Làm việc đêm, người lao động được tính lương thế nào?

(PLO) - Một trong những nội dung mới của Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) là quy định về tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm. Tuy nhiên, từ khi BLLĐ có hiệu lực (ngày 1/5/2013) cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này. 
Làm việc đêm, người lao động được tính lương thế nào?
Bộ luật Lao động cũ quy định tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được quy định tại Điều 61. Theo Thông tư 13/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy định trên thì đối với lao động trả lương theo thời gian (trả lương theo tháng, tuần, ngày, giờ), tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính bằng tiền lương giờ thực trả nhân với 150, 200 hoặc 300% và nhân với số giờ làm thêm vào ban đêm.
Trong đó, tiền lương giờ thực trả được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả của tháng mà người lao động làm thêm giờ (trừ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác không có tính chất lương) chia cho số giờ thực tế làm việc trong tháng (không kể số giờ làm thêm).
Với Bộ luật Lao động hiện hành, cách tính trên đã có sự thay đổi, cụ thể hơn nhằm phù hợp điều kiện hiện nay và có lợi cho người lao động hơn. Theo Điều 97 BLLĐ hiện hành, người lao động làm thêm giờ được trả lương như sau: 
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Ngoài ra, Bộ luật này quy định, người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. 
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Như đã biết, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động (Khoản 1 Điều 106 BLLĐ). Làm việc vào ban đêm là làm việc trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau (Điều 105 BLLĐ). 
Như vậy, làm thêm giờ trong khoàng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau là làm thêm giờ vào ban đêm. Để tính lương làm thêm giờ vào ban đêm cho người lao động, trước hết cần tính trong một giờ làm thêm vào ban đêm, người lao động được trả bao nhiêu, sau đó nhân với số giờ làm thêm.
Lấy trường hợp làm thêm vào ban đêm ngày thường, hiện nay có một số cách hiểu và cách tính. Nếu gọi “L” là đơn giá tiền lương (hay tiền lương giờ thực trả theo cách gọi của Thông tư 13/2003/TT-BLDTBXH) thì tiền lương làm thêm vào ban đêm vào ngày thường trong một giờ có thể được tính (ít nhất) theo một trong các cách sau đây:
Cách 1: Theo điểm a khoản 1 Điều 97 BLLĐ (làm thêm giờ vào ngày thường), người lao động được hưởng L x 150%; theo khoản 2 Điều 97 BLLĐ (làm việc vào ban đêm), người lao động được hưởng thêm: L x 30%. Theo khoản 3 Điều 97 BLLĐ (làm thêm giờ vào ban đêm), người lao động được hưởng thêm: L x 20%. Như vậy, theo cách hiểu này, 01 giờ làm thêm vào ban đêm của người lao động được tính lương là: (L x 150%) + (L x 30%) + (L x 20%). Cách tính này cho ra kết quả 01 giờ làm thêm vào ban đêm vào ngày thường tương đương 200% đơn giá tiền lương: L x 200%.
Cách 2: Dựa theo hướng dẫn của Thông tư 13/2003/TT-BLĐTBXH nêu trên, “áp dụng tương tự” vào Điều 97 BLLĐ hiện hành thì tiền lương làm thêm vào ban đêm vào ngày thường trong 01 giờ được tính theo công thức: L x 120% x 130% x 150%. Cách tính này này cho ra kết quả 01 giờ làm thêm vào ban đêm vào ngày thường tương đương 234% đơn giá tiền lương: L x 234%.
Cách 3: Vẫn dựa theo hướng dẫn của Thông tư 13/2003/TT-BLĐTBXH, có được công thức tương ứng với khoản 1 và khoản 2 Điều 97 BLLĐ mới: L x 130% x 150%. Theo khoản 3 Điều 97 BLLĐ, người lao động được tính thêm L x 20%. Do đó, tiền lương làm thêm trong 01 giờ vào ban đêm vào ngày thường là: L x 130% x 150% + (L x 20%). Cách tính này này cho ra kết quả 01 giờ làm thêm vào ban đêm vào ngày thường tương đương 215% đơn giá tiền lương: L x 215%.
Cách 4: Cách này phân tích cách tính của hướng dẫn của Thông tư 13/2003/TT-BLĐTBXH để vận dụng tính theo quy định mới. Sở dĩ Thông tư 13/2003/TT-BLĐTBXH đưa ra công thức tính lương làm thêm vào ban đêm (trong 01 giờ) là L x 130% x 150% là bắt nguồn từ công thức: (L + L x 30%) x 150%, trong đó (L + L x 30%) (tương đương: L x 130%) tương ứng với quy định tại khoản 2 Điều 61 BLLĐ cũ: “người lao động làm việc vào ban đêm quy định tại Điều 70 của Bộ luật này, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương”, sau đó mới nhân tiếp 150% hoặc 200% hoặc 300% theo khoản 1 Điều 61 BLLĐ cũ.
Với cách tính này, theo BLLĐ mới, tiền lương làm thêm trong 01 giờ vào ban đêm vào ngày thường là: (L + L x 20% + L x 30%) x 150% = L x 150% x 150%. Công thức này có một số biến thể như: L x 130% x 150% + (L x 20% x 150%) = (L x 150%) +  (L x 150% x 30%) + (L x 150% x 20%). Cách tính này này cho ra kết quả 01 giờ làm thêm vào ban đêm vào ngày thường tương đương 225% đơn giá tiền lương: L x 225%.
Trong các cách tính trên, cách tính thứ tư là hợp lý hơn cả, phù hợp với tinh thần của Thông tư 13/2003/TT-BLĐTBXH về cách tính lương làm thêm vào ban đêm cho người lao động. Theo đó, công thức chung để tính lương làm thêm vào ban đêm cho người lao động có thể được tính bằng cách lấy tiền lương giờ thực trả nhân với 50%, tiếp tục nhân với 150% hoặc 200, hoặc 300% và cuối cùng nhân với số giờ làm thêm vào ban đêm.
Tuy nhiên, các cách tính trên chỉ mang tính chất tham khảo và mang tính tạm thời vì chưa có hướng dẫn chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã bị “vướng” ở chuyện tính tiền làm thêm ban đêm cho người lao động sao cho đúng, cho hợp lý. 
Để tránh lúng túng trong việc trả lương cho người lao động làm thêm vào ban đêm, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động, người sử dụng lao động có thể lựa chọn cách tính phù hợp nhất (có thể là cách thứ tư nêu trên) để tạm tính cho người lao động và thông tin rõ cho người lao động biết cách tính đó chỉ là tạm tính trong thời gian chờ hướng dẫn chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, khi có hướng dẫn chính thức sẽ xem xét lại. 
Về phía các cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và xã hội), cần sớm ban hành hướng dẫn về vấn đề này áp dụng thống nhất, sớm đưa pháp luật vào đời sống.