Lạng Sơn: Dự án tiền tỷ đang thi công phải đập đi xây lại

(PLVN) -  Dự án Đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành giai đoạn 1 do Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 113,9 tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, Dự án đang thi công thì một số mố đã nứt toác, phải đập đi xây lại, gây lãng phí lớn.
Dự án phải đập đi xây lại gây lãng phí lớn.

Sở Giao thông Vận tải đã không phát hiện thiếu sót trong khâu thiết kế

Khu công nghiệp (KCN) Đồng Bành được thành lập theo Quyết định 1575/QĐ-UBND ngày 08/10/2014 của UBND tỉnh Lạng Sơn, thuộc địa bàn một số thôn của xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng và một số thôn của thị trấn Chi Lăng.

KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 2 dự án là tuyến Đường giao thông KCN Đồng Bành (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) với tổng vốn đầu tư gần 190 tỷ đồng. Trong đó, Dự án (DA) Đường giao thông KCN Đồng Bành (giai đoạn 1) do BQL làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 113,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi mới lắp xong phần dầm cầu của DA này, ngày 01/11/2017, Tổ tư vấn giám sát phát hiện hiện tượng rạn nứt Mố M1 với các vết nứt nhỏ, chạy dọc theo thân mố xuống bệ mố cầu.

Tiếp tục kiểm tra tại mố M2 cũng phát hiện vết nứt trước và sau mố. Đến ngày 26/5/2018, phát hiện vết nứt phía dưới 2/3 trụ T1 và hạng mục cầu được tạm dừng thi công để xác định nguyên nhân. Khi xác định được nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng rạn nứt công trình, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã họp thống nhất, báo cáo và được UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất cho phá toàn bộ hạng mục mố M1, M2, trụ T1, T2 để làm lại.

Về trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan chức năng tỉnh xác định, Sở KH&ĐT đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình của DA, trong đó có 3 gói thầu được phê duyệt chỉ định thầu; nhưng giá gói thầu vượt hạn mức chỉ định thầu theo quy định.

Sở GTVT đã không phát hiện thiếu sót trong khâu thiết kế; thiếu trách nhiệm trong thẩm định thiết kế bê tông cốt thép, không kiểm tra, tính toán cụ thể, chỉ căn cứ theo bảng tính của đơn vị thiết kế trình lên để đánh giá đạt yêu cầu, dẫn tới mật độ thép không đủ là một trong những nguyên nhân gây nứt cầu...

Theo BQL thì năng lực của Tổ tư vấn giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình hạn chế; chưa đánh giá được sự sai khác của địa chất trên thực tế với số liệu khảo sát và sự phức tạp của địa chất đá. Thiếu trách nhiệm khi thấy mật độ thép bị thưa so với công trình khác mà không đề xuất với chủ đầu tư điều chỉnh và để việc lấy bê tông ở trạm trộn quá xa đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình...

Còn Cty CP Tư vấn Xây dựng Giao thông Lạng Sơn đã thiếu trách nhiệm, năng lực kinh nghiệm chuyên môn hạn chế. Công tác khảo sát địa chất không đưa ra đánh giá, cảnh báo cụ thể về tính phức tạp của địa chất; thấy mẫu khảo sát khó lấy, phức tạp nhưng không đề xuất chủ đầu tư cho khoan bổ sung để đánh giá đầy đủ về địa chất phục vụ thiết kế công trình mà chỉ thực hiện theo hợp đồng đã ký...

Với Cty CP Xây dựng Mỹ Sơn là đơn vị thi công xây lắp, đã thiếu trách nhiệm trong thi công công trình; năng lực, kinh nghiệm chuyên môn hạn chế. Khi đào hố móng không đánh giá được sự sai khác của địa chất thực tế với hồ sơ thiết kế được duyệt. Không có phương án đề xuất sản xuất bê tông tại chỗ để tránh rủi ro khi phải vận chuyển bê tông từ xa.

Vì sao chưa xử lý trách nhiệm dứt điểm?

Vi phạm là vậy, nhưng tại báo cáo kết quả kiểm điểm, Sở KH&ĐT chỉ thực hiện kiểm điểm với 2 cá nhân liên quan là bà Vy Thuý Nga (Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, nguyên Trưởng phòng Công thương); ông Phí Xuân Trường (chuyên viên Phòng Tổng hợp, KTXH, nguyên chuyên viên Phòng Công thương).

Theo Sở Nội vụ, tại bản kiểm điểm cá nhân, chuyên viên thẩm định đã báo cáo lãnh đạo về các nội dung chưa đảm bảo theo quy định, tuy nhiên Sở KH&ĐT vẫn ban hành báo cáo trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Do đó, cần xem xét kiểm điểm trách nhiệm với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở này tại thời điểm xảy ra sai phạm.

Ngoài ra, theo báo cáo kiểm điểm, các cá nhân liên quan chỉ “kiểm điểm nghiêm túc”, nhìn nhận rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan đối với các sai phạm và tự nhận hình thức “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc”. Sở Nội vụ cho biết, đối chiếu hành vi với quy định tại khoản 8 Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP thì vi phạm của các cá nhân đã đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.

Với lãnh đạo Sở GTVT, Sở Nội vụ cho rằng cần bổ sung trong báo cáo về trách nhiệm của cá nhân ông Lăng Văn Thạu (nguyên PGĐ Sở phụ trách công tác thẩm định dự án) với các sai phạm này.

Cơ quan chức năng kiến nghị phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở KH&ĐT tại thời điểm trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chỉ định thầu không đảm bảo quy định.

Với Sở GTVT, báo cáo bổ sung về trách nhiệm liên quan của ông Thạu với các sai phạm đã được chỉ ra. Đồng thời, thực hiện kiểm điểm nghiêm túc với toàn bộ 7/7 cá nhân Tổ thẩm định, xác định trách nhiệm, mức độ liên quan, từ đó đối chiếu các nội dung vi phạm của các cá nhân với các mức độ xử lý kỷ luật theo quy định.

Đọc thêm