Ông là Lê Phụng Hiểu, người đã có công khai sinh ra loại ruộng đặc biệt trong lịch sử nước Nam: Thác đao điền - ruộng ném đao.
Ghi chép trong “Việt Nam danh nhân từ điển” cho hay, Lê Phụng Hiểu vốn “người làng Băng Sơn, huyện Hoằng Hóa (thuộc tỉnh Thanh Hóa)”. Có sức khỏe phi thường. Tổ tiên của ông, trong “Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa” cho biết, là Lê Thức, vốn có công với quê hương nên được phong Định Phiên.
Sức khỏe hiếm ai bì
Hình dung của Hiểu, được “Việt điện u linh tập” miêu tả là “thân hình cao đại, kỳ vĩ, mày râu dài và rậm, sức mạnh hơn người”… “lúa gặt ba mẫu mà chỉ gánh một gánh, bữa cơm hai mươi người ăn mà chỉ ăn một bữa thì cái dị lực của Vương ra làm sao!” Cũng bởi nức tiếng về sức khỏe, nên ông là đô vật có tiếng với nghệ danh đô Bưng, theo tên nôm của làng ông xuất phát từ tên của núi Băng Sơn, hay núi Bưng.
Nơi “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” còn ghi, giữa hai làng Cổ Bi và Đàm Xá tranh giành đất đai. Làng Đàm Xá cậy đông người đã chiếm hẳn doi đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuộc về làng Cổ Bi. Lê Phụng Hiểu nói với các phụ lão trong thôn: “Tôi một mình có thể đánh bọn chúng nó được”.
Dân làng Cổ Bi bày ra nhiều mâm cỗ to để thiết đãi. Ông đủng đỉnh ăn đến vài đấu gạ, uống rượu thật nhiều rồi ra khiêu chiến với dân Đàm Xá, “tự mình nhổ cây rồi hiên ngang đánh với đối phương, làm cho quân bên địch bị thương tổn rất nhiều, họ sợ không dám đến gần ông”. Từ đó, Đàm Xá không dám ỷ thế cậy đông mà chèn ép làng Cổ Bi nữa.
Uống liền mấy bát nhổ cây đánh,
Dẹp được hai làng tranh ruộng nương.
Truyền rằng, Lê Phụng Hiểu rất ham món vật. Bấy giờ nơi làng Vồm (thuộc huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa ngày nay) có ông Tuấn, tục gọi là ông Vồm có tiếng là khỏe, ít ai vật thắng nổi. Ông Vồm biết tiếng Hiểu cũng là tay vật giỏi, liền cưỡi ngựa tìm đến thôn Bưng để thi thố tài cao thấp, nhưng lúc ấy Hiểu lại đương vào rừng kiếm củi. Đến thôn Bưng, nghe danh sức khỏe khác người của Lê Phụng Hiểu, ông Vồm chột dạ, sợ không dám đấu nữa, quay ngựa mà về.
Nhưng kể ra cũng không may, bởi sau đó, Hiểu từ rừng về, nghe kể lại việc có kẻ đến thách vật với mình, mà lại đã về. Tức chí, Hiểu chẳng nói chẳng rằng, vứt luôn bó củi xuống đất, cứ thế chạy đuổi theo hướng dân làng chỉ. Chẳng bao lâu sau thì đuổi kịp đô Vồm lúc này đã về gần đến làng.
Ông Vồm biết ngay là kẻ mình định thách đấu, nhưng chưa kịp đối phó thì đã bị Hiểu xông tới túm cổ, vung Vồm lên cao rồi quật chí mạng vào vách đá ngay cạnh, đến nỗi vách đá lõm xuống, sau gọi là núi Vồm. Dĩ nhiên giai thoại ngoa truyền này, xét ra, hẳn để thần thoại hóa sức mạnh của họ Lê mà thôi. Ca ngợi tài đức ông, về sau dân gian có câu hát:
“Đức đại vương tài khí anh hào.
Khi giơ gươm, khi nhảy ngựa,
khi chia đất, lúc quăng dao”.
Giúp vua dẹp loạn tam vương
Tiếng tăm của ông vượt khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng biết đến và nể sợ. Theo “Ngự chế Việt sử tổng vịnh”, thì “Lý Thái Tổ nghe chuyện, vời ra làm tướng”. Ông rất được lòng vua nên được thăng chức Võ Vệ tướng quân. Được trọng dụng, Võ Vệ tướng quân Phụng Hiểu hết lòng phụng sự nghiệp đế của Công Uẩn. Đến tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), trị vì được 19 năm, vua Lý Thái Tổ mất. Loạn tam vương diễn ra, cũng từ sự kiện này, Lê Phụng Hiểu có dịp thể hiện lòng trung hiếu của kẻ làm tôi.
