Lễ hội đình Vạn Ninh được tổ chức từ mùng 9 đến mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội diễn ra trang trọng, tôn nghiêm, quy củ với phần lễ gồm: Lễ cáo yết, lễ rước thần, lễ tế...; và phần hội với nhiều hoạt động phong phú gồm: Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, hát đối, các trò chơi bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, kéo co.
Năm 2008, đình Vạn Ninh được phục dựng lại trên nền móng cũ là một gò đất cao, địa thế khá đẹp theo hướng Đông Nam, với diện tích khuôn viên hơn 1.000m2 và diện tích ngôi đình rộng 200m2. Năm 2011, đình Vạn Ninh được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ, huyện Bình Liêu. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định 3421/QĐ-BVHTTDL đưa nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo tiếng Sán Chỉ, soóng cọ có nghĩa là ca hát, hát đối, hát giao duyên. Lời hát gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng). Soóng cọ do từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn.
Trước kia, Ngày hội soóng cọ, đồng bào Sán Chỉ còn gọi là Hội hát tháng Ba thường diễn ra vào cuối mùa xuân, khi vụ cấy đã xong, trai gái hò hẹn nhau tụ hội lên đồi, ra suối để bày tỏ tình cảm yêu thương, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn, những công việc hàng ngày để quên đi mệt mỏi, chia sẻ những lời tâm sự, ước mơ cho một cuộc sống ấm no.
Hội soóng cọ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Sán Chỉ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, biến di sản văn hóa thành tài sản du lịch.