Lên đại ngàn nghe giai thoại về hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam nổi tiếng với những thú ăn chơi "độc nhất vô nhị" trở thành giai thoại trong dân gian. Cưỡi voi, săn hổ, du ngoạn "hồ thủy quái"… là những chuyện thú vị được người dân Tây Nguyên đồn thổi khi nhắc về vị vua này.
Biệt điện Bảo Đại tại Buôn Ma Thuột.
Biệt điện Bảo Đại tại Buôn Ma Thuột.

Du ngoạn "hồ thủy quái"

Trước khi đổ vào dòng Sêrêpôk hùng vĩ, các mạch nước từ dãy núi Chư Yang Sin được dồn lại tạo thành hồ Lắk rộng lớn. Hồ nước ngọt rộng lớn này là báu vật vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk đầy nắng gió. Địa danh trên không chỉ nổi tiếng bởi truyền thuyết, “thuở xa xưa, thần lửa đã chiến thắng thần nước sau một cuộc chiến quyết liệt kéo dài nhiều mùa rẫy, khiến buôn làng người M'Nông bị chìm đắm trong đại hạn. Trong lúc đó, có một chàng trai tên Y Lắk được sinh ra giữa cuộc tình ngang trái của cô gái M'Nông với thần lửa. Để chuộc lại lỗi lầm của cha mẹ, chàng trai đã ra đi tìm nguồn nước để cứu dân làng thoát khỏi hiểm họa diệt vong.

Sau nhiều ngày đêm vượt qua núi non hiểm trở đầy thú dữ, trên hành trình gian khổ đó, chàng đã cứu một chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá đang nằm chờ chết. Để trả ơn cứu mạng, con lươn đã dẫn chàng trai đến một hồ nước mênh mông. Vui sướng trở về, chàng trai đã dẫn người M'Nông đến định cư tại đây và hồ Lắk có tên từ đó”.

Mà hồ Lắk còn hấp dẫn bởi những nét hoang sơ, yên bình vẹn nguyên như từ thuở hồng hoang. Ngắm từ xa, hồ nước trông mềm mại và quyến rũ đến lạ kỳ. Khi lại gần, nước hồ Lắk xanh thẳm lại phản chiếu cảnh vật xung quanh trông lung linh, huyền ảo như cảnh tiên dưới trần thế. Cũng bởi mê đắm cảnh đẹp đó mà cựu hoàng Bảo Đại đã chọn hồ Lắk làm nơi nghỉ dưỡng sau một ngày săn bắn mệt mỏi.

Theo đó, vào khoảng năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại lãnh chức vụ Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia. Thời gian này, phu nhân Mộng Điệp được Bảo

Đại đón lên Đà Lạt. Khi Pháp trả Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia, sau khi lập Tây Nguyên thành thể chế đặc biệt Hoàng triều cương thổ (Bảo Đại ký Sắc luật thành lập ngày 15/4/1950), cựu hoàng Bảo Đại đã cử bà Mộng Điệp lên Buôn Ma Thuột giữ đất Tây Nguyên.

Ngay sát hồ Lắk có một khu rừng nguyên sinh được gọi là rừng Mê Vạn, trong đó, nơi ngọn đồi Bảo Đại thường nghỉ ngơi được xây dựng một khu biệt điện xa hoa theo phong cách hiện đại.

Xa xưa, hồ Lắk được người đời ví là “hồ thủy quái” vì cá sấu khổng lồ nhung nhúc hiện diện ở khắp nơi. Không cưỡng lại sức hấp dẫn thú vị của “hồ thủy quái” cựu hoàng Bảo Đại thường dẫn thứ phi Mộng Điệp trên ca nô quanh hồ để sân cá sấu.

Biệt điện Bảo Đại tại hồ Lắk (Đắk Lắk).Biệt điện Bảo Đại tại hồ Lắk (Đắk Lắk).

Ngoài nghỉ dưỡng, biệt điện này còn có vai trò là một “trại săn” của vua Bảo Đại. Việc chuẩn bị cho những chuyến đi săn dài ngày từ Đà Lạt sang hồ Lắk bao giờ cũng quy mô và kỳ công khi vừa đảm bảo sinh mạng vua và vừa thỏa mãn cảm giác tự do khám phá, chinh phục thiên nhiên của cựu hoàng.

Bảo Đại đam mê săn thú đến nỗi, nhiều khi trời đã về khuya mà ông vẫn xách súng lên xe Jeep vào rừng. Theo lời những cận vệ cuối cùng thì Bảo Đại là một tay săn tầm cỡ. Hơn nữa, trong dinh thự của ông, nền nhà phủ da thú làm thảm. Đôi khi ông vào rừng chỉ để thả bộ và suy tưởng, một mình thưởng thức sự thanh vắng, u tịch trong rừng khuya.

