Tôi làm việc tại đội chữa cháy chuyên ngành thuộc 1 Công ty liên doanh với nước ngoài. Nhiệm vụ của đội chữa cháy chuyên ngành thực hiện theo quy định của Luật PCCC VN hiện hành và theo quy chế nhân viên của công ty.
Trước đây, chúng tôi được công ty tổ chức làm việc 3 ca/ngày, mỗi ca 8 giờ, mỗi người làm việc bình quân mỗi tháng 180 giờ (22,5 công làm việc được trả lương), nếu vượt số giờ này sẽ được thanh toán vượt giờ và nghỉ bù theo quy định.
Nay do gặp khó khăn trong SXKD, công ty tổ chức cho CBCNV đội chúng tôi làm việc 2 ca/ngày, mỗi ca 12 giờ, nhưng chỉ chấm công trả lương 8 giờ/ca, 4 giờ còn lại công ty lý luận rằng đó là thời gian nghỉ ngơi tại chỗ nên không được trả lương và cũng không được nghỉ bù. Tuy nhiên trong 12 giờ trực ca chúng tôi phải thường xuyên ở tại nơi thường trực và luôn sẵn sàng chữa cháy cứu hộ cứu nạn và làm các công việc theo chuyên môn và phân công của lãnh đạo.
Vậy xin hỏi luật sư, công ty quy định như vậy có đúng không ? Nếu không đúng thì chúng tôi sẽ được ai bảo vệ quyền lợi ?
Xin cảm ơn luật sư!
Theo quy định tại khoản 1, Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày. Do đó, việc công ty tổ chức cho cán bộ nhân viên làm việc 12 giờ/1 ngày là vượt quá thời gian làm việc bình thường của người lao động. Khoảng thời gian làm việc vượt quá thời gian làm việc bình thường trong vụ việc này là 4 giờ/1 ngày được gọi là thời gian làm thêm giờ. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 thì “số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày”. Do đó, công ty quy định thời giờ làm việc là 12 giờ/1 ngày là đã bao gồm thời gian làm việc bình thường và thời gian người lao động làm thêm giờ, quy định này sẽ phù hợp với quy định pháp luật, nếu đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Được sự đồng ý của người lao động về việc làm thêm 4 giờ/1 ngày (điểm a, khoản 2, Điều 106, Bộ luật lao động năm 2012)
(2) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. (điểm a, khoản 3 Điều 4, Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013).
Về quyền lợi của người lao động
Trong trường hợp công ty bạn đáp ứng được các điều kiện trên thì đối với khoảng thời gian làm thêm 4 giờ/1 ngày, công ty bạn phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định tại Điều 97, Bộ luật lao động năm 2012, cụ thể:
(1) Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
(3) Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại mục 1 và mục 2 nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Hơn nữa, nếu công ty cho rằng việc người lao động làm thêm 4 giờ/1 ca là thời gian nghỉ ngơi tại chỗ thì trong trường hợp này, người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi về làm thêm giờ bởi theo quy định pháp luật việc nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc và pháp luật cũng chỉ quy định mức thời gian tối thiếu mà không quy định mức thời gian tối đa mà người lao động được nghỉ giữa giờ, cụ thể, Điều 108, Bộ luật lao động quy định:
“Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.”
Trân trọng!