Lan tỏa tình yêu ca trù tới thế hệ trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cứ vào mùng 1 âm lịch hàng tháng, tại đình An Biên (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), khán giả lại được lắng nghe âm thanh tiếng đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa của các ca nương trong Câu lạc bộ hát ả đào Ca trù xứ Đông quận Lê Chân.
Cứ mùng 1 âm lịch hàng tháng, những người đam mê âm nhạc dân tộc lại được thưởng thức các canh hát ca trù tại ngôi đình An Biên cổ kính, linh thiêng, nơi thờ Nữ tướng quốc - Thánh mẫu Lê Chân.
Cứ mùng 1 âm lịch hàng tháng, những người đam mê âm nhạc dân tộc lại được thưởng thức các canh hát ca trù tại ngôi đình An Biên cổ kính, linh thiêng, nơi thờ Nữ tướng quốc - Thánh mẫu Lê Chân.

Từng là giáo phường ca trù lớn trong vùng

Ca trù hay còn gọi là hát cửa đình, hát cửa quyền hay nói một cách dễ hiểu, đây là một hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong mỗi dịp tế lễ thần thánh ở các đền hay đình làng và trở thành một nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Ca trù ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, còn có chức năng văn hóa xã hội như dùng để hát thi, hát chơi, hát mừng thọ, đón tiếp sứ giả nước ngoài, tế lễ. Lối hát này xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ XI và đến thế kỷ thứ XV thì ca trù phát triển thịnh hành được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc. Tháng 10/2009, ca trù được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ thuật ca trù thể hiện chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của cộng đồng người Việt. Nói đến ca trù Hải Phòng phải nói tới làng Đông Môn, xã Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên). Vùng đất này không chỉ có Phủ Từ thờ tổ nghề ca trù mà còn từng là một giáo phường ca trù lớn trong vùng với những kép đàn, ca nương nổi tiếng như cụ Tô Tiến, cụ Phạm Thị Hợp, cụ Hội Thị...

Song, đã có một khoảng thời gian ca trù tại Hải Phòng bị mai một, thậm chí bị quên lãng thời gian dài. Đến năm 1985, Hải Phòng chủ trương sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật ca trù nhưng chưa có cơ chế bảo tồn, nên chưa khôi phục được nghệ thuật độc đáo này. Nhận thấy ca trù đứng trước nguy cơ mai một, một số nghệ nhân gạo cội, tâm huyết đã lập Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng vào năm 1993. Dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, địa điểm hoạt động, nhưng câu lạc bộ vẫn bền bỉ duy trì để tìm người dạy, người học.

Với mục đích nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy và phát triển di sản văn hoá, văn nghệ, di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong lĩnh vực hát ả đào ca trù, tháng 7/2023, UBND quận Lê Chân thành lập Câu lạc bộ hát ả đào Ca trù xứ Đông quận Lê Chân với sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân, người yêu ca trù. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay Câu lạc bộ luôn duy trì đều đặn các canh hát tại đình An Biên vào các ngày mồng một âm lịch hàng tháng.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Khoa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông quận Lê Chân chia sẻ, ca trù có tính chiều sâu, là một trong những bộ môn nghệ thuật ra đời sớm trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu khẳng định ca trù là một loại âm nhạc hàn lâm mang tính “bác học”, tính nghệ thuật cao, đòi hòi người hát ca trù vừa hát, tay vừa phải đập phách, tiếng phách tạo nên tính nghệ thuật. Hay theo nhà nghiên cứu Phương Tây, ca trù là một trong những thể loại thính phòng dân gian, đặc trưng của người Việt Nam. Độc đáo của ca trù không chỉ là lối hát, buông câu nhả chữ mà còn từ nhạc khí như cỗ phách, trống chầu và đặc biệt là cây đàn đáy. Chính nét độc đáo của các nhạc khí đó tạo nên sự đặc trưng của nghệ thuật ca trù không lẫn với bất cứ một thể loại nghệ thuật dân gian nào của Việt Nam hay của thế giới.

