Lão nghệ nhân đất võ cống hiến cả đời cho nghề 'độc nhất vô nhị'

(PLO) -Ở làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) ai cũng biết đến nghệ nhân Đỗ Văn Lan (SN 1948), bởi ông là người chằm nón ngựa tài hoa bậc nhất nơi này. Chưa hết, nghệ nhân Lan còn hun đúc lòng yêu nghề cho thế hệ trẻ ở địa phương và góp phần quảng bá sản phẩm “độc nhất vô nhị” này với bạn bè quốc tế. 
Vợ chồng nghệ nhân Đỗ Văn Lan đang chằm nón ngựa.
Vợ chồng nghệ nhân Đỗ Văn Lan đang chằm nón ngựa.

Nghệ nhân chằm nón ngựa 

Về làng nón ngựa Phú Gia, hỏi thăm nhà nghệ nhân Đỗ Văn Lan, không ai là không biết. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà cấp bốn đơn sơ. Vừa cất tiếng gọi, một người đàn ông nhanh nhẹn, tóc muối tiêu vội ra mời khách vào nhà. 

Ông chính là nghệ nhân Đỗ Văn Lan. Ông Lan là chủ cơ sở sản xuất nón ngựa đẹp có tiếng và có truyền thống lâu đời ở Phú Gia, là một trong số rất ít những người dân ở Phú Gia hiểu biết, gắn bó và đam mê với nghề làm nón ngựa truyền thống, và là hội viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. 

Trò chuyện, ông Lan kể: “Theo như tôi biết, nhà tôi có 5 đời làm nón ngựa. Ông cố, ông nội, cha và giờ đến tôi, thế hệ sau là con tôi cũng làm nón ngựa. Nhà tôi hiện có 7 người làm nón, ngoài vợ chồng tôi còn có 4 con gái và 1 con rể. Nhìn còn cháu có lòng yêu nghề, tôi cũng mừng lắm. Dù như thế nào mình cũng phải duy trì cái nghề này, bởi nó đã ăn vào máu thịt mấy đời gia đình tôi rồi”. 

“Tôi nghe ông bà kể lại rằng hồi xưa nón ngựa có hai loại. Loại khuôn nón trủm, tức giống chiếc nón bình thường bây giờ, dành cho người dân đội. Loại khuôn nón trảng, tức lòng nón không sâu như nón thường, kích thước vành nón rộng hơn nón trủm chừng 20%, trên chóp có gắn chụp bạc, có ngù ở trên, dành cho quan lại đội. Bây giờ nón chủ yếu là để bán cho khách du lịch”, tiếp lời nghệ nhân Lan.

Theo ông Lan, hiện ông cũng chằm hai loại nón ngựa, với giá cả khác nhau. Chiếc nón bình thường thì chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa.

Để mặt lá nón được láng bóng, không bị thấm nước qua các lỗ kim khi trời mưa, người làm nón quét lên đó một lớp mỏng sơn dầu trong suốt, hoặc bọc nhựa nón sẽ bền và trông đẹp hơn. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống này có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/chiếc. 

Ông Lan cho biết: “Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn thì trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, quy, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Trong chiếc nón ngựa có 3 vành lớn được làm từ rễ dứa là vành cài, vành quai và vành sua. Riêng phần chóp nón gồm có 3 sòi. Phần quai nón được cắt may từ nhung hoặc the”. 

Theo ông Lan, nếu dành toàn bộ thời gian chuyên tâm cho việc làm một chiếc nón ngựa bắt mắt, độc đáo như trên thì sẽ mất khoảng 25 ngày, tức gấp 8 lần thời gian so với làm một chiếc nón thường. Chi phí để làm chiếc nón ngựa này khoảng 2,5 triệu đồng nên giá thành cũng cao hơn chiếc nón bình thường. 

“Ở Phú Gia, ngày cưới nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội đầu chiếc nón ngựa độc đáo này. Còn những nhà nghèo cũng ráng sắm vài đôi nón ngựa truyền thống cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày trọng đại này”, ông Lan cho biết.

Theo ông Lan, nghề làm nón ngựa đòi hỏi sự tỉ mỉ của đôi bàn tay, sự nhẫn nại của khối óc và lòng nhiệt huyết của một trái tim nghệ sĩ. Phải yêu nghề như máu thịt mới có đủ kiên nhẫn để đeo đuổi công việc vất vả này. 

“Chiếc nón ngựa trông đẹp nhưng cầu kỳ, làm rất công phu và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Công việc làm nón không phải là dễ dàng. Đôi bàn tay cầm kim phải dùng lực của ngón cái và ngón trỏ để cắm và rút kim cũng ê ẩm nặng nhọc chẳng khác gì người gánh lúa”, ông Lan cho biết. 

Nói về bí quyết để nón ngựa trường tồn cùng thời gian, ông Lan chia sẻ: “Tất cả các nguyên vật liệu làm nón, từ cây giang, rễ dứa rừng đến lá kè mỡ đều được phải lấy vào đúng mùa của nó, tức cuối đông đầu xuân. Như thế nón sẽ bền hơn loại bình thường vài năm.

