Kho lương thực chính trong kháng chiến chống Nguyên - Mông
Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là một trong các địa danh lịch sử có liên quan mật thiết đến những trang sử hào hùng của nhà Trần và cuộc đời, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (dân gian gọi là đức Thánh Trần).
Ngôi đền thiêng ngoài thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn còn thờ gia quyến và các tướng lĩnh có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13. Tương truyền, trên đường đi đánh quân Nguyên- Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như: Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật… những tên cổ gắn với việc đồn trú của quân đội nhà Trần.
Sau chiến thắng, Người đã làm lễ khao quân tại chính kho lương này, vừa là dịp ban thưởng cho các bộ tướng, quân lính, vừa để tri ân nhân dân nước Việt đã chung sức, đồng lòng làm nên chiến thắng. Sau này, tưởng nhớ công ơn đức Thánh Trần, lễ khao quân được nhân dân tổ chức thành lễ hội phát lương tại đền Trần Thương.
Cổng vào khu di tích đền Trần Thương |
Lễ hội phát lương đầu năm tại đền Trần Thương diễn ra vào đêm 14 tháng giêng hàng năm. Đây là lễ tái hiện nghi lễ Hưng Đạo Vương phát lương khao quân sau khi chiến thắng giặc Nguyên lần thứ ba. Lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Nghi lễ phát lương có ba phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ. Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu. Phần thứ ba là rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ. Sau đó các túi lương tượng trưng gồm năm loại hạt (đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng) cùng ấn phù của đền Trần Thương được phát cho quan khách và nhân dân với mong ước một năm mới bình an, hạnh phúc và no ấm.
Đền Trần Thương |
Lễ hội đền Trần Thương hàng năm diễn ra vào 18 đến 20 tháng 8 âm lịch. Tại lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, tục thi đặc sắc, độc đáo nhất là lễ rước nước và thi bơi chải trên sông. Các nghi thức trên vừa mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, “Phong đăng, hòa cốc”, “Quốc thái dân an”, nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần vốn quen nghề sông nước. Bên cạnh đó còn tổ chức “Diễn sướng Thanh đồng”, một lễ nghi đặc sắc có từ lâu đời với thành phần tham gia đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Tự hào Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt
Quần thể kiến trúc đền Trần Thương hiện nay gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng… Cổng vào đền Trần Thương gọi là tam quan ngoại. Cửa chính cao hai tầng, tầng dưới có dạng cuốn hình vòm, xung quanh có trang trí hoa văn, tầng trên là gác chuông tám mái. Bên trong gác chuông có treo một quả chuông lớn. Hai cổng phụ của tam quan có đôi ngựa được đắp nổi phía dưới, phía trên là hoa sen. Bức tường ngoài cùng của tam quan là đôi voi chầu cùng hoa sen, hoa cúc và đôi cột có đèn lồng và đôi nghê chầu phía trên.
Một góc Khu di tích đền Trần Thương |
Qua tam quan là con đường chính lát gạch đỏ, rộng rãi đi vào sân đền. Trước cột đồng trụ là hai cái giếng Nhũ hai bên được kè đá xanh. Qua hàng cột trụ bề thế là mọt bức bình phong, chính giữa là chữ thọ, xung quanh là cảnh rồng chầu, phượng múa.
Đền được xây dựng theo hình chữ Quốc nên trông vuông vắn, trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng”. Theo thứ tự từ ngoài đền vào trong thì cung đầu tiên là cung Đệ Tam, là nơi thờ Ban Công đồng và quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách.
Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời… tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian.
Đền Trần Thương còn có 5 cái giếng cũng là điểm độc đáo, trước đền có 2 giếng mà dân gian thường gọi là hai “vú”. Con đường chạy vòng quanh là hai tay ngai, bên Đông, bên Tây còn có hai giếng nữa được gọi là hai “tai”. Nền trước cung Đệ Tam có một giếng tròn nuôi rùa mà dân gian gọi là “hố”, “khẩu”. Tất cả cấu trúc của đường, giếng tạo nên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng”, “ngũ mã thất tinh”.
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương còn giữ lại được nhiều đồ thờ cúng cổ như ngai thờ, khám thờ, sập, nghê, rùa, bát hương và những vật dụng khác như hoành phi, câu đối, đại tự, lục bình, bát hương, bát đĩa, chén đôn, chuông cổ, chiếc kiếm bạc có vỏ được làm bằng đồi mồi rất quý chỉ được đưa ra thờ vào những ngày lễ hội.