Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM nói về kịch bản đối phó nếu dịch COVID-19 quay trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, thành phố đã xây dựng 4 kịch bản phòng dịch COVID-19 theo từng cấp độ. Thành phố vẫn giữ bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 hoạt động phân thành 3 tầng, thu dung điều trị cho bệnh nhân từ nhẹ đến nặng...

Tại buổi livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết hiện nay, vaccine đã bao phủ toàn bộ dân số TP HCM (đối với mũi 1). Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, TP HCM cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Từ đầu tháng 10, TP HCM bắt đầu mở cửa, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

Khoa học đã chứng minh, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine khả năng nhiễm bệnh, chuyển nặng và tử vong rất thấp so với trường hợp chưa tiêm vaccine. Tuy nhiên “Phân tích mấy ngày qua, đa số người tử vong đều trên 65 tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine (do các bệnh lý như tai biến mạch máu não…)”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.

Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời".

Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời".

Lý giải về việc số ca mắc COVID-19 gần đây có xu hướng tăng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, vào thời điểm tháng 5 và tháng 6 khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh chóng, thành phố bắt buộc phải áp dụng lệnh giãn cách liên tục trong nhiều tháng.

Chỉ trong tháng 7, thành phố lập liên tiếp 16 bệnh viện dã chiến để thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19. Từ tháng 10, độ phủ rộng vaccine ngừa COVID-19 cao, việc mở cửa trở lại có số ca mắc COVID-19 tăng là điều tất yếu, nhưng thực tế sự chủ quan của người dân hiện tại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

“Với biến chủng Delta, việc mở cửa trở lại chúng ta phải thích ứng linh hoạt, sống chung với virus chứ không sống chung với dịch lây lan nhanh. Nếu người dân chủ quan, đi lại không tuân thủ 5k, để dịch quay trở lại thì cực kỳ nguy hiểm”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định.

Trước câu hỏi thành phố đã có những kế hoạch gì để đối phó nếu dịch quay trở lại, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, TP HCM đã xây dựng 4 kịch bản phòng dịch COVID-19 theo từng cấp độ. Mặc dù, khi mở cửa trở lại một số bệnh viện dã chiến như ký túc xá, trường học được trả lại công năng ban đầu, nhưng thành phố vẫn giữ là bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 hoạt động phân thành 3 tầng, thu dung điều trị cho bệnh nhân từ nhẹ đến nặng.

Đồng thời, các đội phản ứng nhanh, mô hình chăm sóc F0 tại nhà, mạng lưới thầy thuốc đồng hành… đã được thành phố tái khởi động, sẵn sàng hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhắn nhủ: “Chúng ta cố gắng đừng để ca bệnh tăng không kiểm soát được, bệnh viện không kiểm soát được”.

Cũng trong ngày 12/11, trao đổi với báo chí bên lề phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết việc F0 gia tăng nằm trong dự kiến của thành phố vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn.

Trước câu hỏi liệu rằng Thành phố có siết chặt khi dịch bệnh gia tăng, ông Mãi cho biết tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định rất rõ là phải thực hiện thích ứng an toàn. Do vậy, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh. Nếu tình hình dịch giảm, tức màu xanh rộng hơn, tốt hơn thì hoạt động nhiều hơn; còn nếu màu vàng, cam, đỏ thì hoạt động sẽ giảm đi.

Trước xu hướng dịch bệnh phức tạp, biện pháp trước mắt của thành phố là từng địa phương phải theo dõi sát, đưa ra các phương án khi nhìn thấy dấu hiệu bất thường "Công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP HCM vẫn diễn ra hằng ngày, ngành y tế đã có hướng dẫn cụ thể trong vấn đề xử lý khi xuất hiện F0. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 vẫn theo dõi sát tình hình tại TP HCM và đưa ra chỉ đạo" – Chủ tịch UBND TP HCM cho biết.

Đọc thêm