Thuốc trừ sâu “cây nhà lá vườn”?
Về đến xã Thành Công, hỏi nhà ông Đáo “trừ sâu”, không ai không biết. Khi khách đến thăm, trong nhà ông Đáo đã có một chủ doanh nghiệp từ Hà Nội về bàn bạc hợp tác trong việc sản xuất loại thuốc trừ sâu do ông nghiên cứu. Ông Đáo chưa dám hứa hẹn gì bởi còn phải đợi kết quả kiểm nghiệm từ các cơ quan chức năng.
Hỏi điều gì đã khiến ông nghiên cứu thành công loại thuốc trừ sâu… uống được, ông Đáo cho biết xuất phát từ chuyện tình cờ. Cách đây 10 năm, khi ấy ông đem cất một ít thảo dược vào hòm thóc cho khỏi ẩm. Trong nhà có hai hòm thóc, đều bị hở như nhau. Tuy nhiên, mấy tháng sau khi ông kiểm tra, hòm thóc để thảo dược chẳng có con mọt nào, còn hòm kia, mọt và bướm đậu đầy.
“Vốn có chút kiến thức bốc thuốc chữa bệnh, lúc ấy tôi chợt nghĩ cái cây cũng như con người, nếu người dùng thảo dược có thể khỏi bệnh được thì cây cối như cây lúa cũng khỏi bệnh. Tại sao không làm thuốc trừ sâu từ thảo dược, phòng, trị bệnh cho cây lúa?”, ông kể. Sau lúc ý tưởng lóe lên, ông Đáo bắt tay vào nghiên cứu chế thuốc. Mày mò mất gần hai năm, đến tháng 10/2006, ông pha chế ra thuốc trừ sâu từ thảo dược. Đưa ra phun thử trên ruộng lúa và rau, sâu chết hàng loạt. Bắt đầu từ đó, gia đình không phải mua thuốc sâu hóa học nữa, mà dùng thuốc sâu do ông pha chế.
Ông Đáo “bật mí” một số thành phần của loại thuốc trừ sâu nghe rất quen thuộc trong đời sống: ấu tẩu, hạt cau già, ớt, tỏi tía, gừng ta, bồ kết… Kết hợp các thảo dược đó ngâm với cồn 90 độ hoặc rượu 50 độ trong 100 ngày là dùng được.
Trường hợp cần dùng nhanh, có thể cho vào nồi áp suất đun lên. Bảy lít cồn hoặc rượu, chắt được 5 lít thuốc sâu, đủ dùng cho một mẫu ruộng.
Chỉ vào những chai thuốc trừ sâu vừa chưng cất, ông khẳng định: “Thành phần của thuốc đều là những thứ con người dùng được hoặc ăn được. Nói uống không ảnh hưởng đến sức khỏe là không đúng, bởi con sâu còn chết thì đương nhiên phải có độc tố. Nhưng ví dụ nếu cần thử nghiệm, uống đúng liều lượng tôi cho, sẽ không nguy hại gì đến tính mạng con người”.
Nói về cơ duyên nghĩ ra công thức pha chế thuốc sâu từ thảo dược, ông Đáo cho biết mình gặp hai ông bà lão tại Lạng Sơn những năm 1980, được tặng một cuốn sách cổ viết bằng chữ Hán. Sau này, ông Đáo nhờ người dịch nghĩa nhưng do quyển sách tuổi đời quá lâu cứ mủn vụn ra như cám, chỉ dịch được ít trang chữa những bệnh như: sâu răng, nấm, xoang…
Tuy thế, những kiến thức còn sót lại đó cũng đủ để ông đã biết khá nhiều về thuốc Nam, đủ “vốn” bốc thuốc chữa những bệnh đơn giản.
Chưa có kết luận chính thức
Từ khi thông tin nghiên cứu thành công thuốc trừ sâu “uống được” bay xa, nhà ông lúc nào cũng có khác khứa ra vào tập nập. Dân làng xôn xao bàn tán, cho rằng ông “sắp giàu to”. Về chuyện này, ông cười hiền lành:
“Mục đích tôi sản xuất thuốc là để dùng cho gia đình. Khi phun lên ruộng thì lúa, rau ấy vẫn có thể ăn được, không độc hại như khi dùng thuốc trừ sâu hóa học. Bây giờ được một số người quan tâm, tôi vui lắm, vì thấy mình có thể làm lợi cho nhà nước, cho nông dân. Tiền bạc không phải là vấn đề lớn, bởi tôi sống nghèo khổ quen rồi”.
