trong bếp, dọn ra cơm nóng, canh ngon sẵn sàng. Vợ ở nhà đầu bù tóc rối chăm con, nhờ có sản phẩm hỗ trợ mà bớt vất vả. Hay vợ lau nhà sạch nhờ nước lau sàn thơm mát, vợ rửa chén sạch nhờ nước rửa chén hương chanh, vợ giặt đồ sạch nhờ máy giặt lồng xoáy kép… 

Trong những quảng cáo ấy đã vẽ lên bức tranh gia đình thật hoàn hảo, nơi “người nào làm việc ấy”, người đàn ông luôn gắn với bộ đồ công sở, đồ vest, giày âu đi làm trở về, thấy nhà đẹp đẽ thơm tho mọi thứ đều ổn, vì có người vợ tất bật trong nhà. Những quảng cáo ấy ca tụng người mẹ, người vợ tài giỏi, siêu nhân, việc gì cũng làm được. 

Có một thời, người ta gọi những quảng cáo ấy là “ru ngủ”. Nó thể hiện rõ sự bất bình đẳng giới khi luôn gắn người phụ nữ với việc nhà, và gắn cho họ thước đo gia đình hạnh phúc dựa vào sự chu toàn việc nhà, chăm nom chồng con mà họ thực hiện được. Nó ru ngủ phụ nữ rằng, là vợ, là mẹ tốt thì cần như thế. Nó cũng đồng thời xây dựng một hình ảnh mặc định trong xã hội, làm vợ làm mẹ thì gắn liền với sự đảm đang.

Xã hội ngày nay đã phát triển, nhiều tư duy cũ đã thay đổi. Nhưng, tồn tại trong rất nhiều gia đình vẫn là suy nghĩ thâm căn cố đế ấy. Có ông chồng không làm việc nhà vì đã bị vợ “giành” hết. Bởi, chính bản thân người phụ nữ nghĩ rằng đó là nghĩa vụ của mình, làm như thế mới là phụ nữ chuẩn, mới bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Cũng có ông chồng, không làm việc nhà bởi không có thói quen như thế. Từ nhỏ, sống trong gia đình đã chứng kiến mẹ làm tất tần tật mọi việc trong nhà. Cha đi làm về thong thả hưởng thụ. Con trai cũng không phải đụng tay vào việc nhà bởi “đàn ông là phải làm chuyện lớn”. Để rồi, với tâm thế ấy mà đi lập gia đình, mà đối xử với vợ mình.

Lại có những ông chồng, không làm việc nhà vì “bệnh sĩ”. Vì việc nhà là việc vặt, việc của đàn bà, mình đụng tay vào thì vợ khinh, thì người nhà, bạn bè cười. Suy nghĩ ấy không liên quan đến độ thành đạt ngoài xã hội, vì thực tế không ít người chồng thu nhập thấp, thất nghiệp, vợ phải bươn chải kiếm tiền lại còn gánh vác cả việc nhà.

Nếu nói, chia sẻ việc nhà là bí quyết giữ hạnh phúc gia đình, nhiều người cho là nói quá, nhưng đó lại là sự thật. Đã có không ít vụ ly hôn mà người đưa đơn là người vợ, chỉ vì chồng không chia sẻ việc nhà với mình.

Hôn nhân không phải là cuộc chơi sòng phẳng để phân chia rạch ròi trách nhiệm và nghĩa vụ. Chia sẻ việc nhà, đó không còn đơn thuần là “việc trong nhà”. Đó còn là cách mà vợ chồng chia sẻ cùng nhau những vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Đó là cách để hai người gắn kết, thấu hiểu, bày tỏ tình yêu thương với nhau.  

Sự thấu hiểu, sẻ chia có vai trò rất quan trọng trong đời sống vợ chồng

Nguyên tắc ứng xử này đã được nêu rõ ở phần “ứng xử trong quan hệ vợ chồng” trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành. Theo đó, “trong gia đình, ứng xử giữa vợ và chồng là mối quan hệ cơ bản nhất giúp cho gia đình phát triển bền vững và hạnh phúc.

Hãy nhớ rằng cả hai vợ chồng là người đều quan trọng, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Hãy phá bỏ “cái tôi” vì thực ra cái đó không quan trọng – hạnh phúc gia đình là quan trọng. Người chồng cần tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng công việc gia đình với vợ nhiều hơn, tạo điều kiện cho vợ tham gia các hoạt động xã hội, học tập, phát triển kinh tế, quan hệ gia đình, xã hội… nhằm giải tỏa cho nhau những áp lực về tâm lý”.

Hãy chia sẻ việc nhà cùng nhau, đó là yếu tố luôn được nhấn mạnh trong bộ tiêu chí. Bởi tuy nhỏ nhoi, nhưng đó chính là biểu hiện gần gũi nhất của tình nghĩa, tình yêu thương, sự trân trọng và sẻ chia. 

Đọc thêm