Tôi lang thang khắp xứ này, không vào những lăng tẩm tráng lệ, không vào những nơi được trùng tu đón khách tham quan. Tôi lang thang những nơi không bán vé, những lăng mộ “điêu tàn” để thấy còn một Huế khác mặc trầm, lặng lẽ, hoang phế và cô tịch đến đau lòng.
Huế bừng sáng những nơi được đầu tư, bán vé cho khách tham quan và có một Huế khác bị lãng quên, mặc dầu trên bình diện lịch sử và văn hóa, không thể không nhắc đến những con người đã mãi mãi yên nghỉ nơi này. Buồn nhất là chốn khói hương lạnh lẽo của các bậc mẫu nghi thiên hạ, là mẹ của những vị vua lừng lẫy một thời..
Hoang phế lăng hoàng hậu
Lăng bà Hiếu Đông, mẹ vua Thiệu Trị nằm “khép nép” ở thôn Cư Chánh (xã Thuỷ Bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nơi này cách thành phố có mấy cây số, nằm trong hệ thống các lăng tẩm vua chúa thời Nguyễn, nhưng nay nó xuống cấp đến đau lòng. Dăm ba chân hương mục ruỗng còn sót lại.
Bao quanh lăng, cỏ cây xanh um xanh ngắt. Nội lăng ngày trước toàn rác và cỏ cây. Nay lăng có thêm cánh cổng khóa lại bằng sợi xích hoen rỉ. Trước lăng những trụ đá, đầu rồng sứt mẻ lăn lóc trên nền cỏ lút mắt cá chân toàn chất thải của bò. Chốn yên nghỉ của một bậc mẫu nghi thiên hạ sao lạnh lẽo?
Ngược dòng lịch sử, bà Hiếu Đông tên thật là Hồ Thị Hoa vốn người Biên Hòa, là vợ thứ nhất của vua Minh Mạng, hiệu Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu. Theo Sách Đại Nam hội điển sử lệ, Hoàng hậu là người hiền thục, trinh thuận, hết lòng hiếu kính. Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu sinh ra Hiến Tổ Chương Hoàng Đế, tức vua Thiệu Trị được 13 ngày thì mất, thọ 17 tuổi.
Vua Minh Mạng tiếc thương và ra lệnh không ai được gọi tên húy của bà Hồ Thị Hoa, tất cả các chữ có tên Hoa đều phải đổi. Chẳng hạn Hoa thì phải gọi chệch đi là Huê, chợ Đông Hoa ngày xưa đổi thành chợ Đông Ba cho đến tận ngày nay.
Thời hoàng kim của triều đại nhà Nguyễn, các bậc vua chúa vẫn thường xuyên viếng thăm lăng. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán còn ghi lại: “Quanh chu vi lăng có đến 40 trụ giới cấm.
Cảnh đổ nát ở lăng Từ Dũ |
Ngoài ra, vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhà vua còn cho dựng ở sát bến sông vào lăng 2 cột hoa biểu để làm mốc báo hiệu khu vực đất thiêng. Năm Tự Đức thứ 24 (1871), triều Nguyễn còn quy định:
"Khi đến trụ gạch (tức cột hoa biểu),... đối với lăng Hiếu Đông... là tại chỗ hõm bờ sông, thì xuống võng, cởi dép đi vào. Người gánh võng, binh lính vẫn ở lại nơi đó, còn kẻ tùy tòng đều đến ngoài mô đất có hàng rào cây thì dừng lại mà chờ. Còn lọng đi theo... đến trụ cấm thì ngừng".
Riêng về lực lượng bảo vệ, khu vực lăng Hiếu Đông có một đội lính thuộc vệ Hộ Lăng làm nhiệm vụ thường xuyên canh trực, giữ gìn lăng.
Những sử liệu như vậy đã chứng minh danh phận của bà Hiếu Đông, nhưng đến nay lăng mộ bà chỉ là một điểm hoang tàn.
Còn lăng bà Từ Dũ nằm ở một ngọn đồi khuất sau lăng Thiệu Trị. Bà Từ Dũ “nằm” cách bà Hiếu Đông chừng hơn một km. Dù lăng bà Từ Dũ hoành tráng, bề thế và đẹp hơn lăng bà Hiếu Đông, nhưng cũng vì vậy mà độ cô tịch lại tăng gấp nhiều lần.
Bao quanh vẫn là cỏ may, những chân hương mục, những tường thành vỡ nát. Trên chỗ mộ phần, bát nhang nứt nẻ, con rồng đá sứt sẹo phần còn, phần mất. Tường bao quanh và phần bình phong nứt nẻ rêu phong. Gạch vỡ vụn ê chề và tĩnh lặng vì không có bàn tay chăm sóc của con người.
