Năm 2010, kỷ lục Việt Nam xác nhận tượng Phật A Di Đà tại chùa Ngũ Xã (quận Ba Đình, TP Hà Nội) là pho tượng Phật bằng đồng lâu đời nhất Việt Nam. Tượng được đúc từ năm 1949 đến 1952, cao 3,95m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,60m, nặng 10 tấn. Pho tượng đặt trên tòa sen cao 1,45m, nặng 3,9 tấn và do các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã làm ra.
Pho tượng đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp
Chùa Ngũ Xã tên chữ là Thần Quang tự hay Phúc Long tự nằm ở phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội được dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ 18. Sau trận hỏa hoạn năm 1949, chùa được xây dựng lại, hoàn thành năm 1952. Chùa là nơi thờ Phật và ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã.
Cũng có thể bởi lẽ đó mà Thượng tọa Thích Vĩnh Tường, Trụ trì chùa Ngũ Xã lúc đó muốn đúc một pho tượng thờ trong chùa bằng đồng. Theo lời kể của nhiều người già trong làng, thời điểm đó Phật giáo rất thịnh hành ở nước ta, Thượng tọa Thích Vĩnh Tường khi đó đã nói với dân làng rằng: Dù bất cứ thời đại nào, dù đế quốc hay dân chủ thì nền văn hóa của đạo Phật hay Thiên chúa giáo không bao giờ mất đi.
|
Chùa Ngũ Xã (Hà Nội). |
Ngay khi biết được ý định của Thượng tọa Vĩnh Tường, người dân làng Ngũ Xã đã vô cùng phấn khởi và ủng hộ. Ban trị sự của làng Ngũ Xã khi đó đã họp và cử ra những người có tay nghề cao nhất để chịu trách nhiệm về mỗi phần công việc. Tuy nhiên, dù trong làng có nhiều người tay nghề cao nhưng không ai dám đứng ra nhận làm. Bởi lẽ do bức tượng quá lớn, lại hoàn toàn làm bằng thủ công nên ai cũng lo sợ những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện.
Cuối cùng, các trưởng lão trong làng đã chỉ định kiến trúc sư Nguyễn Văn Tùy làm tổng chỉ huy công trình. Lý do bởi ông Tùy là người có trình độ học vấn cao, từng sang Nhật, sang Tàu tu nghiệp. Do đó, cả làng Ngũ Xã ngày đó chỉ có ông Tùy mới đủ khả năng cáng đáng được công trình đồ sộ chưa từng có này. Cùng với đó, làng cũng chọn ra 5 người làm chính bức tượng. Các nghệ nhân Nguyễn Văn Hiếu vẽ kiểu tượng và Nguyễn Văn Tùy là thợ cả phường đúc trông coi công việc.
Những năm 1940 của thế kỷ trước, để đúc một bức tượng lớn như vậy thường rất phức tạp và không có nơi nào dám làm. Tất cả mọi khâu đúc tượng đều phải thực hiển thủ công, máy móc hiện đại đều chưa có.
|
Bức tượng Phật A Di Đà chùa Ngũ Xã là tượng đồng lớn và lâu đời nhất Việt Nam. |
Theo các cụ cao niên trong làng Ngũ Xã, thời điểm đó khâu nặn tượng để đúc là quan trong nhất. Các nghệ nhân trong làng đã phải mất nửa năm để nặn tượng bằng đất để cho đúng thiết kế. Sau đó mới chuyển sang làm tượng bằng xi măng. Cuối cùng mới làm khuôn để đổ đồng.
Vào hôm nấu đồng đổ tượng, cả làng Ngũ Xã được huy động để nấu đồng đổ tượng. Trong kí ức của nhiều người dân, cả làng Ngũ Xã ngày hôm đó giống như một công trường lớn, người già trẻ nhỏ cùng các nghệ nhân nấu đồng trong 10 lò cả thảy.
Đặc biệt, khi đó ông Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội đã cho lực lượng phá bỏ nhiều bức tượng được coi là tàn dư của thực dân Pháp. Trong đó, có các bức tượng nổi tiếng như tượng Sĩ Nông Công Thương ở Vườn hoa Canh Nông (nay là Vườn hoa Lê-nin), tượng Toàn quyền Pôn Be ở Vườn hoa Pôn Be (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ).
|
Khu vực đặt tượng Phật A Di Đà trong chùa Ngũ Xã. |
Ngay cả bức tượng Nữ thần Tự Do hay còn gọi là bà Đầm xòe, một phiên bản của tượng Nữ thần Tự Do của nước Mỹ cũng bị phá dỡ và chuyển đến giúp chùa làm tượng Phật. Việc nấu chảy những bức tượng là biểu tượng một thời của chế độ thực dân Pháp cho thấy quyết tâm không để những tàn dư của một thời
“Chính mắt tôi đã nhìn thấy bức tượng bà Đầm xòe được chuyển đến chùa để nấu đồng. Khi đó bức tượng vẫn còn nguyên cả khối, cao khoảng 2,5m làm bằng đồng. Mọi người phải gọi thợ rèn đến để phá từng mảnh mới mang đi nấu”, cụ Nguyễn Văn Dũng, một trong những nghệ nhân chính tham gia vào quá trình đúc tượng chùa Ngũ Xã từng chia sẻ với báo chí.
