Linh thiêng Hoa Lư tứ trấn - Bài 1: Trấn Bắc: Đền Đa Giá thờ thần Thiên Tôn

(PLVN) - Đất Hà Thành ngàn năm văn vật, thủ đô "trái tim hồng" của cả nước có tứ trấn Thăng Long được hầu hết con dân nước Việt đều biết đến. Nhưng không nhiều người biết rằng, cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) cũng có Hoa Lư tứ trấn nổi tiếng linh thiêng… 
Trấn Bắc: đền Đa Giá.
Trấn Bắc: đền Đa Giá.

Theo tài liệu khảo cứu về Hoa Lư tứ trấn, tứ trấn là khái niệm các thần trấn phương của kinh thành.Cố đô Hoa Lư của thời Đinh Lê có 4 vị thần được tôn là Tứ trấn, tương tự như ở đất Thăng Long. Hiện nay việc sắp xếp trấn phương của các vị thần này như sau: Trấn Đông là thần Thiên Tôn, Trấn Tây là thần Cao Sơn, Trấn Bắc là thần Không Lộ, Trấn Nam là thần Quý Minh. Người ta cho rằng như vậy trong tứ trấn thì có 3 thiên thần và 1 nhân thần.

Cũng theo tài liệu khảo cứu về Hoa Lư tứ trấn, thực sự thì những vị thần này là ai và phương vị của họ nêu trên có đúng không? Khảo cứu những tư liệu dân gian ở đây cho hiểu biết thêm về thời kỳ cổ sử ở khu vực Ninh Bình cũng như cho toàn miền Bắc Việt Nam.

Bản đồ Hoa Lư tứ trấn (theo Wikipedia).
 Bản đồ Hoa Lư tứ trấn (theo Wikipedia).

Trấn Bắc chính là đền Đa Giá thờ thần Thiên Tôn. Thần Thiên Tôn ở Hoa Lư có nơi thờ chính là bản quán của thần tại thôn Đa Giá (Ninh Mỹ, Hoa Lư). Tại đây có động Thiên Tôn và đền Đa Giá thờ thần. Thiên Tôn là Huyền Thiên Trấn Vũ với sự tích tương tự như ở Trấn Vũ Quán của thôn Ngọc Trì (Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội). Thần là Huyền Thiên Thượng đế Đăng Ma Thiên Tôn, bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Thần đã đầu thai nhiều kiếp, sau đó làm hoàng tử ở Tĩnh Lạc Quốc, rồi đi vào Vũ Đương Sơn tu luyện…

Hoa Lư tứ trấn chỉ 4 vị thần trấn 4 phương của kinh thành Hoa Lư thời Đinh Lê, bao gồm:

- Trấn Bắc: Thiên Tôn Huyền Thiên Lão Tử, người đã khiển quy xà, giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa thời Chu. Quê hương của Lão Tử ở làng Đa Giá, nay gần thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư.

- Trấn Đông: Quý Minh Đại vương, người anh em của Lạc Long Quân - Bát Hải Động Đình thời nhà Hạ, là Quan lớn đệ Tam của Thoải phủ.

- Trấn Nam: Cao Sơn Lạc tướng Vũ Lâm, là Sùng Công, cai quản vùng đất Cao - Sùng thời Thương.

- Trấn Tây: Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không thời Đinh Lê, có thể chính là thiền sư Vạn Hạnh, công thần lập quốc của nhà Lý.  

Thực ra Huyền Thiên Trấn Vũ chẳng phải ai khác chính là Lão Tử, vị giáo chủ của Đạo Giáo. Trong Đạo Giáo Lão Tử được tôn làm Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Còn Tĩnh Lạc quốc của Huyền Thiên là Tĩnh Hải Lạc Việt, tức là khu vực nước Nam thời nhà Đường.

Điều đáng ghi nhận là truyền thuyết ở Hoa Lư cho biết làng Đa Giá chính là quê hương của thần Thiên Tôn. Rất có thể đây chính là quê hương của Lão Tử. Một số thần tích ở Hà Nam (đình Phù Vân, Phủ Lý) cũng cho biết Thái Thượng Lão Quân (tức Lão Tử) cũng là người ở vùng này.

