Bởi những câu hát đã nói hộ lòng của những người con xa quê mỗi khi Tết đến xuân về, luôn mong ngóng từng giây, từng phút để trở về nhà. Với mỗi người dân Việt, không đâu bằng ở nhà, không bữa cơm nào ấm cúng sum họp bằng bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết…
Bữa cơm tất niên thương nhớ đủ đầy
Mâm cỗ cúng tất niên vào chiều ngày 30 Tết ngoài ý nghĩa tiễn biệt năm cũ, còn là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. Trong quan niệm dân gian, mặc dù ông bà/cha mẹ đã chết nhưng linh hồn vẫn sống mãi phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Vì thế, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết vì thế luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng, trở thành sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã chết.
Chính điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những con người xa quê, xa xứ, đang sống cách chúng ta nửa vòng trái đất mỗi khi xuân về.
Trong guồng quay hổi hả của cuộc sống, những ngày cuối năm, dù bận rộn tới đâu, dù có ra bắc vô nam, đi ngược về xuôi hay ở nơi nào trên khắp thế giới, mỗi người dân Việt lại hướng về quê hương của mình. Ở nơi đó, có gia đình, những người thân thương đang chờ đợi, để rồi cả gia đình quây quần bên bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết.
Ông Nguyễn Thái An một người sống lâu năm ở phố Hàng Đào, Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay, cuộc sống gấp gáp, có quá nhiều sự thay đổi nhưng đối với gia đình tôi bữa cơm chiều 30 Tết vẫn vô cùng quan trọng. Ở bữa cơm này con cái, cháu chắt của tôi ở mọi miền đất nước đều mong muốn trở về nhà để cùng ăn bữa cơm cuối cùng trong năm. Đối với tôi mà nói đây chính là dịp cả gia đình cùng nhau trò chuyện, chia sẻ và bỏ qua cho nhau những điều không vừa lòng của năm cũ”.
Năm nào cũng vậy, từ sáng sớm 28 Tết, bà Ngô Kim Loan, ở thành phố Tuyên Quang đã cùng con dâu đi chợ, mua sắm thực phẩm để nấu bữa cơm tất niên. “Không chỉ mang ý nghĩa gia đình sum họp, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc.
Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Những ngày cuối năm, tuy tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm đồ trang trí… nhưng mâm cơm tất niên luôn được chuẩn bị chu đáo, tươm tất gồm các món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, dưa hành, giò lụa, nem rán, canh bóng mọc... được nấu với tất cả tấm lòng thành kính và yêu thương” – bà Loan cho biết.
Vì lý do cách trở về địa lý, thời gian biểu học tập, lại thêm trở ngại dịch bệnh nên Tết năm nay, anh Nguyễn Huy Hiếu một du học sinh đang học tại Nhật Bản không thể về ăn Tết. “Trong những ngày cuối năm, điều mà tôi nhớ nhất chính là bữa cơm đoàn viên của cả gia đình vào chiều 30 Tết. Những câu chuyện, những tiếng nói cười vui vẻ luôn khiến tôi cảm thấy ấm lòng mỗi khi nhớ về” – trong nỗi nhớ nhà anh tâm sự.
Sau lễ cúng Tất niên thì mọi thành viên trong gia đình quây quần lại với nhau trong bữa cơm cuối cùng của năm. Bữa cơm gia đình đầm ấm khiến cho tất cả những khó khăn của năm cũ đều tan biến. Dù năm cũ có nhiều chuyện vui buồn như thế nào thì cũng đã qua, những tổng kết chỉ là để rút kinh nghiệm cho năm mới.
Đặc biệt, với những người con xa nhà, bất kỳ giây phút nào được ở bên người thân đều đáng giá. Cho dù cuộc sống hiện đại có quá nhiều sự thay đổi, nhưng mùi Tết ấm áp từ bữa cơm tất niên luôn đi theo mỗi con người trên từng chặng đường đời…
Tết này có khác Tết xưa?
Mọi người vẫn than thở với nhau rằng, bây giờ không còn “vui như Tết” nữa bởi cuộc sống hàng ngày đã tương đối đủ đầy nên hầu như chẳng còn món ăn gì, sự chuẩn bị gì mà một năm phải đợi đến Tết mới được ăn, hay được làm, được chứng kiến… Không còn “vui như Tết” liệu có đồng nghĩa với việc Tết nay đã nhạt hơn xưa?
