Linh thiêng Lễ rước Thánh mẫu chùa Bà Bình Dương

(PLVN) - Chùa Bà Thiên Hậu là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ được người dân Bình Dương biết đến mà còn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách thập phương trong nước cũng như du khách quốc tế khi đến Bình Dương. 
Hình ảnh Thánh mẫu Thiên Hậu.
Hình ảnh Thánh mẫu Thiên Hậu.

Kiến trúc đặc sắc

Nằm trên một diện tích khá lớn, tọa lạc ở thị xã Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương, chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng theo kiến trúc của các chùa miếu của người Hoa, đây là một trong các ngôi chùa của người Hoa được nhiều người biết đến. Chùa được thành lập giữa thế kỷ 19, nằm trên bờ rạch Hương chủ Hiếu. 

Bước chân qua hai cổng vào sơn đỏ đưa khách tham quan đi qua một khoảng sân rộng. Nơi đây ở góc trên, có đặt một tháp nhỏ dùng đốt giấy vàng bạc khi cúng. Bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu đặt ngay cửa vào với hai con rồng chầu hai bên. Bốn câu đối treo ngay cửa vào. Với hoa văn trang trí phổ biến tại nhiều nơi: Lưỡng long tranh châu và Cá hóa long.

Cổng vào chùa Bà.
Cổng vào chùa Bà. 

Chánh điện chùa Bà Bình Dương đề ba chữ "Thiên Hậu cung", trên hai cánh cửa chính là bốn chữ "Quốc thái dân an", hai bên là hai cặp câu đối ca ngợi công đức của Bà Thiên Hậu. Mái trước chính điện lợp ngói âm dương với đường vân đắp nổi. Hai bên đường viền của mái là tượng "bà mặt trăng", tượng quan văn, quan võ...

 

Bên trong chánh điện Chùa Bà có thêm cặp câu đối. Tại chánh cung, thờ vị chánh thần là Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng có áo mão nghiêm trang và thường xuyên được thay mới. Bên trái tượng Bà là khám thờ Ngũ Hành Nương Nương, là năm vị nữ thần tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bên phải thờ Ông Bổn, tức Bổn Đầu Công.

Lễ hội văn hóa truyền thống 

Lễ hội chùa Bà Bình Dương được xem là lễ hội văn hóa lớn nhất của tỉnh.Hàng năm, lượng khách hành hương về chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu đông dần từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết ngày Rằm tháng Giêng. Trung bình, thời điểm tết chùa Bà thu hút khoảng 10.000 khách hành hương mỗi ngày. Sau đó, lượng khách vãn dần cho đến hết tháng Giêng. Cao điểm nhất là ngày rước cộ Bà với hàng trăm ngàn người tham gia. 

Chính điện chùa Bà Thiên Hậu.
Chính điện chùa Bà Thiên Hậu. 

Vào những ngày này, ngôi chùa sẽ được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm, treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy.

Ngày 14 tháng Giêng âm lịch, lễ cúng vía Bà diễn ra, sau đó bá tánh vào chùa vía Bà. Trong dịp lễ này thường có tục “Thỉnh Lộc Bà”. Lộc là những cây nhang lớn và những cái đèn lồng phất giấy. Việc thỉnh lộc bằng đèn, nhang có ý nghĩa là mang ánh sáng và hương thơm, tượng trưng cho sự hanh thông, tươi sáng và may mắn cho gia đình.

Biểu diễn võ thuật trong lễ hội.
Biểu diễn võ thuật trong lễ hội. 

Trọng tâm lễ hội diễn ra với một số nội dung chính bao gồm phần lễ và phần hội như: lễ thay áo cho Bà, các nghi thức cúng kiếng, đấu giá 9 lồng đèn và rước cộ Bà qua các trục đường ở chợ Thủ Dầu Một trước khi quay lại chùa.

Múa rồng trong lễ hội.
Múa rồng trong lễ hội. 

Ngoài ra còn có hàng chục đoàn lân sư rồng biểu diễn nghệ thuật và cùng đoàn rước cộ theo suốt hành trình. Số tiền đấu giá lồng đèn và tiền cúng chùa của khách hành hương sẽ dành làm việc từ thiện, khuyến học, tu sửa chùa, kinh phí tổ chức lễ hội.

Linh thiêng lễ rước kiệu Bà

Ngày 15, cuộc rước kiệu Bà được bắt đầu, với không khí sôi động của đông đảo khách hành hương. Kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa. Mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại Chùa Bà Bình Dương và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua.

Đi đầu là tấm biển đề 4 chữ "Thiên Hậu xuất du". Kế tiếp là đoàn múa Hẩu (con Kim Mao Sư, sư tử rồng vàng) của người Hoa thuộc bang Phúc Kiến. Hẩu được xem là chúa của loài thú. Hẩu dẫn đầu đoàn rước với ngụ ý là muốn xua đuổi hoặc răn đe những cái xấu, cái ác. Điệu múa Hẩu mạnh bạo, dứt khoát bởi những người diễn võ. Múa Hẩu không có ông địa đi theo như múa Lân, Hẩu không leo trèo như Lân. Sau Hẩu là các xe hoa, rồi đồ binh khí, bát bửu, những tấm bài đề Túc Tĩnh, Hồi Tị.

Lễ rước kiệu bà Thiên Hậu.
Lễ rước kiệu bà Thiên Hậu. 

Sau đó đến cộ Bà, với 8 người khiêng. Khiêng cộ Bà là điều có nhiều phước lộc nên được phân đều cho cả 4 bang, mỗi bang phụ trách một góc cộ. Kế sau cộ Bà là đoàn lân của người Quảng Đông như để hộ vệ Bà cùng với 4 người đại diện của 4 bang người Hoa. Ý nghĩa của rước cộ là để Bà thăm viếng dân tình và để bá tánh chiêm bái, cầu khấn. Và tùy theo sáng kiến từng năm của ban tổ chức mà sẽ có thêm đoàn Bát tiên (gồm 6 tiên ông và 2 tiên bà), cùng các tiên nữ và đoàn múa rồng...

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương vừa là lễ hội đặc sắc đậm chất truyền thống văn hóa thu hút khách hàng hương, vừa đưa sự linh thiêng vào cuộc sống, tạo sự nối kết với tâm linh. Đồng thời,cũng là dịp để mọi người vui chơi, giải trí trong không khí tín ngưỡng dân gian, đầu xuân năm mới.

Đọc thêm