Đô thị hóa xâm lấn làng biển
Trong xu hướng tìm kiếm không gian sinh sống mới, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã ồ ạt kéo nhau về các vùng ven biển, xây dựng thiếu quy hoạch, ngó lơ tiềm năng phát triển lâu dài và tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt bao đời của người dân nơi đây. Điển hình là các mô hình đất nền biệt thự nằm sát biển, bể bơi, sân golf, nhà cao tầng… đang ngày càng mọc lên như nấm tại các vùng biển.
Đặc biệt, mô hình đô thị biển đang được rất nhiều người quan tâm bởi hướng nhìn biển thoáng đãng, cảnh quan rộng mở, không khí trong lành. Người dân dễ dàng di chuyển đến nơi làm việc, được thụ hưởng nhiều dịch vụ như giải trí, điểm ăn uống, tham quan, thư giãn… Điều này có thể tạo ra không gian sống mới, một mặt làm thay đổi bộ mặt vùng biển, nhưng trái lại, tác động tiêu cực đến không gian làng biển.
Đô thị hóa mở rộng về vùng biển cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp không gian làng xã – yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống của làng biển. Như hiện nay, thực trạng này đang diễn ra tại tỉnh Quảng Nam. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam ưu tiên phát triển kinh tế biển. Một số dự án bắt đầu hình thành mang lại thu nhập đáng kể, thay đổi cuộc sống người dân ven biển.
Đi cùng với những dự án lớn đang được xây dựng là hàng nghìn ha đất bị thu hồi, nhiều làng chài ven biển được sắp xếp lại, không gian sống của văn hóa làng biển theo đó cũng thu hẹp dần. Tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng đến công tác gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, bảo vệ, phát huy di sản tinh thần cho nhân dân vùng ven biển. Tuy nhiên hiện nay, văn hóa vùng biển Quảng Nam đang ngày càng chịu sức ép nặng nề về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và các lợi ích khác.
Kiến trúc ở các làng chài cũng đang đối mặt nguy cơ bị mai một do sự ồ ạt xây dựng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn,... |
Mặt khác, công việc chính xưa nay của người dân ven biển thường gắn với “con thuyền sóng nước”, cũng nhờ đó mà họ thường tôn thờ những vị thần đại diện cho biển cả, cho tự nhiên, tạo nên những lễ hội thờ thần truyền thống mang nét đặc sắc rất riêng của vùng biển.
Tuy nhiên, khi đô thị hóa dịch chuyển về các vùng này, cơ cấu kinh tế khu vực sẽ có sự thay đổi lớn, khu vực công nghiệp và dịch vụ trở nên thu hút lao động hơn nhờ mức lương hấp dẫn và ít rủi ro hơn.
Vì vậy, một bộ phận không nhỏ người dân ven biển bỏ nghề chài lưới để tìm những công việc ổn định, an toàn hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho không gian văn hóa làng biển đứng trước nguy cơ bị đánh mất. Còn cộng đồng tức là còn di sản, bởi vậy, nếu cộng đồng ngư dân ven biển dần xa rời giá trị truyền thống của cha ông thì việc không gian văn hóa làng biển biến mất sẽ diễn ra nhanh chóng.
Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành lại đang loay hoay trong việc phát triển quy hoạch đô thị ở các vùng biển. Ồ ạt kéo về vùng biển để xây dựng các trung tâm quy mô lớn nhưng không tính đến sự phát triển bền vững đã khiến cho nhiều trung tâm không khác các khu “chợ” rìa thành phố là mấy.
Điển hình như tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, các công trình cao tầng mọc lên như nấm quay mặt về hướng biển đang tạo ra sự hỗn loạn trong quy hoạch. Trong thời gian 10 năm, khu vực này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, Đà Nẵng cũng đã yêu cầu tháo dỡ các công trình, nhà hàng xây dựng không phép hoặc hết thời hạn để thông thoáng cảnh quan bờ biển. Tuy nhiên, việc mất đi không gian làng biển ở khu vực này là điều chắc chắn và rất khó có thể hồi phục lại nguyên trạng ban đầu.
Theo TS. Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học, quá trình đô thị hóa diễn ra ào ạt trên diện rộng, nóng vội, đốt cháy giai đoạn - mà các nhà khoa học gọi đó là “đô thị hóa cưỡng bức” - đã khiến người dân bị “sốc” vì không kịp thích ứng, chuyển mình với môi trường sống mới.
Cách làm nôn nóng, làm bằng được mà quên đi các giá trị nhân văn đã làm cho nhiều làng xã bị biến dạng nghiêm trọng về cảnh quan, không gian truyền thống, khiến cho vùng ven biển trở nên hỗn độn, mất dần những giá trị văn hóa xưa của cha ông. Đây là nguy cơ mà nhiều vùng ven biển nước ta hiện nay đang phải đối mặt.
Phát triển kinh tế biển gắn với gìn giữ văn hóa
Từ thuở lập nước đến nay, biển đã trở thành một phần quan trọng trong việc hình thành không gian sống cũng như tính cách, nếp sống của một bộ phận người Việt ta, góp phần lớn trong việc định hình không gian làng biển.
