Linh thiêng ba pho tượng đá Tam Thế quý hiếm từ thời Trần

(PLVN) - Ba pho tượng Tam Thế của chùa Linh Ứng nằm trong số hiếm những pho tượng đá xanh được tạo tác từ đời nhà Trần còn sót lại. Ba pho tượng được đánh giá là độc nhất vô nhị, tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc đá thời Trần còn được lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. 
Hình ảnh 3 bức tượng Tam thế tại chùa Linh Ứng.
Hình ảnh 3 bức tượng Tam thế tại chùa Linh Ứng.

Kế thừa nét tinh túy điêu khắc của ba triều đại phong kiến

Theo Hồ sơ di sản, ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng (thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đều được tạo tác bằng đá khối với kích thước rất lớn nặng khoảng vài tấn. Tượng được tạo tác toàn thân trong khối đóng kín với thân hình to lớn mập mạp.

“Sự độc đáo còn thể hiện ở phần bệ tượng với kiểu dáng và những mô típ hoa văn trang trí đó kế thừa được những nét tinh túy của nghệ thuật thời Trần và thời Lê Sơ, thời Mạc mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật Pháp”, nội dung trong Hồ sơ di sản. 

Văn bia tại chùa Linh Ứng ghi lại rằng, tượng Tam Thế chùa Linh Ứng được tạo tác vào thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng. Các bức tượng tạc bằng chất liệu đá xanh, hình thể nở nang, nét chạm to khỏe phóng khoáng, có chiều cao cả bệ khoảng 2,7m, được bố cục thành ba phần: tượng, đài sen, bệ.

Trong đó, pho tượng ở giữađược tạc bằng đá khối với thân hình to lớn cao 1,46 m, cả bệ 2,59 m. Tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền định, tư thế “bán kiết già” trên toà sen. Đầu tượng to, sọ nở, tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo. Khuôn mặt nữ tính, đầy đặn, phúc hậu, lông mày cong lá liễu, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, miệng mỉm cười độ lượng, tai to chảy dài. 

Thân hình bức tượng to lớn, nở nang, trên người mang 3 lớp áo mềm mại. Trong đó, lớp áo ngoài choàng qua bờ vai, lớp trong phủ kín toàn thân, lớp trong cùng phía trên để hở ngực đeo dây “anh lạc”. Diềm áo bên ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen. Tay phải giơ lên trong tư thế kết ấn (ba ngón cuối giơ lên, ngón chỏ và ngón cái cong cụp vào lòng bàn tay). Tay trái để úp nhẹ nhàng trên đùi trái. Hiện trạng một góc đùi trái bị vỡ. 

Chùa Linh Ứng.
Chùa Linh Ứng.  

Đài sen của bức tượng thứ nhất cũng được làm bằng đá khối lớn với 3 lớp cánh xen kẽ nhau nở rộ (mỗi lớp 16 cánh).Lớp cánh sen trên cùng để trơn. Lớp cánh sen ở giữa cánh to mập và được chạm nổi hình “rồng đơn” xen kẽ với “rồng đôi” chầu vào viên ngọc đang toả sáng. Lớp cánh sen dưới, cánh chạm nổi rồng chầu ngọc xen kẽ với cánh chạm hoa cúc dây. Rồng có thân hình mập mạp, mình trơn không vẩy, đầu có mào bờm tóc bốc lên cao.

Bệ tượng được chia làm ba phần. Phía trên là trụ tròn bẹt và được chạm nổi một đôi rồng lớn đang chầu vào một viên ngọc. Phần bệ tiếp theo là 2 lớp cánh sen to mập và đầu cánh sen chạm nổi vân mây cuộn; lớp trên chạm nổi những hạt nhỏ xếp theo hình hoa. Phần bệ cuối cùng tiếp đất được tạo theo kiểu bát giác ba cấp.

Pho tượng thứ hai (bên tay trái) được tạo tác tương tự như pho ở giữa, nhưng khác trong tư thế ngồi thiền, thế tay kết ấn và một số chi tiết trang trí trên đài sen và bệ. Bức tượng cao 1,46 m, đầu to sọ nở, tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo, tai to dài, mặt đầy đặn phúc hậu, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, môi mỉm cười độ lượng. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen, tay phải giơ lên kết ấn theo kiểu (ngón chỏ, ngón giữa giơ lên, còn ngón cái, ngón nhẫn và ngón út thì cong cụp vào lòng bàn tay); tay trái để ngửa nhẹ nhàng trên lòng đùi. 

Áo tượng ba lớp, lớp ngoài choàng qua vai, lớp trong choàng kín người để hở cổ và ngực đeo dây anh lạc, trước bụng thắt “con ro”; diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen. Đài sen của bức tượng thứ hai được tạo bằng đá khối lớn ới 3 lớp cánh sen to mập, nở rộ, đầu các cánh sen chạm nổi mây cuộn. Phần bệ tượng cũng được chia làm 3 phần.

