Được nhiều từ những chuyến đi
Có hàng chục điểm du lịch Tây Bắc thu hút dân “phượt” hay người ưa tìm hiểu, khám phá, thích đón xuân theo cách riêng mình. Nào là những cung đường Mù Căng Chải và đèo Khau Phạ; săn sương và mây ở Y Tý và Sa Pa; đến Bắc Hà du xuân với hoa mận trắng và những phiên chợ độc đáo. Cũng có khi về Mai Châu thưởng thức những món ăn dân dã của đồng bào dân tộc, hay trở lại Mộc Châu ngắm đào, mận và những vườn cải trắng rực rỡ dưới thung lũng...
Nhiều người chuẩn bị cho chuyến du xuân năm nay, vì cả năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên cuồng chân. Có người lại cho rằng, những chuyến “xê dịch” mùa xuân bồi đắp tình cảm gia đình, bè bạn và luôn tạo được không khí mới mẻ.
Rất nhiều người đã chọn Lào Cai để “ngược ngàn”. Bởi riêng cung đường đến huyện Bắc Hà, Si Ma Cai đã có rất nhiều điều để khám phá. Bắc Hà được mệnh danh là cao nguyên hoa mận trắng, cũng là thị trấn đang phát triển các loại hình du lịch. Đặc biệt, đến vùng này, thăm thú các phiên chợ xuân sẽ thấy nhiều điều thú vị. Một trong số đó là chợ trâu Cán Cấu (huyện Si Ma Cai).
Chợ phiên Cán Cấu là một trong những chợ vùng cao nổi tiếng ở Lào Cai, giàu bản sắc văn hóa. Ngoài các mặt hàng truyền thống như vải vóc, nông sản hay các món ẩm thực truyền thống của đồng bào Mông thì nơi đây còn có một điều đặc biệt đó là cảnh mua bán trâu. Chợ trâu được hình thành đã hàng chục năm, nhưng đến nay vẫn giữ được những nét giản dị, hoang sơ và đặc trưng của đồng bào Mông.
Ở các phiên chợ khác, việc mua bán trâu, bò chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, ở Cán Cấu không chỉ nam giới mà nữ giới cũng tham gia. Cũng nhờ thế mà nơi đây trở thành chợ phiên mua bán trâu lớn nhất vùng biên giới phía Bắc của nước ta cả về quy mô lẫn số lượng. Đầu xuân nên người vùng cao nhiều đám cưới.
Nếu gia đình nào không có tiền hoặc chưa chuẩn bị tiền thì phải dắt “đầu cơ nghiệp” ra chợ bán để lo cho con. Cũng có nhiều người lội bộ cả chục cây số dắt trâu đến chợ Cán Cấu để “góp vui”, gần trưa vào quán làm vài chén rượu với anh em, bạn bè ngà ngà rồi ra về.
Anh bạn tôi năm nào cũng có những chuyến “phượt” vùng cao và ở đâu anh cũng tìm được những cách giao tiếp và ứng xử hòa nhã của người dân. Anh đã viết rất nhiều về chợ vùng cao và dự kiến sẽ xuất bản thành sách. Anh thấy mình hạnh phúc vì “được” nhiều. Cái được trước mắt với anh là những trải nghiệm trong các hành trình, sau đó là sách, sản phẩm tinh thần có sức làm lan tỏa và kích thích lên đường.
Dịu dàng Trung Đô
Thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hiện đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc, điển hình là lễ hội Lồng tồng. Người dân Trung Đô ngày nay biết dùng nhà sàn, dùng chính đời sống văn hóa tinh thần phong phú của mình để khai thác du lịch.
Với lợi thế vì có dòng sông Chảy chảy qua, những năm gần đây, Trung Đô, chú trọng phát triển mạnh lĩnh vực du lịch dịch vụ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Không chỉ có dòng sông Chảy chạy qua, địa phương này còn được thiên nhiên ban tặng cho hệ sinh thái đa dạng, với nhiều cảnh quan đẹp và hấp dẫn. Đặc biệt là những nét văn hoá của chợ phiên, thành cổ Trung Đô, các lễ hội văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Tới nay, thôn Trung Đô đã có 35 hộ gia đình người Tày làm du lịch cộng đồng rất hiệu quả.
Thiếu nữ Bắc Hà xuống hội. |
Đền Trung Đô được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, thờ gia quốc công Vũ Văn Mật cùng dòng họ Vũ và Tướng quân Hoàng Văn Thùng đã có công lao to lớn lãnh đạo nhân dân kiên trì bám trụ, đắp thành, xây lũy chống lại thế lực nhà Mạc ở vùng Đông Bắc.
Trong “Kiến văn Tiểu Lục” của Lê Quý Đôn đã viết: “... ở vùng Ngọc Uyển (tức là Trung Đô, Bảo Nhai và vùng phụ cận bây giờ) Mật đã cho xây thành, đắp lũy chống nhau với nhà Mạc ngót 20 năm...” tiếp đó Tướng quân Hoàng Văn Thùng kế tục sự nghiệp. Để tưởng nhớ, nhân dân vùng đất này đã lập đền thờ. Hàng năm người dân Trung Đô và quanh vùng tổ chức cúng hai lần: Lần đầu vào ngày Thìn tháng giêng, lần thứ hai vào ngày Ngọ tháng 7. Sau lễ cúng thường tổ chức hội dân gian, người dân tổ chức múa xòe, hát then, các trò chơi dân gian.
