Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Năm 2020 thành công hơn 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt”.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, không thể không tự hào, năm 2020 góp phần làm nên những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khoá XII và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới. Cần nhắc lại, năm 2020 và 5 năm qua kinh tế xã hội phát triển không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Cụ thể, Việt Nam tăng 27 bậc về phòng chống tham nhũng; không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm.
Mặc dù vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở “tuyệt đối không được chủ quan” vì nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Vì vậy, cần đổi mới phong cách làm việc để chấn chỉnh nạn quan liêu, giấy tờ...
Chính phủ đã xác định chủ đề của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển” và yêu cầu các bộ ngành, địa phương hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.
Tinh thần của năm 2021, là ngay từ đầu năm bắt tay vào công việc ngay, không chần chừ, bởi không có tâm huyết, quyết tâm vượt khó thì không thành công. Thủ tướng yêu cầu, xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng vì không chỉ đảm bảo phát triển vững chắc mà còn đảm bảo việc làm, thu nhập, chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. Các địa phương phải đặt mức phấn đấu cao hơn để đưa đất nước tiến cao hơn trong thực hiện mục tiêu kép. Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt số lượng với chất lượng, gắn với mô hình tăng trưởng. Các cấp, các ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII với 3 đột phá chiến lược, trong đó thể chế là yếu tố nền tảng, là điều kiện tiên quyết.
“Chính chúng ta, từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt để vùng lên phát triển bền vững. Một tinh thần là không để người dân, doanh nghiệp, quốc tế mất niềm tin vào Chính phủ, vào Bộ trưởng, vào Bí thư, Chủ tịch các tỉnh thành”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, các “Tư lệnh ngành” không được im lặng với đề nghị của các địa phương. Các bộ ngành, địa phương thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh, không văn bản qua, giấy tờ lại, mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh. Bao giờ cũng thế, để thành công phải quyết tâm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, khát vọng hùng cường trong xây dựng đất nước. Từ đó lãnh đạo đến người dân, lan tỏa ra toàn xã hội.