Hình tượng rồng trên bệ tượng.
Hình tượng rồng trên bệ tượng.  

Ở pho tượng cuối cùng (bên tay phải) tượng cũng được tạo tác tương tự như hai pho bên, nhưng khác trong tư thế ngồi thiền, thế tay kết ấn, một số chi tiết trang trí trên đài sen và bệ. Tượng có thân hình nở nang to lớn, tượng cao 1,42m, thấp hơn một chút so với hai tượng bên. Đầu tượng to, sọ nở tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo, tai to dài, mặt đầy đặn phúc hậu, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, môi mỉm cười độ lượng. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen. Hai tay để nhẹ nhàng trên đùi kết ấn “tam muội”. Áo tượng được chạm khắc như bức tượng thứ hai. 

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu: “Cả 3 pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng được tạo tác cơ bản là giống nhau, cùng chất liệu bằng đá xanh, đã ngả màu xám; toàn thân tượng trong khối đóng kín với thân hình nở nang to lớn, được bố cục thành 3 phần (tượng, đài sen, bệ). Tượng được tạo tác với nét chạm to khoẻ phóng khoáng, cùng hoa văn rồng trên đài. 

Báu vật Kinh Bắc

Chùa Linh Ứngnằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Thuận Thành đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia như: Chùa Dâu xã Thanh Khương, Chùa Bút Tháp xã Đình Tổ, Lăng Kinh Dương Vương xã Đại Đồng Thành, làng tranh Đông Hồ xã Song Hồ, Đền thờ lăng mộ Sĩ Nhiếp thôn Tam Á xã Gia Đông. Đây là vùng đất Siêu Loại cổ xưa hội tụ linh khí của trời đất, đường thông khắp ngả nên đã được người xưa chọn làm thánh địa xây chùa.

Ngôi chùa Linh Ứng được xây dựng ngoảnh mặt về hướng nam- một trong hai hướng quan trọng nhất. Nếu như hướng tây được người ta tin rằng ổn định nhất, vì hướng Tây hợp với sự vận hành của âm dương, khiến cho thần linh không rời bỏ nghĩa vụ vì chúng sinh đau khổ thì hướng nam được coi là hướng của Đế vương “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”. Thánh nhân mặt quay về hướng Nam mà nghe lời tấu trình của thiên hạ. Theo triết lý âm dương là phía sáng sủa đầy dương tính. Vì vậy Phật ngồi quay hướng Nam để nghe lời kêu cứu của chúng sinh trong kiếp đời tục lụy, đặng dùng pháp lực vô biên, từ bi, hỷ xả.

Trong không gian của di tích, ngoài việc chọn đất, chọn hướng thì cây cối cung đóng một vai trò rât quan trọng. Cây cỏ được ví như “bộ quần áo đẹp” tô điểm cho di tích, làm cho chúng hòa quyện với môi trường và không cách biệt. Mặt khác cây cỏ còn như nhấn mạnh một điểm cơ bản xác nhận mảnh đất có di tích là tốt thích ứng với đất thiêng, đất lành của muôn loài. Hơn nữa khi bước vào di tích được bao bọc bởi cây cỏ, tâm hồn của người hành hương như tươi mới, hòa vào thiên nhiên đất trời. 

Với ý nghĩa như vậy, chùa Ngọc Khám đã trồng khá nhiều các loại cây lâu năm, cây ăn quả, cây cảnh. Phía ngoài cửa chùa là ba cây mít và một cây nhãn, hai cây đại hai bên cùng nhiều cây cảnh, tuy thân cây không to nhưng tán của nó tỏa rộng khắp, vươn cao lên như đón nhận sự tinh túy và sức sống từ bầu trời để che chở cho tâm hồn những người hành hương.

Bên cạnh những cây lâu năm, trong sân chùa còn trồng các loại cây cảnh làm cho cảnh quan xung quanh thoáng đãng, mát mẻ; tạo không khí linh thiêng, tĩnh mịch sự giao hòa giũa trời và đất.

Bước vào khu di tích chùa Linh Ứng ta có thể cản nhận một vùng không gian linh thiêng với tòa Tam quan uy nghi mới được xây dựng lại năm 1997. Đi sâu vào bên trong qua một khoảng sân nhỏ là năm gian Tiền Đường 4 mái cong vút rồi đến Thượng Điện được đặt thờ 5 hàng tượng với bộ tượng tam thế bằng đá.Phía sau Nhà Tổ là ba gian nhà Mẫu xây theo kiểu kiến trúc hiện đại nên mái cao và rất thoáng. Xung quanh khu di tích là những cây xanh cho bóng mát và góp phần tạo bầy không khí linh thiêng, dịu nhẹ và thoát tục cho du khách đến nơi đây.

Đọc thêm