Sau mỗi cuộc vui ngả nghiêng sặc mùi bia rượu, T.N kiếm được bộn tiền. Thế nhưng những đồng tiền ấy lại nhanh chóng “trả địa”. Chỉ đến khi nếm đủ mùi đời, nhan sắc phai tàn, N.T mới vội vàng hoàn lương.
Quyết trả thù mẹ
Tôi có người bạn thân tên Minh Thy (Thái Nguyên), học cùng đại học. Sau khi ra trường, mỗi theo đuổi một con đường riêng. 5 năm sau ngày ra trường, tình cờ tôi gặp lại Minh Thy. Qua vài lần café, đến chỗ ở của Minh Thy, tôi gặp T.N. Mỗi khi tôi đến, T.N lại ra góp chuyện.
Qua lời Minh Thy, tôi được biết T.N từng là vũ nữ thoát y tại một quán bar trên một con phố khá sầm uất của Sài Gòn hoa lệ. Sau khi nếm đủ mùi cay đắng, tủi nhục trong nghề đồng thời cũng trở thành “gương mặt cũ”, hết thời, không được khách làng chơi ưu ái, T.N dạt ra Hà Nội. Tại đây, ngoài việc biểu diễn thoát y trong quán bar, karaoke VIP, T.N còn “đi khách” nếu khách có nhu cầu…
Trong một ngày mưa buồn, T.N kể cho tôi nghe về quãng đời lầm lỗi của mình. Vừa dốc ngược ly rượu mạnh cô vừa cay đắng nói: “Em sa đọa vì muốn có nhiều tiền để trả thù người mẹ đã sinh ra mình”. Giọng nói như nghẹn lại trong cổ, T.N tiếp lời: “Em sinh năm 1990, ở một làng quê nghèo cách TP.Thái Nguyên vài chục km. Gia đình em nghèo đến nỗi cơm không có mà ăn. Cái nghèo khiến mẹ em thay đổi. Vừa sinh em được 6 tháng, mẹ nhẫn tâm bỏ hai bố con để đi theo một người đàn ông giàu có. Nhìn em “ngon” như này nhưng em “mù chữ” vì không được học hết cấp một”.
Nhìn ánh mắt ngỡ ngàng của tôi, T.N cười. Đó là nụ cười chứa đầy đau khổ. Bởi T.N gần như không có tuổi thơ. Từ ngày mẹ T.N bỏ đi, bố cô chỉ biết tìm đến rượu để giải sầu. Khi nỗi đau nguôi ngoai, bố T.N cưới vợ hai. “Khác máu tanh lòng”, người mẹ kế lúc nào cũng tìm cách đánh đập, hạ nhục cô trước mặt cha cô. Thế nên, khi nghe cô đòi theo chúng bạn đến trường, người mẹ kế hậm hực vì sợ tốn tiền. Hết lớp 3, T.N phải nghỉ học ở nhà vì: "Con gái học cũng không được tích sự gì, rồi cũng theo chân mẹ mày làm đĩ thôi…".
“Không biết việc em theo dì em là may mắn hay đau khổ nữa. Bởi ngày hôm nay của em một phần do tay dì “dìu dắt”, đưa đẩy. Sống trong nghèo, hèn, bị cha, mẹ kế trì triết, chửi rủa, em hận mẹ em lắm. Nỗi khổ của em là do mẹ mang lại. Vì tiền mà mẹ nhẫn tâm bỏ em đi. Thế nên, em luôn có suy nghĩ phải kiếm thật nhiều tiền bằng mọi giá để không ai có thể khinh mình và cũng là trả thù mẹ. Bởi em tin có ngày bà ấy sẽ quay về”, T.N tâm sự.
14 tuổi, với mấy bộ quần áo cũ kỹ, T.N theo dì vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, T.N được dì (làm nghề vũ nữ) mua cho quần áo, dạy cách làm đẹp, ca hát, múa cột… Sau vài tháng đào tạo, T.N được người dì đưa vào những điểm kiếm tiền quen của bà. Nhờ có chút nhan sắc, T. N nhanh chóng làm quen được nhiều đại gia và có cơ hội kiếm bộn tiền như mong muốn.
Bước sang tuổi 16, T.N quen người đàn ông hơn cô 20 tuổi, là giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu, đã có vợ và 2 con. Kể với tôi chuyện này, T.N vẫn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc vì được bán “cái ngàn vàng” cho người mình yêu với giá 50 triệu đồng. Sau đó, T.N trở thành tình nhân của anh chàng giám đốc.
