|
Trần Văn Đức trong phiên xét xử sơ thẩm lần 2 |
Sự việc xuất phát từ tháng 7/2013, một số hộ dân xã Cốc Mỳ dựng lều lán trên đất của mình để phản đối việc Cty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền (Cty Sin Quyền) lấy đất của họ làm hồ xả thải mà chưa thống kê, bồi thường.
Khoảng 8h30 ngày 22/8/2013, lực lượng của UBND xã Cốc Mỳ cưỡng chế lều lán của các hộ dân, khi anh Trần Văn Đức bốc “bùn thối” tung lên (không chủ động nhằm vào ai) thì bị ông Đỗ Văn Nghiệp, công an viên thôn Minh Tân dùng gậy đánh liên tiếp vào mặt; sau đó anh Đức bị Công an xã Cốc Mỳ và Công an huyện Bát Xát “khống chế” đưa về phân xưởng tuyển khoáng Cty Sin Quyền để làm việc, ra điều kiện nếu không cản trở và đòi hỏi quyền lợi trên diện tích đất của mình thì sẽ thả?
Do anh Đức không đồng ý, khoảng 20h cùng ngày Công an huyện Bát Xát đưa anh Đức về trụ sở, 10h ngày 23/8 đưa đến UBND thị trấn Bát Xát để lập “Biên bản về việc bắt người”. Tại đây, anh Đức được cho biết là đã hất phân vào người ông Nguyễn Trọng Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ và ông Vũ Xuân Vẻ, Trưởng phòng Bảo vệ Cty Sin Quyền.
Sau khi bị truy tố, ngày 30/9/2013 TAND huyện Bát Xát đã tuyên phạt anh Đức 1 năm tù giam về tội “Làm nhục người khác” với tình tiết định khung “Đối với người thi hành công vụ”. Không đồng ý, anh Đức kháng cáo. Ngày 30/12/2013, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Lào Cai tại Bản án số 33/2013/HSPT đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSND huyện Bát Xát điều tra lại.
Quá trình điều tra lại, ngày 26/6/2014 CQĐT Công an huyện Bát Xát ra kết luận điều tra mới và ngày 8/7/2014 VKSND huyện Bát Xát ra cáo trạng truy tố anh Đức tội danh mới “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 257 BLHS do có hành vi hất phân vào ông Nguyễn Trọng Quốc, Phó ban chỉ đạo, người trực tiếp được giao nhiệm vụ theo Kế hoạch số 28 ngày 20/8/2013 của UBND xã Cốc Mỳ chứ không phải tội “Làm nhục người khác” như đã cáo buộc trước đây.
Bất chấp, trước đó VKSND tỉnh Lào Cai đã có văn bản thông báo rút kinh nghiệm vụ án hình sự (Trần Văn Đức) bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại nêu rõ: Về tội danh - trình tự, thủ tục cưỡng chế chưa đầy đủ vì hành vi dựng lều, lán trái phép trên đất của Cty Sin Quyền phải có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền.
Nếu cưỡng chế GPMB thu hồi đất đai thì cần phải có quyết định thu hồi đất; cưỡng chế theo tình trạng khẩn cấp do thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn thì cần phải có quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp của cấp có thẩm quyền... Như vậy, chưa đủ căn cứ để kết luận ông Nguyễn Trọng Quốc (bị hại) là người đang thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng ngày 16/9/2014, TAND huyện Bát Xát xét xử sơ thẩm lần 2 đã tuyên Trần Văn Đức 8 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Tạo dựng hồ sơ để ép tội?
Luật sư Trần Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Ngọc Bảo, Đoàn Luật sư tỉnh Lào Cai) thể hiện quan điểm rằng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế và trình tự thủ tục tiến hành cưỡng chế chưa đảm bảo quy định của pháp luật; các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã không đưa ra được những chứng cứ thuyết phục chứng minh ông Quốc là người đang “thi hành công vụ” một cách hợp pháp.
Trong hồ sơ vụ án có 02 Quyết định số 54 cùng ngày 20/8/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tháo dỡ lều lán, một quyết định có nội dung ông Quốc là Phó ban Chỉ đạo, một quyết định ông Quốc là thành phần mời tham gia với tư cách là Bí thư Chi bộ thôn Minh Trang.
Việc TAND huyện Bát Xát căn cứ vào giải trình của UBND xã Cốc Mỳ về việc có 2 Quyết định số 54 là do phát hiện thấy sai sót, nhầm lẫn và chấp nhận Quyết định với nội dung ông Quốc là Phó ban Chỉ đạo làm chứng cứ buộc tội đối với bị cáo là không khách quan và trái quy định của pháp luật. Đây là dấu hiệu “dàn dựng” để hợp lý hóa hồ sơ, nhưng lại được cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm “bật đèn xanh” dù nó hoàn toàn trái luật.
Ngoài ra HĐXX cho rằng ông Quốc ở hiện trường với tư cách là Phó ban Chỉ đạo cưỡng chế là phù hợp với Quyết định 54 và Kế hoạch số 28 (ngày, tháng ban hành không trùng với ngày, tháng ban hành trong sổ công văn đi lưu tại UBND xã Cốc Mỳ) phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, các bản ảnh thể hiện ông Quốc ở hiện trường không đeo thẻ công chức, đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu, áo không thấy có vết bẩn. Cơ quan điều tra không lập biên bản phạm tội quả tang.
“Tòa án cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của một số người làm ở mỏ Đồng để buộc tội bị cáo “Chống người thi hành công vụ” là không có cơ sở pháp lý, vụ án có dấu hiệu oan sai”- ông Hùng cho biết thêm.
Dự kiến ngày 28/11 tới đây, TAND tỉnh Lào Cai sẽ xét xử phúc thẩm lần 2 vụ án này. Hy vọng những “góc khuất” của cấp sơ thẩm sẽ tiếp tục được HĐXX phúc thẩm làm rõ.
Trước đó, trong buổi làm việc với PLVN, ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ thừa nhận: "Sau khi ra Quyết định 54 ngày 20/8/2013, ông Quốc chỉ là thành phần mời tham gia, chúng tôi đã gửi đến các phòng, ban của UBND huyện, nhưng do có một số câu từ không phù hợp nên ngay chiều 20/8 xã đã cho cán bộ văn phòng đi xin lại Quyết định này. Ngày 21/8/2013, qua trao đổi, chúng tôi ban hành Quyết định 54 ngày 20/8/2013, trong đó ông Quốc với tư cách là Phó ban Chỉ đạo?".