Lan rừng đổ bộ về phố dịp cuối năm

(PLO) - Những cây lan được các thanh niên trai bản khỏe mạnh hái về sau một chuyến hành trình dài vất vả, nguy hiểm, băng rừng lội suối khắp đại ngàn Trường Sơn, thậm chí phải sang tận những cánh rừng trên đất Lào để tìm kiếm, nay tiếp tục theo chân người phụ nữ Vân Kiều về với phố thị để bán mưu sinh.
Lan rừng được bày bán ở Công viên Lê Duẩn
Lan rừng được bày bán ở Công viên Lê Duẩn 
Mang hoa xuống phố 
Những ngày này, đoạn đường Lê Quý Đôn ở Công viên Lê Duẩn (TP Đông Hà, Quảng Trị) trở nên nhộn nhịp hẳn bởi sự ghé thăm của những tín đồ mê cây kiểng, khi trên vỉa hè tuyến phố chợt xuất hiện một “chợ lan rừng” được bày bán.
Hơn 7h sáng, khi thành phố vừa trở mình thức giấc chào đón ngày mới với những thanh âm quen thuộc của chốn thị thành thì cũng là lúc những người phụ nữ Vân Kiều đã có mặt tại đây, trên vai gùi theo những chiếc bao tải lớn chất đầy các loại lan rừng, tay xách theo giỏ đựng cơm đùm, nước bới nhanh chóng tỏa xuống con phố nhỏ. 
Đặt vội gùi cây xuống, họ lại thoăn thoắt đôi tay sắp xếp các loại lan theo những vị trí khác nhau để khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Có mặt trong buổi chợ hôm nay, bà Hồ Thị Mo (65 tuổi, ở làng Cát, xã Đắkrông, huyện Đắkrông) vừa tháo dở bó lan vừa giới thiệu: “Hôm nay mẹ có lan màu cam, loài này nở hoa đẹp và thơm lắm”. Rồi trải các cây lan xuống nền, bà Mo lại chỉ trỏ: đây là Tế Trâu, Cánh Gà, Càng Cua, Chân Vịt, Sóc Lào, Lan Điệp... 
Kế gần bên, bà Hồ Thị Ưng, một người từng gắn bó nhiều năm với nghề hái lan rừng, nay vì sức khỏe đã yếu bà chuyển sang việc bán lan thuê cho các đoàn ở trong bản cho biết thêm: “Trung bình các gánh lan rừng ở đây được bán với giá dao động từ 30 - 250 nghìn đồng/cây. Trong đó Tế Trâu có giá chỉ 30 nghìn đồng/cây, còn Cánh Gà thì bán giá cao hơn rất nhiều, phải từ 200 nghìn đồng/cây trở lên”. 
Mớ lan rừng vừa được đặt xuống, rất nhiều người đã đổ xô đến xem. Có lẽ chính bởi mang vẻ đẹp tự nhiên, ra hoa đúng mùa, hoa nở dài ngày và mùi hương rất đặc trưng mà lan rừng có sức hút và kích thích khách ghé thăm đến vậy. 
Nét đặc trưng này đã khiến cho những vị khách khó tính nhất cũng cảm thấy hài lòng. Thêm vào đó là sự thẳng thắn của người vùng cao trong buôn bán không có thói quen hét giá như người dưới xuôi nên chẳng mấy chốc gần 2 bao tải lan đã theo chân các khách hàng đi về muôn nẻo.
Ông Lê Văn Toàn (50 tuổi, phường 5, TP Đông Hà) tươi cười cho biết: “Tôi đi ngang qua thấy nhiều loài lan đẹp quá nên tranh thủ tạt vào xem thử. Công nhận giá lan ở đây bán rẻ thật. Tôi mua ngần này mà chỉ có 290 nghìn đồng thôi”. 
Theo ông Toàn, các dòng lan tự nhiên này tuy màu sắc không đẹp như lan lai, ghép ở các vườn ươm nhưng lại rất có giá trị và được người chơi ưa chuộng hướng đến. Tuy thế, công tác chăm sóc và gìn giữ loại lan tự nhiên không phải là điều đơn giản. 
Trung bình cứ 10 giò lan được mọi người mua về trồng thì có đến 3 giò lan sẽ bị chết, đó cũng chính là một nguy cơ làm tận diệt nguồn lan.
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Theo lời kể của những phụ nữ dân tộc thiểu số trong buổi chợ, để có được những cây lan mang về bán đó là một cuộc hành trình gian khổ với những chuyến đi kéo dài từ 5 đến 10 ngày giữa rừng sâu, núi cao mà chỉ những người giàu kinh nghiệm về nghề này hay thanh niên trai tráng mới có đủ sức khỏe để tiến hành công việc nặng nhọc ấy. 
Bà con phải chuẩn bị nhiều thứ như dây thừng, dao, rựa, bao tải, đèn pin, lương thực, nước uống... và không quên mang theo một bình rượu để chống lại cái giá rét ở rừng sâu.
Do nhu cầu thị trường, những năm gần đây số người trong các bản ở hai huyện Đắkrông và Hướng Hóa đi lấy lan rừng cũng nhiều lên. Chỉ tính riêng một xã ở đây cũng có trên trăm người làm nghề hái lan rừng. Kết thúc một cuộc săn lan, bà con ở đây cũng chỉ thu về được vài ba triệu.
Bà Hồ Thị Mịn (52 tuổi, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa) cho hay: “Nói chung nghề hái lan rừng như mẹ đều khổ lắm, toàn bị rắn cắn, muỗi đốt hay ngã cây thôi... Một chuyến đi rừng gần cả tuần thậm chí còn mang thương tật nhưng cũng chỉ kiếm được vài trăm đến chưa đầy 2 triệu đồng. 
Trừ tiền xe, mỗi lần đi về hết 120 ngàn đồng thì đợi 2 ngày chợ bán hết số lan cũng tiêu ngót 3 trăm ngàn tiền thuê xe và ăn uống. 
Năm trước mẹ bán ở TP Huế, năm nay thì về TP Đông Hà bán. Nhà mẹ có 7 miệng ăn cũng chỉ biết trông chờ vào gùi lan này. Nếu hôm nay bán hoa xong sớm thì mẹ đi mua ít gạo với mì tôm và một vài thứ thức ăn ở dưới này, còn không thì đợi chuyến sau có hoa về bán rồi mua luôn một thể”.
Dẫu biết việc khai thác ồ ạt loài cây cảnh giá trị này sẽ làm cho nhiều giống lan rơi vào tuyệt chủng và phá hủy môi trường tự nhiên cũng như sự cân bằng sinh thái, thế nhưng nhìn bóng dáng những người phụ nữ gầy gò tay xách nách mang những gùi cây lớn, chỉ mong đổi lấy bữa ăn và đồng tiền trang trải cho gia đình thì ai nấy cũng đều dấy lên nỗi xót xa. 
Rồi đây, lan rừng cũng đâu còn nhiều cho họ tìm kiếm nữa. Vòng tròn luẩn quẩn kiếm cơm với các nghề tạm bợ ấy biết khi nào mới cải thiện được cuộc sống cho rất nhiều hộ dân ở xứ vùng cao Quảng Trị nếu không có một nguồn thu nhập cố định trong tay. 

Đọc thêm