Lễ hội Gầu tào của người Mông Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lễ hội 'Gầu tào' của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn (Yên Bái) vừa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Gầu tào của người Mông Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tại quyết định số 2318/QĐ-BVHTTDL ngày 09/08/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Lễ hội Gầu tào của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình Lễ hội truyền thống.

Lễ hội Gầu tào của người Mông Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo Yên Bái)

Lễ hội Gầu tào của người Mông Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo Yên Bái)

Đây là một lễ hội truyền thống lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái diễn ra vào những ngày đầu năm mới.

Gầu Tào là dịp cúng tạ đất trời, cầu mong thần linh phù hộ cho năm mới bình an, sức khỏe, "mưa thuận gió hòa", mùa màng bội thu. Đây cũng là lễ hội tiêu biểu mang đậm nét bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Mông, tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần từ ẩm thực, trang phục đến các di sản văn hóa phi vật thể có liên quan về tập quán xã hội và tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết...

Việc Lễ hội Gầu tào của người Mông tỉnh Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tín hiệu đáng mừng không chỉ với đồng bào người Mông tỉnh Yên Bái mà còn là của đồng bào người Mông nói chung và toàn tỉnh Yên Bái, đây là cơ hội, là bước đệm để Yên Bái từng bước triển khai công tác gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ du lịch văn hóa, góp phần phát triển đời sống kinh tế – xã hội.