Tại Việt Nam, số người cần sự trợ giúp xã hội rất lớn, hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 2 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Cá nhân làm từ thiện - sai hay không?
Pháp lý luôn là vấn đề khiến các ý định và hoạt động từ thiện e ngại. Tại hội thảo “Từ thiện phát triển - Xu hướng và văn hóa từ thiện trong và sau Covid-19” diễn ra mới đây tại Hà Nội, theo thăm dò nhanh của ban tổ chức về các từ khóa được quan tâm liên quan đến việc từ thiện ở Việt Nam thì những từ khóa được đề cập nhiều là “Thủy Tiên”, “cứu trợ”, “minh bạch”…
Bằng việc tự mình đứng ra kêu gọi quyên góp được từ các cá nhân và tổ chức hơn 150 tỷ đồng để ủng hộ bà con miền Trung đang bị lũ lụt, ca sĩ Thuỷ Tiên ngoài việc nêu một tấm gương sáng về tinh thần tương thân tương ái của dân Việt khi hoạn nạn khó khăn, cô còn đã trở thành một “hiện tượng lạ” trong mắt một số chuyên gia pháp lý theo góc nhìn từ một số quy định của pháp luật về việc làm từ thiện.
Nhiều quan điểm cho rằng việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp. Trái ngược lại, cũng không ít quan điểm lại khẳng định bản chất của việc nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản thông qua Thủy Tiên để giúp bà con vùng lũ, đó chính là việc tặng cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại giao dịch dân sự phổ biến - là một quan hệ pháp luật dân sự được pháp luật cho phép.
Để bảo vệ cho quan điểm Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp, nhiều người đã viện dẫn Nghị định 64/2008/NĐ-CP về hoạt động từ thiện. Theo đó, việc thực hiện nhiệm vụ nhân đạođược Nhà nước giao cho các tổ chức như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện thực hiện, còn cá nhân không được phép thực hiện.
Bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) kể câu chuyện của bà và một số đối tác cùng nhau góp một quỹ để hỗ trợ người dân nhưng khi quỹ đi vào thực hiện thì lại phát sinh vấn đề về tính pháp lý.
“Làm thế nào để mình làm vừa tốt vừa đúng, bởi vì nếu mình làm không đúng thì không những mình bị dừng, bị ảnh hưởng mà quỹ cũng sẽ không phát triển được” - bà Oanh nói.Liên hệ sang việc Thủy Tiên với quỹ từ thiện do chính nữ ca sĩ này kêu gọi và đang thực hiện thành công, bà Oanh cho hay: “Tất cả chúng ta ở đây rất nhiều người tử tế nhưng chúng ta cũng không biết làm như thế nào là đúng, là phù hợp, là bền vững. Trong lúc hoang mang như vậy, chúng ta dễ từ lòng xúc cảm của mình mà gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên hay cho anh A, chị B là rất bình thường”.
Tôn vinh cá nhân làm thiện nguyện đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ với báo chí. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, về mặt pháp luật, họ không vi phạm vì theo pháp luật dân sự, họ là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người cho họ để gửi cho người nhận.
Họ được ủy thác và theo luật là được phép. Họ không đại diện cho tổ chức nào nên họ hoàn toàn có quyền làm việc đó. Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu Nghị định 64 thực chất là để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và đấy là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao, như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân nên nếu lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của Thủy Tiên cũng không đúng.
Có luật để ngăn chặn sự hỗn loạn
Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Động thái này của Chính phủ cho thấy, việc bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được đề cao.
Ngày 21/10/2020, trao đổi bên hành lang Quốc hội với báo chí, một số đại biểu bày tỏ sự hoan nghênh ca sĩ Thủy Tiên và các cá nhân khác đang làm từ thiện, giúp đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn và băn khoăn về quy định bất cập về việc làm từ thiện tại Nghị định 64/2008.
Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ pháp luật phải từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Đề cập đến quy định của pháp luật về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân nói: “Rất tiếc, Nghị định 64 ban hành từ 2008 nhưng Chính phủ chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không”.
Ông Vân đề nghị cần quy định không chỉ có các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân mới có quyền quyên góp từ thiện, mà để cả cá nhân, những người có tên tuổi, uy tín trong xã hội cũng có quyền đó. Việc của Nhà nước là quy định và hướng dẫn rõ ràng để khi có sự cố thì các cá nhân, tổ chức khác có thể giải trình minh bạch.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ca sĩ Thủy Tiên đang làm chuyện tốt, không thể nói nữ ca sĩ vi phạm pháp luật. Nên từ trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên để xem xét, rà soát, sửa đổi quy định liên quan cho phù hợp thực tiễn.
Có thể thấy, năm nào ở Việt Nam cũng có những nơi xảy ra thiên tai và mỗi lần như thế người dân cả nước và rất nhiều người mong muốn được đến để trợ giúp bằng hình thức khác nhau. Ai cũng muốn được trực tiếp đến đó để giúp đỡ.
Đó cũng là nhu cầu chính đáng. Nhưng theo quy định về cứu trợ quốc tế, có 3 nguyên tắc cần phải tuân thủ. Nguyên tắc thứ nhất, không phân biệt đối xử giữa những người ở những vùng xảy ra thảm hoạ. Thứ hai, không tạo áp lực cho những người tại đó, kể cả nạn nhân, kể cả chính quyền và các lực lượng để họ không bị áp lực thêm những công việc khác nữa. Thứ ba, giúp những gì họ cần, thay vì mình giúp những gì mình có.
Chính vì thế, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thì cần phải có những tổ chức chuyên nghiệp làm công tác này và có sự điều phối của chính quyền, các lực lương chức năng, đặc biệt các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ - tổ chức chuyên nghiệp trong công tác nhân đạo.
“Để giám sát công tác cứu trợ, Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan chức năng với phương châm 4 tại chỗ, ở nơi nào xảy ra thiên tai, chính quyền và lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở đó sẽ phải thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn nhưng đồng thời giám sát việc đó. Còn ở quy mô rộng hơn một vùng hay một tỉnh, Chính phủ có lực lượng để chỉ đạo thực hiện công tác cứu hộ, đồng thời giám sát chặt chẽ để việc cứu hộ, cứu trợ thực sự hiệu quả, tránh điều đáng tiếc xảy ra” – theo bà Thu.
Có thể thấy, thực tiễn đang đòi hỏi văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động từ thiện, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp thì cũng cần giúp Nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, lợi dụng và đặc biệt vận động, phân phối được đến đúng người, đúng nơi, đúng chỗ và hiệu quả, bởi nếu để tự phát, sẽ xảy ra rối loạn.