Trong đền Đa Giá có bức hoàng phi cổ: “Bắc phương chính khí”. Huyền Thiên là phương trời phía Bắc, có màu đen. Do đó thần Thiên Tôn ở Hoa Lư phải là trấn Bắc chứ không phải trấn Đông.

Động Thiên Tôn là di tích cổ, tương truyền do “Cao Đô Đường Thái sư” cho xây dựng. Cao Đô Đường thái sư tức là Cao Biền.

Cũng ở khu vực động Thiên Tôn khảo cổ đã tìm thấy hai loại gạch: gạch Giang Tây quân và Đại Việt quốc quân thành chuyên. Giang Tây quân là gạch của Tĩnh Hải quân nhà Đường, điều này khẳng định truyền thuyết về Cao Biền xây di tích này thờ thần Thiên Tôn.

Tam quan đền Thiên Tôn
Tam quan đền Thiên Tôn 

Tấm bia đá ở ngoài cửa động khắc bài ký của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (1805-1881) có đoạn: “Nước Nam ta thờ thần (Thiên Tôn) từ thời An Dương Vương. Thần trừ diệt yêu ma, được xếp vào bậc nhất danh thần. Tại động núi Vũ Đương xã Đa Giá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trước đây có tượng đế quân bằng gỗ, tay chống lên kiếm, chân đạp lên rùa và rắn. Phía Đông có ngôi đền thờ rất linh ứng.”

Động Thiên Tôn nằm ở chân núi Dũng Đương. Chữ Dũng hẳn là lấy từ từ ghép “vũ dũng”. Dũng Đương cũng là Vũ Đương. Ngọn Vũ Đương hay Võ Đang của Lão Tử lại nằm ở Ninh Bình.

Hoành phi “Bắc phương chính khí” ở đền Đa Giá.
 Hoành phi “Bắc phương chính khí” ở đền Đa Giá.

Câu đối ở chùa Thiên Tôn: "Thiên Tôn động cổ lưu danh thần Trấn Vũ/ Hoa Lư thành ngoại điển tích núi Dũng Đương".

Bài thơ khắc trên vách núi ở bên trái cửa động Thiên Tôn do Đoan trai Lương Quy Chính đề năm Thành Thái thứ 12 (1900): "Cửu du trùng phỏng Thiên Tôn động/ Linh tích cung chiêm Trấn Võ thần/ Thục đế sơn hà kim tạc mộng/ Hà Nam thủ kiếm diệt yêu phân.

Bản dịch của Trần Lâm Bình: "Thiên Tôn động cổ trở về thăm/ Dấu thiêng Trấn Vũ bái vọng thần/ Thục đế non sông qua giấc mộng/ Tay kiếm trừ yêu mấy khó khăn."

Nhà bia động Thiên Tôn và sử tử đá thời Lý.
Nhà bia động Thiên Tôn và sử tử đá thời Lý. 

Cả trong văn bia và bài thơ vách núi đều nói tới chuyện thần Thiên Tôn Trấn Vũ đã giúp Thục An Dương trừ yêu diệt quỷ. Bởi vì Huyền Thiên Trấn Vũ cũng là người được thờ ở đền Sái (Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội) với công trạng là giúp An Dương Vương trừ Bạch Kê Tinh xây thành Cổ Loa.

Như vậy sự hiện diện của Huyền Thiên hay Lão Tử trong chuyện thời An Dương Vương không phải chỉ có ở Cổ Loa. Đây là chứng tích cho thấy Lão Tử là người đã giúp An Dương Vương xây thành. Vua Chủ An Dương Vương không phải ai khác ngoài thiên tử Chu của thời Lão Tử. Lão Tử quê ở Ninh Bình, tu luyện ở núi Sái, là vị thầy thuốc chữa dịch bệnh cho nhân dân và giúp vua Chu dời đô về Cổ Loa.

(Đón đọc Trấn Đông: Đền thờ đức Thánh Quý Minh đại vương)

Đọc thêm