Về lợi ích từ thuốc trừ sâu của mình, ông Đáo đưa ra chứng minh “Bà con phun thuốc hóa học, thu 2,4 tạ/sào lúa. Tôi phun thuốc thảo dược, thu hoạch ít hơn một chút là 2,2 tạ/sào. Nhưng tính kỳ cùng, 20kg thóc chênh lệch ấy bán đi chưa chắc đã đủ mua thuốc trừ sâu hóa học, chưa nói đến việc nếu người sử dụng thực phẩm bị ngộ độc, tiền thuốc thang chữa bệnh tốn kém bao nhiêu.
Ruộng lúa của tôi nuôi cá ở dưới, vẫn phun thuốc sâu của mình lên trên, cá vẫn sống. Còn ruộng lúa phun thuốc sâu hóa học, cá, ốc, thậm chí là đỉa cũng chả sống được”.
Hỏi về những bí quyết pha chế liều lượng thảo dược trên thuốc trừ sâu, ông Đáo cho biết tất cả nguyên liệu, thành phần, cách tiến hành pha chế, liều lượng, thời gian ngâm ủ, đều nằm trong… đầu mình. “Tôi không bao giờ quên được bởi hàng ngày đều ăn ngủ với các công thức đó. Sau khi các cơ quan khoa học lấy mẫu, tiến hành thực nghiệm và công bố, nếu được chấp nhận, tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất thuốc trừ sâu phục vụ bà con nông dân” – ông nói.
Nhận định về nghiên cứu của người dân trên địa phương mình, ông Lê Văn Khoa, phó Chủ tịch xã Thành Công, bày tỏ “Địa phương mong các cấp, các ngành chức năng nghiên cứu kỹ ứng dụng này, nếu được, sẽ sản xuất để thuốc trừ sâu thảo dược của ông Đáo sử dụng đại trà cho bà con Hưng Yên và trên cả nước”.
Trả lời về những mong muốn đó, ông Ngô Xuân Thái, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho biết, đại diện Trung tâm khảo nghiệm thực vật, Chi cục bảo vệ thực vật đã về làm việc với ông Đáo, lấy mẫu thuốc trừ sâu chế từ thảo dược về thử nghiệm.
"Theo quy định, loại thuốc này phải được thử nghiệm cho đến khi Bộ NN&PTNT đồng ý cho phép sử dụng, sau đó, phải có danh mục đăng ký từ Chi cục bảo vệ thực vật. Chúng tôi sẽ tiến hành giúp đỡ ông Đáo hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như chuyên môn về khoa học. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã có ý kiến chỉ đạo về sự kiện này".
Trong lúc chờ đợi kết luận từ các cơ quan chức năng, ông Đáo vẫn sống một mình. Những đứa con lớn đều đã lập gia đình, ra ở riêng. Cô con gái út đang theo học ngành sư phạm trên Hà Nội, vợ ông phải theo lên, đi làm thuê để lấy tiền nuôi con ăn học.
Quê nhà chỉ còn mình ông làm nông, cung cấp gạo, rau cho cả gia đình. Đêm đêm, trong căn nhà nhỏ, ông Đáo vẫn chong đèn tới sáng bên thảo dược, cồn, rượu mạnh… pha chế thuốc trừ sâu “uống được”. Nhiều lúc, các đồng chí công an xã đi tuần phải vào nhắc nhở, đề nghị ông đi ngủ, khỏi ảnh hưởng xóm giềng và giữ sức khỏe cho chính ông.
Trả lời báo chí, nhận định về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết: “Đứng về mặt quản lý ngành khoa học công nghệ, Bộ chúng tôi cùng các cơ quan liên quan cần có trách nhiệm trong việc này.
Khi một người dân có được kết quả nghiên cứu còn sơ khai, cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hỗ trợ nghiên cứu đó. Ở đây cụ thể là trách nhiệm của Sở KH&CN địa phương. Khi phát hiện người dân có sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng, phải hỗ trợ, giới thiệu với các cơ quan nghiên cứu Trung ương hoặc địa phương, đánh giá, hỗ trợ cho người dân nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm. Giúp họ đăng ký sản phẩm, nếu là sáng chế thì cấp bằng sáng chế.
Nếu là sáng kiến thì được bảo hộ quyền tác giả; hoặc nếu là kiểu dáng công nghiệp thì được cấp bằng kiểu dáng công nghiệp; để họ yên tâm sản phẩm của họ được bảo hộ. Sau khi hoàn thiện, có thể được ứng dụng trong cuộc sống”.