Hoàng Thái Hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, mẹ vua Tự Đức, người Tân Hòa, Gia Định. Sách Đại Nam liệt truyện chép rất nhiều câu chuyện về bà Từ Dũ. Bà là một người dịu dàng, tài năng và đức độ, ghét thói xa hoa lãng phí. Bà thường nhắc nhở các cung phi:
“Còn nhớ lúc nhỏ, tư gia chưa thừa thãi, dầu thắp đèn không đủ suốt đêm. Nay nhờ trời, nhờ tổ mà giàu có bốn biển. Một tơ một hạt đều là máu mỡ của dân. Nếu lãng phí đã không ích gì mà lại đáng tiếc sao...”.
Bà cũng luôn quan tâm đến việc dân, việc nước và rất ghét tệ tham ô, nhũng nhiễu. Có lần bà nói: “Xưa nay quan lại dung một chữ “tham” chưa bỏ được, hại chính mọt dân chẳng gì tệ hơn - nghe có người cầu bổ quan ngoài, lấy cho đầy túi mang về, không biết bao nhiêu, ấy không phải là của dân là gì. Những của bất nghĩa cũng không ở lâu, chả đến vài đời mà hết sạch, con cháu cùng khó, thiên hạ chê cười. Sao bằng nhân nghĩa để ân trạch được lâu dài...”.
Bà Từ Dũ thọ 93 tuổi, là một tấm gương về đạo đức, cần kiệm cho hậu thế. Sách Từ huấn lục ghi: “Thật là một bậc mẫu nghi thiên hạ đáng kính”.
Ngược dòng lịch sử để thấy những công lao và đóng góp cho xã tắc của những người phụ nữ quyền uy một thời. Chính họ đã góp phần tạo nên nhân cách của các bậc đế vương sau này. Vậy mà nay, họ gần như bị lãng quên, lăng mộ chìm trong u tịch.
Cần sớm bảo tồn
Du khách đến với Huế trong một thời gian ngắn cũng chỉ kịp đến với những địa danh ấn định trong các tuor và đến với những địa danh, lăng tẩm được bỏ tiền ra trùng tu và bán vé. Công tác bảo tồn đa phần cũng tập trung vào những chỗ “làm ăn” được. Trong khi đó, nhiều điểm xuống cấp và nhiều di tích bị lãng quên.
Lăng Hiếu Đông |
“Làm du lịch nghĩa là làm văn hóa”, nhưng du khách đến Huế bây giờ chỉ biết đến 13 vị vua triều Nguyễn xứ này. Còn lại 9 chúa và những con người “tạo ra” vua thì đa phần không có thông tin. Ngay cả đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp ở Huế, liệu có bao nhiêu người có kiến thức về những người từng là nữ nhân lừng lẫy một thời trong cung Nguyễn và cũng không biết lăng mộ hiện ở đâu trong xứ Huế?
Huế có hẳn cả một Trung tâm bảo tồn di tích cố đô, nhưng lăng tẩm các bà hoàng hậu một thời lại hoang tàn. Không chỉ có bà Hiếu Đông, bà Từ Dũ, các hoàng hậu triều Nguyễn khác cũng cùng chung một số phận, một “hậu vận” đáng thương như vậy. Lầu son gác tía, được trọng vọng một thời, giờ chìm trong cô tịch không một ai thăm hỏi viếng tìm.
Nhiều người yêu Huế, muốn tìm hiểu sâu về những thăng trầm của xứ này đều muốn ghé thăm những lăng mộ bị quên lãng kia. Mong rằng các cơ quan chức năng Huế sẽ sớm quan tâm, sang sửa lại đối với những điểm di tích trên.
Huế đang vào mùa mưa. Những chốn cũ bị lãng quên này càng tịch liêu đến lạ trong màn mưa trắng trời trắng đất. Nhiều người đến Huế không chỉ thưởng ngoạn cảch sắc thiên nhiên mà còn để tìm hiểu văn hoá Huế. Liệu có hiểu Huế không khi bỏ sót những nơi này?
Có một Huế chiều sâu, một Huế văn hóa, một Huế tâm linh đang ẩn chìm trong “sự lãng quên tạm thời”. Vì khi những nơi này được đánh thức, chắc chắn sẽ nhiều người đến với Huế hơn để hiểu Huế một cách vẹn toàn.
Làm công tác bảo tồn, làm công tác văn hóa và để bạn bè hiểu Huế, liệu có thể lãng quên những giá trị văn hóa trong chiều sâu tâm thức Huế như lãng quên các bậc mẫu nghi một thời trong cung Nguyễn vậy không?
Các bậc nữ nhân này còn là quốc mẫu một thời. Họ có nhiều đóng góp trong dòng chảy thời đại. Để các bậc mẫu nghi “sống lại” trong tâm thức Huế, hẳn sẽ cần những người hiểu Huế, trân trọng và yêu Huế cạn lòng.