Chuyện ăn Tết của người dân vùng nông thôn giờ đây cũng có nhiều đổi mới. Nhờ cơ khí hóa mà người ta không mất quá nhiều thời gian cho việc sắp cỗ như dùng máy xay thịt thay vì ngồi cả ngày để giã giò; dùng máy nướng, quay thịt thay vì dùng tay như trước; chỉ cần 2-3 người với dụng cụ hỗ trợ có thể mổ, pha thịt con lợn gần tạ thay vì phải huy động 4-5 người như trước…
Nếu như trước đây, người ta có thói quen uống rượu do các hộ dân trong làng tự nấu thì nay nhờ nâng cao hiểu biết, nhiều người đã chuyển sang dùng các loại rượu của những thương hiệu có uy tín để đảm bảo sức khỏe. Chế độ ăn, món ăn trong ngày Tết cũng được thay đổi theo hướng có lợi cho sức khỏe. “Hiện nay, hầu như nhà nào cũng có nồi lẩu, vừa quây quần bên nhau cho ấm cúng, vừa có thời gian để hỏi thăm, chuyện trò” – một bà nội trợ ở nông thôn cho biết…
Ảnh minh họa. |
Tết ở nông thôn, tuy cuộc sống có phần đủ đầy hơn trước nhưng nét văn hóa mang tính cộng đồng của người dân vùng nông thôn, miền núi vẫn được duy trì và phát huy như mổ lợn đụng, gói bánh chung, các thành viên trong gia đình cùng làm cỗ. Đối với trẻ con, mặc dù ngày thường đã có quần áo đẹp nhưng vẫn mong muốn bố mẹ mua quần áo mới để diện Tết.
Tết ở thành thị, nơi có nhiều gia đình trẻ thì cách đón Tết thoải mái hơn, đơn giản hơn, nhưng không vì thế mà quên đi truyền thống của dân tộc.
Anh Nguyễn Thanh Tùng ở thành phố Tuyên Quang cho biết, dù không ở cùng cha mẹ, nhân khẩu gia đình chỉ có hai người lớn và hai trẻ nhỏ nhưng Tết năm nào anh chị cũng vẫn chuẩn bị một bữa cơm tất niên tươm tất. Tất cả thực phẩm đều được mua ở siêu thị, việc mua sắm đồ nhanh gọn hơn, những nghi lễ không quá cầu kỳ nhưng vẫn luôn đầy đủ những đồ cần thiết.
Trong bữa cơm, cả nhà ai cũng cười nói rộn rã, con gái tự hào khoe những chiếc nem tự cuốn nhờ sự chỉ dạy của mẹ, con trai khoe cành đào tự trang trí dưới sự hướng dẫn của bố. Không khí Tết vui vẻ lan tỏa từ bữa cơm tất niên đến tận thời khắc giao thừa...
Lấy chồng xa quê, chị Phan Thanh Thúy ở Bến Tre náo nức gói ghém những món quà Hà Nội để mang vào xứ dừa Bến Tre. “Năm nay tôi về quê ăn Tết ở nhà ngoại sau 5 năm làm dâu ở Hà Nội. Trong bữa cơm tất niên năm nay, các con tôi sẽ được ở gần ông bà ngoại, còn tôi được trở về với những ký ức, kỷ niệm thân quen bên gia đình. Ba má tôi cũng đã già, sau Tết này tôi sẽ bàn bạc với chồng để thu xếp cân bằng thời gian cho cả hai bên nội ngoại để ông bà được quây quần bên con cháu, gắn kết được tình cảm của đại gia đình” – chị chia sẻ.
Được biết, vợ chồng chị Thúy dự định các năm tới sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để có điều kiện mời ông bà nội từ Thủ đô vào Bến Tre ăn Tết miền Tây và ông bà ngoại ra ăn Tết Hà Nội cho biết. Cứ như vậy cả nội ngoại đều có cái Tết vui đủ đầy con cháu mà vợ chồng chị cũng không áy náy vì thiên vị bên nào…
… Thế đấy, Tết thì vẫn vậy. Nhưng cách đón và cách tận hưởng ngày Tết đã có nhiều thay đổi, có những thay đổi tốt mang hướng tích cực cũng có những điều khiến chúng ta phải ngẫm lại suy nghĩ và nhớ nhung đến Tết xưa.
Nhưng dù bạn có đang theo xu hướng Tết nay hay vẫn giữ cho mình những nét đẹp của truyền thống Tết xưa, thì hãy luôn nhớ rằng Tết là dịp sum vầy, vứt bỏ mọi nỗi lo toan của cuộc sống để về nhà, để quây quần và tận hưởng những phút giây hạnh phúc nhất bên gia đình và người thân, như lời bài ca “Đường về nhà là vào tim ta/Dẫu có muôn trùng qua/Vật đổi, sao dời/Nhà vẫn luôn là nhà…”.