Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban TW MTTQ chủ trì, phối hợp, chỉ đạo giám sát hoạt động này. Mục đích “để công tác vận động quyên góp hỗ trợ đúng quy định, và thiết thực”.
Tại Nghị định 64, ngay từ Điều 1 về phạm vi điều chỉnh đã nêu rõ “quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn…”. Và ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trong văn bản này, “không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.
Quy định này bị một số ý kiến cho rằng là “rào cản lòng tốt”. Thực tế, không phải vô cớ mà luật quy định như vậy. Trước tiên, phải khẳng định nếu không có một đồng từ thiện, thì Chính phủ cũng không bao giờ để dân đói khát. Ngay khi bão lũ đang hoành hành, TW đã có lệnh cấp phát hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm tỷ cho các địa phương thiệt hại. Dù vô cùng đáng quý, trân trọng; trong phần lớn các tình huống, sự đóng góp tự phát của người hảo tâm không phải là yếu tố quyết định sự sống chết.
Trong quá khứ, từng xảy ra những lùm xùm, ồn ào như có nghệ sĩ nổi tiếng tự kêu gọi, “gom” được hàng chục tỷ mang đi cứu trợ, sau đó bị người ủng hộ tố bớt xén trục lợi. Chưa hết, khi tự dưng hàng chục tỷ hay cả trăm tỷ đổ về, một cá nhân không thể “tài thánh” tự mình phân phát kiểm soát hết, nguy cơ “rơi vãi” thất thoát là hiển nhiên.
“Tự phát” từ thiện, còn gây ra nghịch lý nơi thiếu nơi thừa, có khi tác dụng ngược. Các công cụ sản xuất, hay tiền để mua các vật dụng thiết thực, mới là thứ người gặp nạn cần nhất. Ai có thể ăn mì tôm được “trường kỳ” ngày này qua tháng khác? Bánh chưng có thể để bao lâu trước khi mốc xanh, mốc đỏ ôi thiu? Bao nhiêu tài sản ở vùng lũ đã bị trôi theo dòng nước, nay lại thêm lần tiền của lãng phí vì đổ vào những thứ không thiết thực.
Nguy hiểm nhất là không hiểu được sâu xa thực tế nguồn cơn quy định, một số ý kiến đã vội vàng cho rằng Nghị định 64 là “rào cản lòng tốt”. Trả lời báo chí, một số cán bộ Bộ Tài chính hay Hội Chữ Thập đỏ lại vội vàng có cách giải thích “có vấn đề”, khi cho rằng Nghị định 64 “không áp dụng cho cá nhân”.
Cũng phải thừa nhận có những lúc, có những nơi, cơ quan tiếp nhận tiền hàng cứu trợ còn làm chưa hết trách nhiệm. Nhưng không thể chỉ vì một vài vụ việc đơn lẻ hiện tượng mà quy chụp cho cả hệ thống, đổ lỗi cho rằng pháp luật “cứng nhắc, rào cản”.
Thực tế cho thấy thời gian gần đây, các tổ chức có chức năng nhận tiền hàng cứu trợ đã có những sáng kiến nhanh gọn, thiết thực như nhắn tin ủng hộ trừ tiền tài khoản điện thoại… Đó là những sáng kiến cần nghiên cứu nhân rộng, thay vì từ thiện kiểu tự phát nhất thời, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phí phạm./.