Kỹ thuật bí truyền làng Ngũ Xã
Tượng Phật A Di Đà ở chùa Ngũ Xã có tư thế ngồi bằng, hình khắc đơn giản nhưng hài hòa, khiến mọi người cảm nhận được vẻ hiền từ, trầm tĩnh từ nét mặt, thân hình, đến dáng ngồi, nếp áo. Tất cả toát lên sự trầm lắng, sâu xa, nhưng lại giống người thật. Không chỉ kỳ vĩ về kích thước, pho tượng này còn được đúc theo kỹ thuật rỗng liền khối, một kỹ thuật bí truyền mà chỉ làng Ngũ Xã mới có.
Được biết, trước khi đổ đồng vào khuôn, các nghệ nhân phải nung chín khung đất của tượng. Phần bên trong tượng phải xây lò đốt ở dưới chân đế để tượng chín như gạch. Theo lý giải của các nghệ nhân, nếu để bề mặt đất vẫn còn ướt, khi đổ nước đồng có nhiệt độ khoảng 1.400 độ C, giữa nóng và lạnh sẽ sôi và tạo hơi. Khi đó bức tượng sẽ bị lỗi và khuôn có thể bị phá.
Theo kinh nghiệm của người thợ, khi nào nhìn thấy nước đồng trong nồi có ánh vàng khói bốc lên, thì có một nước đồng tốt. Khi rót đồng, để đồng thoáng và trong, phải gạt hết bã, sau đó rót vào khuôn. Rót phải đều tay, mũi đồng xuống tròn đều không được ngắt quãng, nhưng phải biết lúc nào cần phải ngừng. Đúc các quả chuông lớn hay các bức tượng Phật lớn như chùa Ngũ Xã, phải giảm dần đều mũi đồng.
|
Bức tượng được đúc bằng kỹ thuật bí truyền của làng đồng Ngũ Xã. |
Sau khi hoàn thành nhiều người dân trong làng lo ngại không thể chuyển pho tượng từ nền đất trước cổng chùa vào bên trong. Bởi pho tượng có kích thước cao tới gần 4m và trọng lượng hơn 10 tấn, huy động cả làng cũng không khiêng nổi. Sau đó, nhà chùa Ngũ Xã phải mượn kích thủy lực để di chuyển pho tượng và đặt vào vị trí hiện tại.
Theo sử sách ghi lại: Vào khoảng đời Lê (1428-1527) có một số thợ đúc đồng quê ở 5 xã Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên (hay Thái Ti) và Điện Tiền đều thuộc huyện Siêu Loại (nay thuộc vùng Thuận Thành - Bắc Ninh và Văn Lâm - Hưng Yên) cùng nhau ra bán đảo hồ Trúc Bạch lập nên một làng gọi là Ngũ Xã Tràng (trường đúc của 5 xã).
Họ mở lò đúc các sản phẩm bằng đồng như nồi, đỉnh, chuông, tượng, đồ thờ và cả tiền đồng. Về sau làng được tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã, thuộc quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Theo thời gian nghề đúc đồng Ngũ Xã được trọng dụng và phát triển hưng thịnh. Thời ấy nghề đúc đồng Ngũ Xã đã được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Điều này được thể hiện trong câu vè được lưu truyền từ bao đời: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”.
Tuy nhiên, ngày nay do xu hướng phát triển đô thị hóa, làng nghề Ngũ Xã cũng ngày càng bị thu hẹp về diện tích và số lượng các gia đình làm nghề. Trong kí ức của nhiều nghề nhân năm 1952 khi đúc một pho tượng A Di Đà cần trưng dụng tất cả thợ giỏi trong làng, thì làng nghề mới nhộn nhịp. Sau khi đúc pho tượng ấy, làng Ngũ Xã lại trở về không khí trầm lắng vốn có.
Ngày nay, bức tượng Phật A Di Đà vẫn là niềm tự hào, minh chứng rõ ràng nhất cho tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân làng đồng Ngũ Xã.