Đó là kết quả được ghi nhận qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008- 2010 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”, diễn ra hôm qua (27/3).
Nhức nhối vấn nạn vì tâm lý bàng quan và sợ “bị điều tiếng”
Gần đây qua phản ánh của báo chí cho thấy, những hành vi xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra không chỉ trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan đau xót phản ánh tình trạng “trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh”.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra mối nguy hiểm khôn lường khi “đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và có cả người trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam...”. Trong đó, Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45- Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho biết, đáng chú ý có một số đối tượng nước ngoài đến Việt Nam gây ra những vụ dâm ô với trẻ em.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, báo động về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn, cũng như cảnh tỉnh xã hội về trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em khỏi tội phạm nói chung và tội phạm tình dục nói riêng.
Đại diện các cơ quan, tổ chức cùng nhận định, nguyên nhân của tình trạng này một phần vì xã hội, cộng đồng dân cư còn bàng quan trước hậu quả của hành vi xâm hại tình dục trẻ em mà không có biện pháp phối hợp phòng ngừa, đấu tranh hữu hiệu.
Trong khi đó bà Đào Hồng Lan nhận định, số liệu về những vụ xâm hại tình dục trẻ em lên đến con số hàng nghìn cũng chỉ là “rất nhỏ” vì nhiều vụ nạn nhân, gia đình nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm, thậm chí có tình trạng thủ phạm dùng tiền hòa giải với gia đình của nạn nhân hoặc vì “sợ điều tiếng” nên đã không công khai thông tin cho cơ quan chức năng và các vụ việc đó đã không được thống kê, xử lý.
Chú trọng đến việc trợ giúp nạn nhân
Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác phối hợp trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trong phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em của các cơ quan chức năng hiện chưa hiệu quả. Nhưng với cơ chế phối hợp và quy định về trách nhiệm của các cơ quan như hiện nay thì rất khó để định lượng cơ quan nào “có lỗi” nhiều, cơ quan nào “có lỗi” ít trước vấn nạn xâm hại trẻ em. Cuối cùng thì chỉ có trẻ em là phải gánh chịu hoàn toàn những hậu quả khi là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục.
Vấn đề cơ bản nữa là hiện nay luật pháp về bảo vệ trẻ em còn có nhiều khoảng trống. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng và chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em, chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng (là nạn nhân, nhân chứng), bảo mật thông tin, bảo vệ người tố cáo, tố giác tội phạm…
“Có thể nói rằng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc phòng ngừa và xử lý các nguy cơ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em là những “kẽ hở pháp luật” để nhiều kẻ có hành vi suy đồi này vẫn nhởn nhơ, thách thức pháp luật và dư luận, bất chấp nỗi đau của nạn nhân, gia đình nạn nhân” – BS.Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) từng nhận định.
Xuất phát từ thực trạng nhức nhối của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, Báo cáo của đoàn giám sát của QH đã đề xuất nhiều kiến nghị, đáng chú ý là kiến nghị thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do một Phó Thủ tướng phụ trách, cơ quan thường trực thuộc Bộ LĐTB&XH, thành viên Ủy ban là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể hữu quan... Đoàn giám sát cũng đề nghị ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương, tiến hành rà soát, thẩm định điều kiện cấp phép hoạt động, quản lý các “nhóm, lớp trẻ tư thục”, khắc phục tình trạng hoạt động tự phát và chưa bảo đảm an toàn cho trẻ như hiện nay; nghiên cứu cho mở mã ngành đào tạo chức danh “Bảo mẫu”, quy định hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm nuôi trẻ em trong các nhóm trẻ tư thục này...
Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị Bộ Công an rà soát hồ sơ các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị tồn đọng, kéo dài, ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc liên quan đến trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em là người bị hại và người làm chứng. Đặc biệt, theo bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, trước tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em bị xâm hại tình dục diễn biến phức tạp, gây hoang mang cho các gia đình và bức xúc xã hội như vậy, cần đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này làm cơ sở quan trọng để góp phần đấu tranh với tội phạm “ấu dâm”, bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại, bạo lực.
Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển bình thường của trẻ em là nạn nhân các vụ xâm hại, bạo lực.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cho biết, hàng năm, các cơ quan chức năng giám định khoảng 2.000 vụ trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Trong năm 2016 và quý 1/2017, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con.