Người dân vùng ven biển đã gắn liền với nghề chài lưới, mưu sinh nơi vùng nước mặn, các thế hệ nối tiếp nhau dần hình thành nên những phong tục, tập quán riêng vùng miền biển. Bởi vậy, việc gìn giữ không gian văn hóa làng biển là nhiệm vụ song hành cùng với việc phát triển kinh tế biển.
Giá trị không gian làng biển vốn là văn hóa phi vật thể được tổng hòa từ nhiều yếu tố, không chỉ từ những lễ hội như thờ Ngư ông, thờ biển cả mà còn gắn với phong tục sinh hoạt, lối sống của người dân nơi đây.
Các lễ hội truyền thống là một phần quan trọng trong không gian văn hóa làng biển, đang đối diện nguy cơ bị mất đi do đô thị hóa. |
“Ăn đậm, uống đậm” đã trở thành nét đặc trưng của người dân làng biển, tạo nên phần giá trị ẩm thực đặc sắc, là khởi nguồn của nguyên liệu nước mắm nổi bật của Việt Nam. Bởi vậy, gìn giữ không gian văn hóa làng biển không chỉ là gìn giữ nếp sống, nếp sinh hoạt mà còn là để giữ những giá trị cốt lõi trong toàn bộ nền văn hóa Việt Nam.
Đây cũng là chủ trương mà nhiều tỉnh, thành ven biển kiên quyết thực hiện nhằm giữ vững giá trị làng biển trong cơn bão đô thị hóa. Với trường hợp tỉnh Quảng Nam, bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ: “Quảng Nam cần kiên định với quy hoạch bảo tồn để giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể trước khi nói đến việc giáo dục hay hỗ trợ cộng đồng. Người làng biển sẽ không cần hỗ trợ nhiều nếu như không gian sống được đảm bảo, bởi vì còn cộng đồng tức là sẽ còn di sản.
Quảng Nam đã có đột phá, một cách nhìn khác so với rất nhiều tỉnh miền Trung là đặt ra câu chuyện phát triển chiến lược lồng ghép văn hóa vào du lịch, thay vì phát triển du lịch để thúc đẩy kinh tế. Sức ép của đô thị hóa càng ngày càng lớn thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phải càng quyết liệt hơn”.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng thực hiện việc phát triển du lịch gắn với sản phẩm của các làng biển, biến không gian làng biển trở thành một phần quan trọng trong phát triển du lịch. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã thực hiện triển khai chương trình với một số hoạt động như đưa nghệ thuật vào không gian sống và bảo tồn làng biển, hình thành các làng du lịch với dạng sản phẩm, ẩm thực, vui chơi, giải trí, sinh hoạt làng nghề truyền thống biển, hình thành không gian mỹ thuật và bảo tồn hấp dẫn du khách, tham quan, chụp ảnh lưu niệm, chú trọng phát triển khai thác homestay, sinh hoạt đời sống phong tục, tập quán lễ hội cùng dân làng…
Đây là một trong những hướng đi quan trọng nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của vùng du lịch biển Đà Nẵng, đồng thời gìn giữ và lan tỏa được các giá trị văn hóa truyền thống xưa gắn với nếp sống sinh hoạt của người dân làng biển.
Trong công tác bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa làng biển, người dân là nhân tố quan trọng để phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, cũng là nhân tố cốt lõi có thể thu hút khách du lịch đến đây được sống trong không gian sinh hoạt đời thường lẫn không khí lễ hội miền biển. Bởi vậy, bảo tồn cộng đồng cũng chính là bảo tồn những giá trị văn hóa không gian biển, đồng thời tạo nên những hướng đi mới khả quan hơn và giảm thiểu tác động đô thị hóa đến những giá trị không gian làng chài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân: Bảo tồn các giá trị văn hóa là nhiệm vụ không của riêng ngành nào, người nào
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của không gian văn hóa, không gian sinh tồn để vừa góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch biển đảo, gắn liền với bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa trước sức ép của các điều kiện tự nhiên, xã hội là những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài không chỉ riêng của một ngành nào, đó là nỗ lực chung của tỉnh Quảng Nam trong hiện tại và tương lai.
Những hoạt động lễ hội đầu năm phần nào góp phần làm nên cốt cách, tâm hồn khoáng đạt của người dân làng biển nói riêng, người xứ Quảng nói chung.
Nghệ sĩ Mỹ Dung: Cấu trúc của làng chài hiện còn đủ đầy những dấu ấn để bảo tồn
Đó là những ngôi nhà nhỏ, có tứ đại đồng đường sinh sống, có cây đa, đình làng, miếu xóm, giếng nước xưa, ngõ nhỏ, đường sá quanh co, cao thấp, có ngôi nhà tồn tại hàng trăm năm. Nếu thổi hồn vào nét nguyên trạng đó, chỉnh trang thêm giao thông, đặt tên các con ngõ, vệ sinh môi trường, thoát nước và sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào và ngõ hẻm cộng với sử dụng nghệ thuật sắp đặt với chủ đề mỹ thuật rõ ràng và gắn với đặc trưng của làng biển.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho bà con mở thêm các quầy hàng đặc sản phục vụ khách du lịch tham quan thì như vậy không chỉ gìn giữ nét văn hóa của làng chài xưa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, cải thiện đời sống của người dân.