Thế nhưng số tiền bao hàng tháng quá ít so với tiền kiếm từ nghề múa thoát y, T.N quay trở lại nghề vũ nữ thoát y. Ban đầu, T.N chỉ múa tại các quán karaoke dưới sự bảo kê của chủ nhà hàng. Khi đã biết “bắt mối” các vũ nữ khác, cô đi biểu diễn riêng lẻ bên ngoài theo đơn đặt hàng. Trong những lần ấy, nhiều lần cô đi chơi qua đêm. Tuy nhiên, cô vẫn giấu người tình thân phận vũ nữ của mình. Trớ trêu thay, trong một lần “hành nghề” cô đã bị người tình phát hiện. Sau lần ấy, người tình cắt đứt viện trợ cũng như liên lạc với cô.
Không còn ai ngăn cấm, cô lao theo “con dốc” lầm lỡ và ngày càng lún sâu xuống bùn lầy. Sau mỗi show biểu diễn múa thoát y, chỉ cần khách có nhu cầu, cô sẵn sàng over night (qua đêm) với khách. Bất kể già hay trẻ, miễn nhiều tiền là cô đi. Có lần đi “đập đá” cùng đám bỏ nhà “đi dạt”, tỉnh dậy cô thấy trên người không còn mảnh vải che thân. Khi đó, cô mơ hồ nhớ lại lúc phê thuốc, bọn chúng đã thay nhau quan hệ tập thể với cô cùng mấy cô gái khác.
Kể xong quãng đời trụy lạc ấy, T.N buông tiếng thở dài: “Khi biết em sa đọa quá mức, dì em cũng quát mắng nhiều. Nhưng ngăn sao được khi thói ăn chơi đã nhiễm vào máu. Bên cạnh đó, nỗi hận người mẹ vẫn khôn nguôi, em chưa kiếm được nhiều tiền nên em chưa dừng lại. Em muốn hủy hoại bản thân để khi gặp lại bà ấy phải hối hận, phải đau khổ và dằn vặt cả đời”.
Để một phương... lấy chồng
Khi nhan sắc phai tàn, trở thành “gương mặt cũ”, T.N rời Sài Thành, ra Hà Nội sinh sống. Tại đây, người dì của T.N xin cho cô một chân bán quần áo chỗ người quen với lương “ba cọc ba đồng”. Làm được gần hai tháng, T.N xin nghỉ, trở lại với nghề múa thoát y “hái” ra tiền.
Chẳng mất nhiều thời gian, T.N “bắt sóng” được đám dân chơi Hà thành. Thấy cô lạ, chúng thích thú kết bạn, đưa cô vào những điểm ăn chơi nổi tiếng. Với cô, đêm là ngày, ngày chỉ được dùng để ngủ. Sau 5 tháng thâm nhập chốn ăn chơi đất Hà thành, T.N quen thân với mấy tay “anh chị” và được họ hướng dẫn nhiệt tình thủ thuật “móc túi” các đại gia.
Thế nhưng cũng chính trong thời gian ở Hà thành, T.N nhận ra sự cô đơn, con đường mình đang đi là đường cụt. Bởi sau ánh đèn, tiếng nhạc chat chúa, những người đàn ông đi qua đời cô đếm không hết nhưng không ai để lại cho cô dấu vết của sự yêu thương. Tất cả tìm đến cô chỉ để thỏa mãn nhu cầu xác thịt, không ai yêu thương cô thật lòng.
“Biết sự thật phũ phàng là thế, nhưng em vẫn theo lao. Chỉ đến khi chứng kiến và nghe những cái kết buồn cho phận vũ nữ của những người em biết và chứng kiến hạnh phúc trên con đường hoàn lương của dì ruột, người đã đưa em vào “đời”, em mới quyết định bỏ nghề.
Lí do T.N đưa ra khiến tôi giật mình. Đó là dù là gái bán hoa hay vũ nữ thoát y, ai cũng cần một tấm chồng, không thể sống một mình mãi được. Khi còn xuân sắc, những vũ nữ sẽ được yêu chiều nhưng khi hết “đát” (quá tuổi) sẽ chẳng còn ai đưa đón và cũng chẳng còn sức cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Rồi T.N “bật mí” cách giấu quá khứ đen tối. Đó là tỏ ra ngoan ngoãn, nai tơ và phải tìm những anh chồng chỉ biết chăm chỉ làm ăn, không biết đến những thú chơi sa đọa của xã hội. Đó có thể là chàng công nhân, nông dân ở quê…