Cụ thể, Tòa án Hiến pháp Đức phán rằng chương trình của ECB mua về trái phiếu nhà nước của các nước thành viên EU có phần không phù hợp với Hiến pháp nước Đức - được coi là Luật cơ bản ở nước này. Tòa này yêu cầu chính phủ Đức và Ngân hàng liên bang Đức phải giải trình về mức độ của chương trình kia của ECB, hàm ý ở đây là chừng nào tòa này chưa đồng ý thì Ngân hàng liên bang Đức không được phép tham gia vào chương trình nói trên của ECB.
Điều đáng chú ý ở đây là chương trình này của ECB đã được Tòa án Châu Âu coi là phù hợp với luật pháp hiện hành của EU. Tức là ở đây có chuyện luật pháp chung của EU và luật pháp của nước Đức, có chuyện toà án quốc gia của Đức và toà án chung của EU, có chuyện phép vua và lệ làng. Đối với EU và ECB, ở đây còn có chuyện tính độc lập về chức năng của ECB và sự can thiệp cũng như tác động từ phía quốc gia thành viên EU tới chính sách tiền tệ của ECB.
Bfa Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu dọa sẽ mở một vụ kiện pháp lý chống lại Berlin. |
Chương trình của ECB mua về trái phiếu nhà nước của các nước thành viên là bộ phận trong một kế hoạch tiền tệ lớn của ECB nhằm duy trì tỷ lệ lạm phát của khu vực các nước thành viên EU sử dụng đồng tiền chung Euro thấp hơn 2%. ECB đưa ra và thực thi kế hoạch này vì sứ mệnh bẩm sinh của nó là đảm bảo sự ổn định của giá trị của đồng Euro.
Cách làm của ECB ở đây rất đơn giản là: Một khi ECB tung tiền ra mua về trái phiếu nhà nước của các nước thành viên EU thì lãi suất của trái phiếu này sẽ giảm và như thế các nước thành viên EU liên quan không phải chi nhiều tiền của để trả lãi cho trái phiếu nhà nước của họ, đồng thời các ngân hàng thương mại lại có được nguồn tiền dồi dào để cấp phát tín dụng cho giới kinh tế duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những người phê phán kế hoạch này của ECB lại nhìn nhận đấy là cách ECB giúp chính phủ các nước thành viên EU liên quan trong việc tài chi cho ngân sách nhà nước của họ và những việc như thế ECB bị cấm triệt để. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức không xác nhận bản chất sự việc như thế nhưng cho rằng một khi mức độ của kế hoạch này không hợp lý thì sự việc có thể có bản chất như thế. Dù thế nào thì phán xử ấy của Tòa án Hiến pháp nước Đức cũng vừa bác bỏ phán quyết của Tòa án châu Âu, lại vừa can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền tệ của ECB.
Tòa án Hiến pháp là toà án cao cấp nhất ở nước Đức và cũng còn là cấp tòa xét xử cuối cùng ở đất nước này. Chính phủ Đức và Ngân hàng liên bang Đức không thể không theo. Trong khi đó, Uỷ ban EU và ECB lại không bị ràng buộc gì bởi mọi phán xử của toà án thuộc mọi cấp ở các nước thành viên. Đồng thời, như mọi thành viên khác của EU, chính phủ Đức và Ngân hàng liên bang Đức lại bị ràng buộc vào luật pháp chung của EU, tức là phải công nhận và tuân thủ mọi phán quyết của Toà án châu Âu.
Ở đây, vào thời điểm hiện tại chưa hẳn có chuyện phép vua thua lệ làng vì tất cả các bên liên quan đều chưa biết phải hành xử tiếp theo trong chuyện này như thế nào, nhưng rõ ràng đang có chuyện phép vua bị lệ làng đối kháng. Nếu rồi đây càng ngày càng có thêm nhiều thành viên EU nữa thách thức và hoài nghi phép vua như Tòa án Hiến pháp Đức thì EU không bị hại danh thì cũng bị tổn uy tín.