Vì nhà chồng mà chia sẻ hạnh phúc
Thoạt nghe chuyện của bà Nhâm (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nhâm, sinh năm 1936) cứ ngỡ là tác giả thêm thắt, hư cấu để tạo hứng thú cho người đọc. Nhưng đây thực sự là chuyện có thật ở một làng quê nghèo - thôn Cốc Lương, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Yên Đồng vốn thuần nông, nặng nền nếp phong kiến. Cũng như nhiều cô bé thời ấy, bà Nhâm được gả làm dâu một gia đình trong làng từ khi 13 tuổi. Chồng bà mới 11 tuổi, mũi nhãi chưa sạch tên Đào Khắc Gia (SN 1940). Ngày vu quy, bố mẹ chồng còn phải lấy bánh da lợn dỗ con trai đón dâu. Lấy vợ xong, chồng bà Nhâm tiếp tục cắp sách tới trường, còn bà lo cơm nước và công việc đồng áng.
Vợ chồng ở với nhau sinh được một mụn con gái thì năm 1967 chồng bà đi bộ đội. Nhà chỉ có mình chồng bà là con trai, 3 em gái đã lấy chồng, ở riêng. Chồng đi biền biệt gần 20 năm trời, một mình bà ở nhà chăm sóc mẹ già, con thơ. Phận là dâu trưởng, cũng là con dâu duy nhất nên mọi việc trong nhà dù lớn, bé, ma chay hay cưới hỏi đều do bà lo liệu.
Ngày chồng ra tiền tuyến, con gái của bà mới lên ba. Cứ chiều chiều, khi mặt trời bắt đầu khuất sau những rặng tre bà lại ôm con ra đứng ngóng ở đầu hồi. Nhưng chiến tranh chưa dứt, nước nhà chưa thống nhất thì sao chồng bà có thể rời quân ngũ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 17 năm sau khi đứa con gái nhỏ đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp chồng bà mới trở về. Ngày đoàn viên, vợ chồng, con cái nhìn nhau lệ trào khóe mắt. Năm đó bà Nhâm 48 tuổi.
Bà Nhâm và bà Huệ (người vợ hai) luôn sống yên ấm bên nhau để chăm sóc gia đình. |
Mong đợi mãi nhưng từ ngày chồng về, bà Nhâm lại có phần ít ăn, ít ngủ. Khuôn mặt bà trở nên trầm tư, vẻ suy nghĩ, lo lắng nhiều hơn. Láng giềng thấy lạ hỏi han mới vỡ lẽ bà đang trăn trở việc đi tìm “vợ bé” cho chồng. Bà giãi bày: “Chồng tôi là đích tôn, lại là con trai độc nhất trong nhà mà tôi không sinh được con trai. Giờ tôi ngần này tuổi thì sinh làm sao được nữa. Nghĩ tới cảnh không có người nối dõi tông đường, thấy bất hiếu với bố mẹ chồng, không còn cách nào khác tôi phải đi tìm bà hai để sinh con trai cho chồng”.
Lời tâm sự của bà khiến ai cũng giật mình. Ở đời sao có người dại dột, đang yên đang lành lại muốn “dâng” chồng cho người khác. Họ khuyên nhủ, phân tích rằng bà làm thế khác nào“rước hổ về nhà”, rồi có ngày bà sẽ bị mẹ con “vợ bé” đuổi ra đường trắng tay…
Tuy nhiên, bà Nhâm vẫn kiên trì ý định của mình. Hỏi han mãi, bà cũng tìm được một cô gái tuổi 25 nết na ở làng bên tên là Dương Thị Huệ (SN 1960). Cũng chẳng hiểu do duyên số hay do bà khéo thuyết phục, cô gái trẻ chưa từng qua “một lần đò” đồng ý làm vợ hai. Chồng bà Nhâm thoạt đầu nghe vợ nói cũng phản đối gay gắt, nhưng bà thuyết phục mãi cũng đành thuận theo. Đám cưới diễn ra chỉ vài tháng sau đó.
Hạnh phúc là cho đi mà không cần nhận lại
Hai năm sau, người vợ thứ hai sinh hạ một bé trai kháu khỉnh; rồi hai năm sau nữa lại sinh đôi hai bé trai. Niềm vui tràn ngập căn nhà nhỏ. Người vợ thứ hai vui chín phần thì bà Nhâm vui mười phần. Bà mãn nguyện vì từ đây trách nhiệm của bà đã hết nặng nề. Người con gái duy nhất của bà đã đi lấy chồng, bà chỉ còn tập trung chăm sóc cho ba con trai. Thế nhưng, mọi người lại lo thay gia đình bà, lo bà cậy quyền “vợ lớn” ức hiếp “vợ bé”, hoặc “vợ bé” cậy con “đè” lại bà…
Tuy nhiên, gia đình hai người đàn bà chung chồng vẫn yên ấm. Mọi việc từ đồng áng tới nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa hay tắm rửa cho các con, họ tự bảo ban nhau làm, hoặc ai thấy việc thì làm. Hơn 20 năm trôi qua, ngôi nhà ấy chưa một lần xảy ra to tiếng cãi vã, đánh chửi nhau. Mùa hè, hai người vợ mỗi người nằm một giường nhưng khi đông đến, họ rủ nhau ngủ cùng cho ấm.
Người chồng không có khái niệm vợ cũ, vợ mới, bên trọng, bên khinh mà đối xử rất công bằng. Tiền lương, tiền hỗ trợ hàng tháng được ông chia làm ba phần: ông giữ một phần, vợ cả giữ một phần và vợ hai giữ một phần. Những người con gọi bà Nhâm là mẹ già, bà hai là mẹ trẻ.
“Mẹ già tính tình ít nói nhưng rất tâm lý. Mẹ không bao giờ mắng, đánh con cái. Nếu con cái có làm sai, mẹ chỉ ngồi cạnh rồi lựa lời khuyên răn. Còn mẹ trẻ tính cách hoàn toàn ngược lại. Mẹ trẻ rất nóng tính, thẳng tính, hay nói to nhưng sau đó quên ngay. Chúng tôi yêu quý hai mẹ như nhau. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, khi chúng tôi ốm, mẹ già luôn ôm ấp rồi bế đi mua kẹo, mua đồ chơi để dỗ dành…” - người con trai thứ hai Đào Văn Thơ (SN 1989) kể về hai người mẹ của mình.
Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ấy sống bình dị mà luôn vui vẻ, hạnh phúc. Tài sản chung quý giá nhất của ba vợ chồng là cô con gái lớn và ba người con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành thành đạt. Một người đã tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một người làm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, một người làm nghề lái xe taxi. Ai cũng hiểu thành quả hôm nay mà họ có là nhờ bà Nhâm đã biết cho đi mà không cần nhận lại…