Khi ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin vua cha Thái Tổ băng, và Thái tử Lý Phật Mã theo di chiếu chuẩn bị lên ngôi thì manh tâm muốn cướp ngai vàng, liền hợp nhau lại đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành Thăng Long đánh úp Lý Phật Mã, trong khi di hài cha còn chưa chôn cất. Là kẻ trung thần, tuân lệnh phò giá, Lý Nhân Nghĩa, Lê Phụng Hiểu và nhiều vị tướng sĩ khác tuốt gươm mà dẹp loạn.
Theo “Đại Việt sử ký tiền biên” ghi lại thì: “Quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”.
Lê Phụng Hiểu nhổ cây đánh dân Đàm Xá |
Rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Đã biết tiếng sức mạnh hơn người của viên tướng họ Lê, Vũ Đức Vương quay ngựa tránh, Phụng Hiểu lia gươm làm đứt rời chân ngựa, ngựa quỵ xuống, Vũ Đức Vương bị Phụng Hiểu bắt giết. Hai vương khác cùng lính phản loạn thấy thế thì quay giáo hàng, loạn tam vương được dẹp tan.
Bởi sự kiện này, Phụng Hiểu được vua mới Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) trọng dụng hơn bội phần, mới khen rằng: - Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại đều là nhờ sức của các khanh cả. Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều”. Rồi phong cho làm Đô Thống Thượng tướng quân, phong tước hầu. Nơi “Đại Nam quốc sử diễn ca”, còn ghi lại sự kiện này:
“Trận tiền giết Vũ Đức vương,
Đông Chinh, Dực Thánh tìm đường chạy xa”.
Tháng Giêng năm Giáp Thân (1044), vua Thái Tông Nam chinh đánh Chiêm Thanh. Là tướng tài, Phụng Hiểu lĩnh ấn tiên phong đại phá binh giặc, tiếng dậy nước Phiên, bắt được cả vợ con của vua Chiêm Sạ Đẩu. Sau khi khải hoàn, vua định công ban thưởng, kẻ thì được áo gấm, lụa là, người thì thưởng tước, tăng ngạch quan. Nhân gian được xá một nửa tiền thuế trong năm. Riêng Lê Phụng Hiểu thì khác.
Ném đao lấy ruộng
Xuất thân từ phận chân lấm tay bùn, tuổi thơ gắn liền với nghiệp nông tang mà thời Lý, “dân dĩ nông vi bản” (dân lấy nông nghiệp làm gốc), nên mảnh ruộng, con trâu là của cải quý giá với nhà nông.
Bởi thế, với Lê Phụng Hiểu, dù là tướng quen việc võ biền, nhưng ông cũng biết rằng, chức tước chỉ là phù du, nay thăng mai giáng, còn sản nghiệp thì không đâu bằng ruộng vườn. Do đó, ông thưa với đấng kim thượng: - Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi xuống chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp.
Nghe cái sự cổ kim chưa có bao giờ, nhưng vì công trạng của vị tướng Nam chinh, vua chuẩn lời. “Việt điện u linh tập” chép: “Phụng Hiểu mới trèo lên chóp núi Băng Sơn, xách dao ném một cái, dao đi xa hơn 10 dặm, cắm vào địa phận làng Đa Mi”. Còn “Toàn thư” cũng có đề cập tới chi tiết này: “Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa hơn đến nghìn dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi.
Vua bèn lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy. Vì vậy người châu Ái gọi ruộng thưởng công là ruộng ném đao)”. Tương truyền, chỗ Phụng Hiểu đứng ném đao chính là khoảng đất bằng Mã Yên của núi Băng Sơn. Tài ném dao xuất chúng đó của ông hàng trăm năm sau còn được dân gian lưu truyền:
Quăng dao, múa kiếm lừng danh,
Sáu trăm năm lẻ, sử xanh còn truyền.
Làng Bưng, theo “Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa” nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa. Xem “Đại Nam nhất thống chí” thì ngọn núi Băng Sơn “có tên nữa là Mộc Sơn ở huyện Hoằng Hóa, có hai ngọn nổi vọt lên ở giữa đồng bằng, trong ấy một ngọn hai đầu cao vót mà quãng giữa bằng phẳng nên lại gọi là núi Mã Yên, tức chỗ ném đao của Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu đời Lý”.
Truyện tranh về Lê Phụng Hiểu |
Đến thời Trần ruộng thác đao điền vẫn còn tồn tại và đánh thuế. Đây là loại ruộng đặc biệt được biết đến do Lê Phụng Hiểu ném đao mà thành bên cạnh những ruộng sơn lăng, ruộng quân điền, ruộng tịch điền, ruộng hậu thần, hậu Phật... Và danh tiếng Phụng Hiểu với thác đao điền, thì truyền đời ghi mãi, tỉ như “Thiên Nam ngữ lục” còn ghi lại:
“Ơn vua cáo lão nhàn ngơi,
Cấp xin điền lộc để tôi dưỡng mình.
Chi nhiều tổn lộc triều đình,
Cổ đao nhiều ít làm danh công thần.
Thủy sơn lên núi đề chân,
Đao đưa mười dậm đến gần Mỹ Hương.
Lấy làm ơn nước lộc thường,
Ái Châu bán ruộng hiệu đồng thác đao”.