Ngày nay, nghệ thuật ca trù đang đứng trước nguy cơ mai một dần bởi lẽ giới trẻ hiện đại quen thưởng thức loại hình âm nhạc mới mẻ, trẻ trung. Bên cạnh đó cũng có rất ít người nghe hoặc rất ít nghệ sĩ nào theo nghề hát ca trù truyền thống. “Ngày xưa, ca trù là nghề kiếm sống, chính vì vậy nó tạo động lực cho người học. Nhưng đến bây giờ, để một người theo học ca trù cần có sự đam mê”, nghệ nhân Hoàng Khoa cho hay.

Việc thành lập Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông quận Lê Chân, bên cạnh việc thể hiện sự đam mê của các nghệ nhân với nghệ thuật truyền thống ca trù, các thành viên Câu lạc bộ luôn mong muốn bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc bằng hình thức truyền dạy bộ môn nghệ thuật truyền thống này cho các em học sinh. Ca trù sẽ được các em biết đến, yêu thích, hiểu và tự hào về nét đẹp và giá trị văn hóa của dân tộc.

Lan tỏa nghệ thuật truyền thống tới thế hệ trẻ

Nhằm đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, đưa thế hệ trẻ đến gần hơn với ca trù, vừa qua, tại đình An Biên, Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông quận Lê Chân đã tổ chức khai giảng Lớp truyền dạy ca trù và hát dân ca khóa I. Với mong muốn truyền giảng những giá trị tốt đẹp tới thế hệ trẻ qua nghệ thuật truyền thống, Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông phối hợp với Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố mở Câu lạc bộ học các môn nghệ thuật hát ca trù, hát văn, hát chèo… tại trường.

Lớp học khóa I thu hút sự tham gia của 40 em học sinh, trong đó 15 em học hát, 15 em học múa và 10 em học trống chầu. Lớp sẽ học vào buổi chiều từ 4h - 6h, 2 buổi/tuần. Trong quá trình học tập, các em học sinh sẽ được các nghệ nhân, các nghệ sĩ và các thầy cô có chuyên môn trong từng lĩnh vực trực tiếp giảng dạy và giúp các em cảm thụ được sâu sắc hơn về nghệ thuật truyền thống.

Ông Phạm Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho biết, ca trù là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ca trù từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc, là kiệt tác di sản văn hoá truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Hiện nay vấn đề bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc, trong đó có ca trù luôn gặp rất nhiều khó khăn. Với giá trị là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại nên việc bảo tồn ca trù là hết sức cần thiết, quận Lê Chân đã và đang thực hiện bằng nhiều hình thức: Thành lập Câu lạc bộ ca trù hát ả đào xứ Đông thuộc Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao quận Lê Chân; Tổ chức biểu diễn cho nhân dân thưởng thức vào tối ngày 1 âm lịch hàng tháng tại đình An Biên - nơi thờ Nữ tướng Lê Chân. Đồng thời, đưa bộ môn nghệ thuật ca trù vào trường học, truyền giảng những giá trị tốt đẹp tới các thế hệ trẻ qua môn nghệ thuật truyền thống và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố là một trong những đơn vị đi đầu trong việc bảo tồn nghệ thuật ca trù.

Sẽ đưa ca trù vào trường học, nâng cao đời sống nghệ nhân

Theo lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng, từ nhiều năm nay, nghệ thuật trình diễn, truyền dạy ca trù tại Hải Phòng đã được UBND thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, khuyến khích để các giáo phường, các câu lạc bộ, các nghệ nhân ca trù hoạt động, phát triển thông qua các hội thi, hội diễn, qua truyền dạy cũng như qua hoạt động của các câu lạc bộ, các giáo phường ca trù tại Hải Phòng. Đến nay, nhiều câu lạc bộ, giáo phường ca trù Hải Phòng được thành lập, hoạt động tích cực, phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Thời gian tới, bên cạnh các chế độ đãi ngộ các nghệ nhân, Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng sẽ tiếp tục kết nối ngành Giáo dục và Đào tạo đưa ca trù vào trường học nhiều hơn. Đồng thời, Sở phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và các doanh nghiệp tổ chức các canh hát ca trù, góp phần phát triển, quảng bá nghệ thuật ca trù và nâng cao đời sống cho các nghệ nhân.