Người “giữ lửa” nghề làm mặt nạ giấy bồi ở Hà thành

(PLO) - Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi lễ Tết truyền thống của trẻ em Hà thành. Nhưng cho đến nay, ở Hà Nội chỉ còn duy nhất hộ ông Nguyễn Văn Hòa ngụ tại 73 Hàng Than (Hà Nội) vẫn gắn với cái nghiệp truyền thống này. Đã có rất nhiều khó khăn trên con đường giữ nghề truyền thống nhưng bằng niềm đam mê ông Hòa đã vượt lên tất cả để giữ nghề…

Mặt nạ giấy bồi thành phẩm có muôn hình muôn vẻ, phong phú về mẫu mã.
Mặt nạ giấy bồi thành phẩm có muôn hình muôn vẻ, phong phú về mẫu mã.
Người “giữ lửa” cuối cùng
Nhắc chuyện giữ nghề, bà Đặng Thị Hương Lan – vợ ông Hòa kể lại: “Năm 1974 tôi đã bắt đầu kế nghiệp và làm nghề này. Cho đến nay cũng đã làm nghề được 42 năm. Cũng buồn vì giờ chỉ còn vợ chồng tôi còn làm nghề. Ông nhà tôi dựa vào kinh nghiệm đã miệt mài, sáng tạo ra 65 khuôn khác nhau, rất phong phú. Những khuôn mặt nạ ấy đều gắn liền với một câu chuyện cổ tích, gắn liền với truyền thống của dân tộc mà dường như cho đến bây giờ các thế hệ trẻ đang dần quên lãng đi”.

Theo lời ông Hòa, để làm nên một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi thành công là cả một quá trình nghệ thuật, trải qua vô vàn giai đoạn, công sức. Theo đó, với các loại giấy cũ, những người làm nghề như vợ chồng ông Hòa sẽ đi thu mua rồi xé nhỏ chúng thành từng mẩu. 

Tiếp đó, với các khuôn xi măng được đúc sẵn các hình thù ngộ nghĩnh nghệ nhân sẽ lót dưới một lớp giấy trắng vào khuôn rồi đem từng lớp giấy vụn được gắn chặt với nhau bằng hồ dán phết thành lớp đáy. Thông thường để mặt nạ được bền, mỗi khi làm xong hình dáng thô sơ, sản phẩm sẽ phải phơi dưới nắng nhiều ngày.

Theo kinh nghiệm của ông Hòa, công đoạn tô màu và vẽ khuôn mặt sẽ quyết định sự thành công của sản phẩm. Mặt nạ bằng giấy  bồi thông thường sẽ được phủ lên bề mặt một lớp sơn tổng hợp, phơi khô rồi mới bắt đầu đem ra vẽ. Mỗi nét là một màu sơn khác nhau. Thế nên, theo trình tự là cứ tô xong một màu thì nghệ nhân lại mang mặt nạ phơi khô rồi mới vẽ tiếp màu khác. “Tất các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo, một chút nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn” – Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa đúc rút.

 
Cái quan trọng của nghề là rèn đạo đức

Trò chuyện với bà Hương Lan,  vừa vuốt ve những chiếc mặt nạ trên tay bà vừa ôn tồn nói: “Cái khó nhất chính là lương tâm của nghề nghiệp và sự đảm bảo, an toàn của sản phẩm”. Hay nói theo cách diễn giải của ông Hòa, những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi rất thân thiện với môi trường chứ không ẩn chứa nhiều chất độc, tồn dư hóa học như hàng hóa Trung Quốc. 

“Mặt nạ đều làm từ giấy, bột sắn chứ hoàn toàn không dùng những chất bảo quản hay phẩm màu độc hại. Tất cả đều được tận dụng để tạo nên nét đẹp, duyên dáng của chiếc mặt nạ truyền thống” – ông Hòa khẳng định. 

Được xem như một thương hiệu từng một thời vang bóng của mảnh đất Hà thành, nghề làm mặt nạ giấy bồi được vợ chồng ông Hòa gìn giữ một cách hết sức trân trọng. Bà Hương Lan kể rằng, có rất nhiều người dân những ngày lễ hội đã tìm đến tận nhà bà để đặt hàng. Sở dĩ khách mua tìm đến tận nhà bà vì ở đây những nghệ nhân đang lao động thực thụ, họ tìm đến để mua nét đẹp từ những tâm hồn, sản phẩm chất lượng.
Theo tìm hiểu, hiện nay sản phẩm mặt nạ, giấy bồi truyền thống của gia đình ông Hòa không những chỉ được người Hà thành biết đến, mà hiện còn rất nhiều nơi như TP HCM, hay những vùng ngoại tỉnh cũng tìm đến để đặt hàng.
Ông Đỗ Trung Dũng – một khách hàng đến tận nhà bà Lan đặt mua mặt nạ nói: “Nghề truyền thống bây giờ ông, bà giữ được là rất đáng quý. Chúng tôi thường chọn cho con em mình những đồ chơi như nhân vật Thị Nở, Chí Phèo, chó, mèo, thỏ, Chú Tễu… nhằm ôn lại cho con trẻ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hơn nữa, từ những đồ chơi này sẽ góp phần tạo nên nhân cách đẹp về giá trị truyền thống trong lòng của bọn trẻ”.
Trong tiết trời ngày xuân, len lỏi bên các mặt hàng đồ chơi hiện đại, phong phú là hình dáng của những chiếc mặt nạ giấy bồi tươi vui, ngộ nghĩnh. Nó không chỉ là món đồ chơi đặc trưng của người Hà thành xưa mà còn là nét văn hóa truyền thống, một món đồ chơi tiêu biểu của trẻ thơ Việt./.

Đọc thêm