Trong thời gian nghỉ dưỡng ở hồ Lắk, cựu hoàng Bảo Đại thường leo lên những chỗ cao để phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh xinh đẹp quanh hồ. Một lần, đứng trên ngọn đồi ngắm cảnh ông đã phát hiện ra một buôn làng ẩn hiện bên những cánh đồng lúa xanh rì, cạnh đó là dòng suối uốn khúc tựa như một dải lụa thiên thanh, quyến rũ đến lạ kỳ. Sau đó, ông còn cho xây dựng khu bãi tắm ngay tại dòng suối B’Lào (chảy trên địa phận xã Đắk Liêng, huyện Lắk ngày nay - PV).

Cưỡi bạch tượng đi săn

Giai thoại cũng kể rằng, cũng tại Lắk, vị vua “thích chơi ngông” bậc nhất này đã cho lập một cánh đồng voi rộng lớn ở giữa buôn Liên (huyện Lắk), để làm nơi chăn thả đàn voi hàng trăm con. Những thớt voi đẹp nhất được vua Bảo Đại tập hợp từ tất cả các buôn làng trong Tây Nguyên, dưới hình thức cống tiến. Mỗi buôn trong vùng phải đóng góp cho vua và phải cắt cử những thợ voi giỏi nhất làm nài huấn luyện đàn voi của ông.

Với người Tây Nguyên, voi trắng là vua của các loài voi, không chỉ bởi dáng vẻ oai phong, bệ vệ, mà còn bởi nó là một trong những linh vật trong đời sống tâm linh.

Bạch tượng trong khuôn viên biệt điện.

Bạch tượng trong khuôn viên biệt điện.

Theo một số tài liệu, trong đàn voi của mình, cựu hoàng Bảo Đại có một con voi trắng (Bạch tượng) do tù trưởng R'Leo K'Nul (cháu của Vua săn voi Y Thu K'Nul) cống tặng. Thậm chí, R' Leo K' Nul còn thành lập cho vị vua này một đội voi săn "Hoàng Gia Bảo Đại".

Bà Mộng Điệp và một viên quản tượng của Bảo Đại từng tiết lộ: Mỗi con voi của Bảo Đại đều có một tiểu sử ly kỳ. Đặc biệt nhất là voi trắng – còn có tên là Buôn Con (voi đực, cao đến 3m) - được Bảo Đại cưng nhất và ông đã cưỡi trong các cuộc săn voi. Mỗi năm, nhà vua còn tổ chức một cuộc săn voi rừng một lần, hay tổ chức đua voi vượt hồ Lắk.

Khi đó, lần đầu đến bản Đôn, Bảo Đại được tù trưởng R'Leo K'Nul cho mượn Buôn Con để đi săn. Thấy Buôn Con tinh khôn, Bảo Đại mê hết sức và ngỏ ý muốn mua bằng bất cứ giá nào. Nhưng không ngờ, vị tù trưởng này từ chối không bán. Bảo Đại thất vọng ra về, nhưng cuối cùng, với sự điều đình của viên công sứ sở tại, sau khi tổ chức nhiều buổi hội hè, R'Leo K'Nul mềm lòng tặng Buôn Con cho nhà vua. Bảo Đại mừng rỡ liền cử một đoàn quản tượng đưa ngay Buôn Con ra nhập với bộ sưu tập thú rừng của mình.

Vua Bảo Đại xem bạch tượng như báu vật linh thiêng, rất chiều chuộng, yêu thương, nên cắt cử cả một đội quân suốt ngày chăm sóc. Mình voi được khoác áo kim tuyến đắt giá, bành trên lưng để chở vua được mạ vàng, cổ đeo vòng vàng nặng đến 7kg, xích chân cũng được mạ vàng.

Tuy nhiên, sau khi Bảo Đại thoái vị thì đội quân đông đúc phục vụ bạch tượng cũng bị giải tán, “ngài trắng” không còn được chiều chuộng, cung kính như trước nữa. Bên cạnh đó khẩu phần ăn cũng bị cắt giảm, thức ăn không ngon nên bạch tượng liên tục bị đói.

Nghĩ mình bị bội bạc, ngược đãi nên nó đã quật chết quản tượng, phá đứt sợi dây xích, bỏ biệt thự sang trọng nơi miền đất sương mù Đà Lạt, chạy vào rừng sâu sống cuộc đời hoang dã, chấm dứt một thời tù hãm nơi “cung vàng, điện ngọc”.

Đọc thêm