Tiềm năng kinh tế du lịch cũng là một giá trị không thể thiếu đối với di tích Trung Đô. Khách đến Trung Đô không chỉ được sống trong không gian linh thiêng của một ngôi đền mà còn có thể hoà mình với cảnh sắc thiên nhiên, cộng đồng văn hoá nơi đây. Đến với Trung Đô sẽ có thể được tham quan rất nhiều cảnh đẹp theo một hệ thống liên hoàn với các điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn như: Hang Tiên, gốc cây gạo, thành cổ Trung Đô, cảnh đẹp Cốc Ly và ngược trên nữa là đền Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng…
Anh Phạm Văn Thủy là người đầu tiên xây dựng nhà sàn, với đầy đủ tiện nghi để đón khách du lịch, cho biết: Khách nước ngoài đến nhà anh rất nhiều, theo hành trình của tour du lịch. Nếu khách yêu cầu, anh sẽ nhờ đội hát then của thôn đến phục vụ khách. Ngoài ra, Trung Đô còn có dịch vụ xe trâu, có thể đưa du khách đi tham quan vùng quanh làng, ngắm cảnh và khám phá những nét sinh hoạt của người dân.
Trưởng thôn Lục Văn Tỉnh cho biết: "Người dân chúng tôi chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, đã thành lập được đội hát then, chuyên biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Hát giao duyên, hát then, múa khăn, múa quạt, múa sạp, múa các làn điệu xòe truyền thống phục vụ khách du lịch miễn phí vào chiều thứ Ba hàng tuần".
Khám phá bản nhà sàn
Chục năm nay, có một bản người dân tộc Thái cũng được nhiều người tìm đến, đó là Che Căn - một bản lớn thuộc xã Mường Phương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Che Căn lạ lắm. Lạ không chỉ bởi ở nơi đây có gần 100 ngôi nhà sàn gỗ cổ, được gìn giữ nguyên vẹn, mà còn bởi cuộc sống giản dị nhưng rất đỗi thân thương của người dân tộc Thái. Lạ còn bởi đến bất cứ nhà nào khách cũng được đón tiếp nồng nhiệt.
Vẻ đẹp chợ vùng cao. |
Chúng tôi cứ tha thẩn ngắm mãi những ngôi nhà sàn, những hàng rào đan bằng tre nứa. Chúng gợi cho tôi nhớ về một miền quê thôn dã với vẻ đẹp bình dị. Có đàn gà kiếm mồi bên hàng rào, có chú trâu nằm nhai lại bên cây rơm, có cô thôn nữ giặt áo quần bên giếng, hay hình ảnh người phụ nữ vừa quay tơ vừa trông con trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Tôi cũng tìm thấy ở Che Căn những nghệ nhân nắm giữ những “bí kíp” múa xòe độc đáo. Họ đang ngày đêm gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau, những cô gái óng ả, duyên dáng và đằm thắm. Tôi cũng tìm thấy ở Che Căn những cây mận, cây lê cổ thụ. Vào mùa xuân, bung nở với hoa mơ, hoa đào, làm nên sắc thắm của một vùng sơn quê yên ả, rực rỡ. Tô điểm cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bà Thẳm Thị Hiên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng cho biết, 100% người Che Căn là dân tộc Thái, họ vẫn giữ được những nền nếp truyền thống. Mấy năm nay, bản đã có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa chung.
Nơi đây không chỉ diễn ra những buổi họp, phổ biến pháp luật, chủ trương của Nhà nước, mà còn thường xuyên diễn ra các buổi diễn văn nghệ, do đội văn nghệ bản “tự biên tự diễn”. Người phụ nữ trong bản vẫn mặc áo cóm, thắt lưng xanh, đội khăn piêu. 15 người trong đội văn nghệ luôn tập luyện, trở thành những người diễn xuất tốt sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Đội văn nghệ hoạt động khá chuyên nghiệp do luyện tập bài bản. Thêm nữa, họ tập và múa là để làm giàu có đời sống tinh thần. Vì thế, vào những đêm múa xòe, ai cũng “phiêu”, khiến tất cả người xem đều “phiêu” theo.
Trong hơi men dịu nhẹ, giữa không gian bồng bềnh vùng cao, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên, lúc trầm, lúc bổng, lúc sôi nổi, gọi mời. Những người phụ nữ bình thường hằng ngày vẫn làm ruộng, dệt vải bỗng chốc trở thành những diễn viên múa trên sân khấu.
Cuối xuân, đầu hè, nhiều người vẫn chuẩn bị cho hành trang lên đường, dù có những chuyến đi vô cùng mệt nhọc. Song, cũng bởi cảnh sắc và con người vùng cao luôn hấp dẫn và có sự gọi mời.