Mặc dù về làm dâu thôn Chang Nà, xã Tình Húc được một thời gian nhưng tôi cũng chưa có nhiều cơ hội để nói chuyện với ông – Nghệ nhân dân gian Việt Nam, người truyền lửa đam mê hát then – đàn tính cho thế hệ trẻ ở thôn Chang Nà. Ấn tượng đầu tiên về Nghệ nhân dân gian Lương Thiêm Phú (sinh năm 1938), đó là một người đàn ông có thân hình gầy, mái tóc hoa râm, nụ cười hiền với giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn. Sau những lời chào hỏi xã giao, nhấp chén trà, ông tâm sự với tôi về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.
Sinh ra và lớn lên giữa bản làng người Tày, ngay từ nhỏ ngọn lửa đam mê hát then – đàn tính đã ngấm vào máu thịt ông qua những lời hát ru của bà, tiếng đàn tính của mẹ. Chính vì vậy, bản thân ông đã có dịp tiếp xúc sớm với môn nghệ thuật đặc sắc này.
Cứ như vậy, đến những năm tháng trưởng thành, làn điệu hát then và tiếng đàn tính cũng theo ông lớn dần, thấm sâu vào tâm trí và nuôi dưỡng tâm hồn ông. Ông tâm sự: “Cứ mỗi lần thấy những người lớn trong bản hát then tôi đều chạy đến để nghe rồi nhẩm hát theo, cứ như thế tôi biết hát then từ lúc nào chẳng biết. Thấy tôi thích hát then nên mọi người cũng chỉ bảo thêm về cách luyến láy, ngân giọng và dạy tôi nhiều bài hát then mới…”.
Với niềm đam mê hát then, năm 1960 ông Phú lập ra đội văn nghệ thôn và tham gia biểu diễn văn nghệ. Từ đó đến nay, ông đã theo không biết bao nhiêu hội diễn, từ huyện đến tỉnh và giao lưu với tỉnh bạn như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng...
Bằng giọng hát trầm ấm, mềm mại cùng những ngón đàn tính điêu luyện của mình, ông đã ghi dấu ấn trong lòng người nghe. Giọng ông trầm xuống: “Tuy nhiên, cũng có những thời gian phong trào hát then lắng xuống, điển hình như khoảng thời gian từ năm 1976 đến năm 1999, thời điểm đó đời sống kinh tế khó khăn cộng thêm nhiều yếu tố nên rất ít người hát then và đánh đàn tính. Đội văn nghệ phải gần như là ngừng hoạt động”.
Không từ bỏ niềm đam mê ca hát và mong muốn mang tiếng đàn tính, điệu then đến với đông đảo các tầng lớp đặc biệt là thế hệ trẻ. Năm 2003 ngọn lửa đam mê được ông nhen nhóm lại. Tháng 12/2007 Câu lạc bộ hát then Chang Nà được thành lập do ông Phú làm Chủ nhiệm. Từ khi thành lập, Câu lạc bộ đã hoạt động rất hiệu quả và đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi.
Ngoài niềm đam mê hát then, ông Phú cùng với các thành viên trong Câu lạc bộ còn sưu tầm và đặt lời mới được hàng trăm bài hát then. Điển hình, trong năm 2016, nhân dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp ông đã sáng tác bài hát then để vận động bà con đi bầu cử đúng thời gian, đúng luật và sáng tác bài then chào mừng bầu cử thành công.
Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều bài hát then về xây dựng nông thôn mới, ca ngợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ca ngợi quê hương, con người. Song song với đó, ông còn mở hàng chục lớp dạy hát then cho hàng trăm người. Để câu hát then, tiếng đàn tính vang mãi và không bị mai một, ông mở lớp dạy hát then – đàn tính miễn phí cho các cháu nhỏ trong thôn vào tất cả các buổi tối trong tuần dịp nghỉ hè.
Bằng ánh mắt tràn đầy tự hào, ông không ngừng chia sẻ với tôi về niềm đam mê bất tận của mình và thế hệ hát then kế tiếp:
“Tôi thích hát then, thích đánh đàn tính lắm, thậm chí tôi có thể ngồi cả đêm để đàn, hát và sáng tác. Mấy đứa trẻ mà tôi đang dạy xem ra chúng cũng học nhanh và yêu hát then – đàn tính. Các cháu mới học một thời gian đã hát được khá nhiều bài và đánh được cơ bản các nốt nhạc. Thời gian tới, tôi sẽ cho các cháu đi giao lưu biểu diễn để các cháu quen dần. Bây giờ tôi già rồi, chỉ mong muốn lớp trẻ sẽ nối tiếp và phát huy hơn nữa bản sắc dân tộc mình để hát then – đàn tính được lưu truyền mãi”.
Nói về ông Phú, người dân trong bản ai cũng dành cho ông những lời khen và tình cảm đặc biệt. Ông Hoàng Sinh, thôn Chang Nà, xã Tình Húc chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ niềm đam mê hát then của ông Phú, ông không quản ngại khó khăn, vất vả vì niềm đam mê ca hát. Ông còn truyền dạy cho người dân trong thôn và các cháu nhỏ trong bản hát then và đánh đàn tính”.
Em Hoàng Trần Bảo Uyên, thôn Chang Nà tâm sự: “Cháu rất vui vì được ông Phú dạy cho cách hát then và đánh đàn tính. Qua đó, cháu thấy thêm yêu hơn giai điệu của quê hương mình. Cháu sẽ cố gắng hơn nữa để cùng những thế hệ trước giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc”.
Ghi dấu chặng đường đam mê hát then của ông Phú là hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ. Trong đó, cá nhân ông được tặng 6 giấy khen và bằng khen. Đặc biệt, năm 2014 ông Phú đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Sau một thời gian ngắn trò chuyện, tôi dường như đã hiểu vì sao mà ở cái tuổi gần 80 mà ông vẫn giữ được sự trẻ trung, yêu đời và nhanh nhẹn như vậy; có lẽ chính sự nhiệt huyết và niềm đam mê hát then – đàn tính đã thôi thúc ông luôn hoạt động, tìm tòi, học hỏi không ngừng nghỉ.
Sau khi lắng nghe những giai điệu mượt mà của một điệu hát then mang đặc trưng dân tộc Tày và tiếng đàn tính thánh thót (Thị trấn Tình Húc Động liền căn/Thâng Sú Cáu Khe Vằn peo khủi/Lai Lúng lọ cáp đủi nặm lay/Hắm sỏn đảy mà sày tà hoóc...), tôi thấy thật cảm phục ông, quả thật, dù tuổi đã cao nhưng giọng hát ông vẫn rất ấm, vang và dễ đi sâu vào lòng người, những ngón đàn của ông vẫn rất nhanh và điêu luyện.
Chia tay ông Phú khi mặt trời đã xế bóng, tôi ghi nhớ mãi những tâm sự của ông: “Chỉ mong rằng, bên cạnh những bài hát nhạc trẻ hiện đại, hát then – đàn tính của dân tộc Tày vẫn sẽ được thế hệ trẻ yêu mến, tìm tòi, sáng tạo và phát triển hơn nữa. Có như thế mới không bị mất đi cái hồn cốt của dân tộc”.