Mặt khác, các công đoạn làm nón phải đúng quy trình và kỹ càng. Nón được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mê sườn. Như vậy nói mới bền theo thời gian được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiếc nón “gia bảo” được ông Lan lấy làm khuôn mẫu chính là kỷ vật mà người mẹ đã khuất để lại. Chiếc nón đã ngả màu, nhưng vẫn còn rất chắc chắn. Vành cứng, chỉ thêu còn nguyên màu, rõ hoa văn, chữ nghĩa, lá chưa sờn. Và điều bất ngờ nằm ở chỗ, chiếc nón này có tuổi đời đúng nửa thế kỷ và được sử dụng liên tục 45 năm. 

Mang vẻ đẹp của con nhà võ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nón ngựa do cơ sở ông Lan làm ra đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây nguyên năm 2010.

Ông Lan hào hứng: “Đến bây giờ, đơn hàng đáng nhớ nhất trong đời làm nón đối với tôi là 10 chiếc nón ngựa, do một nữ du khách trẻ tuổi người Pháp đặt để mang về nước làm quà lưu niệm, với giá 5 triệu đồng một chiếc. Như vậy có nghĩa là người nước ngoài đã biết đến nón ngựa Phú Gia”.

Nói rồi, ông Lan tâm sự: “Tôi cũng lớn tuổi rồi nhưng lòng yêu quý nghề truyền thống quê mình và ước mong chiếc nón ngày càng thịnh vượng, cùng với “chất xúc tác” là “Nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa Phú Gia” hình thành chính là động lực để tôi tiếp tục làm nên những chiếc nón ngựa”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa Phú Gia hình thành, ông Lan đã được Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định mời làm giáo viên dạy nghề làm nón ngựa Phú Gia đầu tiên của tỉnh Bình Định, tổ chức ngay tại Nhà trưng bày, với sự tham gia của 35 học viên thuộc diện hộ nghèo trong thôn.

Ông cũng đã được mời đi dự hội chợ khắp trong Nam ngoài Bắc để đại diện cho người dân Phú Gia biểu diễn cách làm nón và trưng bày sản phẩm nón ngựa nổi tiếng của làng mình. 

Theo ông Lan, người dân Bình Định vốn rất tự hào về chiếc nón ngựa nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, bởi xét trên bình diện lịch sử, từ thời Quang Trung, nón đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn. Hiện nay, chiếc nón ngựa Phú Gia đã trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo với nguyên vẹn cốt cách ban đầu. 

Nếu như chiếc nón Bài Thơ của xứ Huế nổi tiếng với sự thanh lịch khi lồng trong lớp lá là hình ghép hoa lá cùng những câu thơ, câu văn thì nón ngựa Phú Gia là loại nón mang vẻ đẹp mạnh mẽ của con nhà võ, thường được thêu hoa văn theo các đề tài “long, lân, quy, phụng”, “lưỡng long tranh châu”, “mai, lan, cúc, trúc” hoặc cảnh vật trên nang sườn nón.

Ngồi trò chuyện, ông Lan cho biết thêm, có rất nhiều đơn hàng nón ngựa “độc”, họ đòi hỏi gia công bằng các loại chỉ cước màu lạ, độ bền cao, rồi gắn chóp bạc, chóp vàng, khung vành đều hết sức tinh xảo… và thường thì giá cả không thành vấn đề. 

“Đàn ông chế tác nón ngựa cũng như mấy người… làm thơ, làm kịch. Thú vị lắm, nó như một tác phẩm độc lập, gắn với tâm huyết nghệ thuật của mỗi người chế tác. Chính vì là sản phẩm làng nghề thủ công nên nó càng quý trong thời sản xuất máy móc. Khách du lịch, các nhà kinh doanh nước ngoài mỗi khi đến đây đều hỏi mua nón ngựa. Họ nhìn là kết liền”, ông Lan hào hứng cho biết.

Ông Lê Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: “Nhà ông Lan thường được các công ty du lịch đưa khách về tham quan. Sản phẩm nón ngựa từ cơ sở sản xuất của ông Lan được trưng bày ở một số đình, đền thờ, bảo tàng trong tỉnh Bình Định. Với nghề làm nón ngựa đặc sắc này, xã Cát Tường trở thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu và là động lực thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển mạnh”. 

“Có giai đoạn, làng nón khá đìu hiu. Thế nhưng bà con đã linh hoạt, mạnh dạn đầu tư tìm đầu ra. Chúng tôi luôn tìm mọi cách để hút các nguồn vốn, tìm cơ hội quảng bá cho làng nón Phú Gia. Trong sự phát triển của làng nghề nón ngựa Phú Gia hôm nay không thể không nói đến sự đóng góp của nghệ nhân Đỗ Văn Lan”, ông Công cho biết thêm.

Đọc thêm